CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

CĂN CỨ LÝ LUẬN KHẲNG ĐỊNH GIÁ TRỊ KHOA HỌC VÀ CÁCH MẠNG CỦA HỌC THUYẾT HÌNH THÁI KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA C. MÁC

 

          Các quan điểm phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác cho rằng học thuyết này là sai lầm, lỗi thời thường phủ định tính khách quan của quy luật xã hội mà học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác chỉ ra; cho rằng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác là lỗi thời vì thực tiễn đã thay đổi... Karl Raimund Popper (1902-1994) đã từng bác bỏ học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác trong “Sự khốn cùng của chủ nghĩa lịch sử”. Ông ta cho rằng, sự khái quát quy luật phải dựa trên sự lặp đi, lặp lại của các sự kiện, điều này chỉ có thể thực hiện được trong khoa học tự nhiên, chứ không thể áp dụng được với khoa học xã hội, vì xã hội vẫn đang trong trạng thái sinh thành liên tục chưa có kết thúc. Hơn thế, xã hội là kết quả của vô số những cá nhân hoạt động vì lợi ích của mình, với vô số quan hệ chằng chịt và các sự kiện không thể dự đoán trước, do đó, không thể nắm bắt được trạng thái và xu hướng vận động của xã hội, quy luật xã hội. Hay Alvin Toffler (sinh năm 1928) lấy sự phát triển của khoa học, công nghệ làm tiêu chuẩn phân chia lịch sử loài người thành những giai đoạn văn minh nông nghiệp; văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp (văn minh tin học). Từ đó ông ta cũng phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác...

          Phản bác lại những quan điểm này, chúng ta có căn cứ lý luận và thực tiễn; về căn cứ lý luận cụ thể:

          Một là, các quy luật xã hội cũng giống như các quy luật tự nhiên có cơ sở khách quan, tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý thức của con người, nhưng con người có thể nhận thức được quy luật xã hội. Trong lịch sử, việc phát hiện ra quy luật xã hội đã được G. Hêghen - nhà triết học duy tâm cổ điển Đức, nêu ra trước C. Mác. Có thể nói, G. Hêghen là người đầu tiên trong lịch sử triết học đã trình bày toàn bộ thế giới tự nhiên, lịch sử và tinh thần như một quá trình, tức là luôn vận động, biến đổi, biến hóa và phát triển và ông đã vạch ra được mối liên hệ nội tại của sự vận động, sự phát triển ấy. Theo quan điểm của G. Hêghen, lịch sử loài người đã không còn thể hiện ra là một mớ hỗn độn của những hành vi bạo lực vô nghĩa nữa. Nghĩa là ông đã tìm ra quy luật vận động của cả tự nhiên, xã hội và tinh thần. Nhưng sai lầm của ông là mối liên hệ nội tại của sự vận động, phát triển ấy lại được ông tìm thấy ở “Ý niệm tuyệt đối” - tồn tại bên ngoài con người và là cơ sở của cả giới tự nhiên, xã hội và tinh thần của con người. Do đó, ông đã không giải quyết được triệt để vấn đề này. Hơn nữa, phương pháp mà G. Hêghen vận dụng để nhận thức quy luật vận động của tự nhiên, xã hội và tinh thần là phương pháp biện chứng duy tâm. C. Mác là người giải quyết được vấn đề này khoa học, duy vật và đúng đắn hơn. Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác trên cơ sở các quan hệ kinh tế hiện thực, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng; giữa các giai cấp đối kháng trong xã hội có đối kháng giai cấp của mỗi thời đại mà giải thích đời sống xã hội nên đã phát hiện ra quy luật vận động khách quan của lịch sử xã hội. Đây là cách tiếp cận dựa trên các căn cứ khoa học. Các quy luật tự nhiên và quy luật xã hội đều có cơ sở chung đó là tính thống nhất vật chất của thế giới. Con người và xã hội loài người cũng chỉ là một bộ phận của thế giới tự nhiên. Nhưng xã hội là lĩnh vực đặc thù của giới tự nhiên với hình thức vận động đặc biệt, hơn nữa các quy luật xã hội chỉ được hình thành, vận động thông qua hoạt động thực tiễn của con người. Con người không tùy tiện xóa bỏ được quy luật, nhưng có thể tác động làm cho quy luật nhanh diễn ra hoặc chậm diễn ra hơn thông qua hoạt động thực tiễn. Vì thế, các quy luật xã hội khác quy luật tự nhiên ở chỗ chúng mang tính xu hướng và nhận thức kiểm nghiệm khó khăn, phức tạp hơn so với các quy luật của tự nhiên. Nhưng con người vẫn có thể nhận thức được quy luật xã hội.

          Hai là, Quan điểm coi sản xuất vật chất là nền tảng của sự tồn tại và phát triển xã hội; biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng là nền tảng của sự vận động, phát triển xã hội là không hề sai lầm, lỗi thời. Sự phát triển của lịch sử loài người đã chứng tỏ, sản xuất vật chất là phương thức tồn tại của xã hội loài người, không có sản xuất vật chất thì xã hội loài người không thể tồn tại, vận động, phát triển. Thông qua quá trình sản xuất vật chất, con người chinh phục tự nhiên, cải tạo xã hội, hoàn thiện bản thân. Nhờ sản xuất vật chất mà xã hội loài người vận động, phát triển. Các quan điểm phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác, trong đó có quan điểm của Alvin Tofler cho rằng, sự phát triển của trí tuệ, khoa học, công nghệ... chứ không phải sản xuất vật chất mới là tiêu chí, động lực cho sự vận động, phát triển của xã hội. Các quan điểm này cũng có cơ sở khoa học và thực tiễn nhất định, bởi lẽ lịch sử loài người đã chứng minh, những thời kỳ phát triển nhanh, mạnh của lịch sử là những thời kỳ có sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, trí tuệ. Tuy nhiên, cách tiếp cận của các quan điểm này không toàn diện, một chiều do đó không thực sự khoa học và thiếu cơ sở khách quan. Bởi, cũng chính thực tiễn phát triển của lịch sử loài người đã cho thấy không thể tách trí tuệ, khoa học, công nghệ ra khỏi sản xuất vật chất và thiếu sản xuất vật chất thì trí tuệ, khoa học, công nghệ cũng không thể phát triển được, mặc dù chúng cũng đóng vai trò quan trọng và tác động trở lại tới sản xuất vật chất. Hơn thế, lý luận hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác có phương pháp tiếp cận toàn diện về xã hội, từ quan hệ của con người đối với tự nhiên, quan hệ của con người với nhau trong sản xuất vật chất đến các quan hệ xã hội của con người, các quan điểm chính trị, pháp luật, triết học, đạo đức... cùng các thiết chế như nhà nước, đảng phái, giáo hội... Cách tiếp cận của lý luận hình thái kinh tế - xã hội đã đem lại bức tranh đầy đủ, toàn diện về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

          Ba là, những người bác bỏ học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác cho rằng, học thuyết này là một hình thức của thuyết quyết định luận lịch sử. Thực chất không phải vậy, bởi tính tất yếu của sự ra đời của xã hội mới từ trong lòng xã hội cũ là so sự vận động của sản xuất vật chất, của mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng... Đặc biệt là do sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất. Sự thay đổi trong quan hệ của con người với tự nhiên sớm hay muộn sẽ làm thay đổi quan hệ của con người với con người trong sản xuất vật chất. Từ đó sẽ kéo theo sự thay đổi của các quan hệ xã hội, các quan điểm, tư tưởng, tinh thần, các thiết chế xã hội. Sự thay đổi các quan hệ này đến một “điểm nút” nhất định và tất nhiên còn phụ thuộc vào các điều kiện lịch sử - xã hội cụ thể thì xã hội mới mới được ra đời từ trong lòng xã hội cũ. Đây là quá trình có thể diễn ra rất lâu dài, quanh co, phức tạp nhưng xét đến cùng do sự thay đổi của lực lượng sản xuất quy định. Sự khác biệt trong quan điểm của C. Mác với thuyết quyết định luận lịch sử ở chỗ C. Mác không cho rằng, tính tất yếu của sự ra đời hình thái kinh tế - xã hội mới nghĩa là nó sẽ thụ động, tự phát được ra đời. Đồng thời, lý luận của C. Mác chỉ rõ rằng, chỉ có con người mới có khả năng tự làm ra lịch sử của mình một cách có ý thức. Tuy nhiên, C. Mác và Ph. Ăngghen không duy ý chí cho rằng con người có thể “tiên đoán” mọi thứ ngay. Quy luật xã hội vận động biến đổi phức tạp hơn quy luật tự nhiên. Bởi, quy luật xã hội phải thông qua hoạt động thực tiễn của con người mới bộc lộ, vận động, phát triển. Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác chính là một phương pháp khoa học để khái quát quy luật xã hội.

          Bốn là, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác là khoa học bởi, ông đã chọn điểm xuất phát cho sự phát triển của xã hội là sản xuất vật chất, là trình độ của lực lượng sản xuất và cùng với quan hệ sản xuất là toàn bộ kiến trúc thượng tầng. Sản xuất vật chất theo đúng nghĩa, xét về bản chất bao giờ cũng mang tính xã hội. Vì vậy, nghiên cứu xã hội phải nghiên cứu cả lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội và chỉ ra trong các quan hệ xã hội chằng chịt ấy thì quan hệ xã hội nào đóng vai trò chi phối các quan hệ xã hội khác. C. Mác đã chỉ ra quan hệ sản xuất - quan hệ vật chất đóng vai trò chi phối mà mấu chốt của quan hệ này là quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất. Xuất phát từ quan hệ này, Ông nghiên cứu kiến trúc thượng tầng.

          Như vậy, đây là phương pháp tiếp cận toàn diện, hệ thống, nhất quán theo một lôgíc nội tại đi từ sản xuất vật chất đến sản xuất tinh thần, từ đời sống kinh tế đến đời sống chính trị, từ lực lượng sản xuất đến quan hệ sản xuất, từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng. Trong học thuyết của mình, C. Mác còn nhấn mạnh chiều tác động trở lại của sản xuất tinh thần đến sản xuất vật chất; của chính trị đối với kinh tế; của quan hệ sản xuất đến lực lượng sản xuất; của kiến thức thượng tầng đến cơ sở hạ tầng. Cách tiếp cận xã hội của C. Mác là biện chứng, khoa học, không thể là sai lầm, lỗi thời.

 

 N.T.L - H2

0 nhận xét: