CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

CĂN CỨ THỰC TIỄN GÓP PHẦN BÁC BỎ QUAN ĐIỂM SAI TRÁI HỌC THUYẾT HÌNH THÁI KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA C. MÁC LÀ SAI LẦM, LỖI THỜI

 

Trong lịch sử, các quan điểm phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác cho rằng học thuyết này là sai lầm, lỗi thời thường phủ định tính khách quan của quy luật xã hội mà học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác chỉ ra; cho rằng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác là lỗi thời vì thực tiễn đã thay đổi...

Để phản bác lại những quan điểm này, bảo vệ bản chất khoa học, cách mạng của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác, chúng ta dựa chắc vào căn cứ lý luận và thực tiễn; về căn cứ thực tiễn:

Một là, sự ra đời của chế độ phong kiến là do chính sự phát triển của kinh tế trong lòng chế độ chiếm hữu nô lệ quy định. Khi chế độ chiếm hữu nô lệ đang lụi tàn đã xuất hiện một số chủ nô dân chủ, tiến bộ thay đổi cách quản lý kinh tế từ phương thức đánh đập, ép buộc nô lệ làm việc sang phương thức “khoán” sản phẩm trên một đơn vị đất canh tác. Phương thức này đã nảy sinh địa tô - một nhân tố kinh tế quan trọng mở đường cho cách thức bóc lột địa tô phong kiến và phương thức sản xuất phong kiến ra đời.

Hai là, sự ra đời của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa là do nguyên nhân kinh tế từ trong lòng hình thái kinh tế - xã hội phong kiến. Thực tiễn chứng minh, nguồn gốc và sự phát triển giai cấp tư sản và giai cấp vô sản là do nguyên nhân thuần túy kinh tế. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng ra đời từ trong lòng phương thức sản xuất phong kiến. Quá trình chuyển từ thủ công nghiệp phường hội lên công trường thủ công, từ công trường thủ công lên đại công nghiệp, cùng sự phân công lao động và nhu cầu trao đổi do lực lượng sản xuất phát triển tạo ra đã trở nên không tương thích với những đặc quyền phong kiến. Do đó, những xiềng xích phong kiến đã bị đập tan dù là dần dần như ở Anh hay một lần là xong như ở Pháp để nhường chỗ cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời.

Ba là, ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản hiện đại đã xuất hiện các điều kiện, tiền đề kinh tế, vật chất chuẩn bị cho sự ra đời của hình thái kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa. Đó là các xí nghiệp, hợp tác xã tự quản của người lao động - là một trong những phương thức phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một trong những tiền đề kinh tế quan trọng cho sự ra đời của phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn phát triển của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa đã xác nhận tính đúng đắn lý luận của C. Mác về mâu thuẫn cơ bản của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa: Mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa của lực lượng sản xuất với tính chất tư nhân tư bản chủ nghĩa của quan hệ sản xuất. Chính mâu thuẫn này có vai trò như một động lực phát triển đưa loài người từ lao động thủ công với nền sản xuất phân tán, manh mún, tự cung, tự cấp lên lao động cơ khí trong nền kinh tế thị trường và giờ đây đang đưa con người lên trình độ lao động tri thức trong nền kinh tế tri thức. Thực tế cho thấy, kinh tế tư bản chủ nghĩa đang tiến tới giai đoạn kinh tế tri thức và cổ phần hóa phổ biến. Mâu thuẫn này đã buộc phải chuyển hướng phát triển phiến diện chạy theo lợi nhuận của nhà tư bản, gây ra những hậu quả về môi trường, xã hội quá sức chịu đựng sang hướng phát triển “đồng thuận” hơn giữa kinh tế với môi trường và xã hội. Sự phát triển của lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng đưa đến sự biến đổi về sở hữu, từ sở hữu tư nhân tư bản sẽ chuyển hóa thành sở hữu xã hội như một tất yếu kinh tế. Đây cũng là sự phủ định biện chứng để tạo ra cơ sở, tiền đề cho phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa mới ra đời từ trong lòng chủ nghĩa tư bản. Điều này càng chứng tỏ những dự báo mà lý luận hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác đưa ra hoàn toàn khoa học, không hề sai lầm và lỗi thời.

Bốn là, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác vẫn hoàn toàn đững vững trước thực tế lịch sử phát triển hiện thực của các quốc gia dân tộc trên thế giới. Tính lịch sử trong sự vận động của các hình thái kinh tế - xã hội của Ông chỉ ra, sự vận động của các hình thái kinh tế - xã hội diễn ra một cách khách quan nhưng gắn liền với những điều kiện lịch sử - cụ thể của từng quốc gia dân tộc. Do các điều kiện lịch sử, văn hóa, truyền thống... ở mỗi quốc gia dân tộc mà sự vận động của các hình thái kinh tế - xã hội có thể diễn ra tuần tự từ thấp đến cao hoặc bỏ qua một hoặc vài hình thái kinh tế - xã hội. Thực tiễn đó không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của họ mà do sự quy định các điều kiện thực tế lịch sử.

Tính thực tế lịch sử còn biểu hiện, trong cùng một thời đại nhưng các quốc gia dân tộc khác nhau có thể không phát triển cùng một hình thái kinh tế - xã hội. Hoặc trong cùng một hình thái kinh tế - xã hội, các quốc gia dân tộc khác nhau cũng có sự khác nhau. Chẳng hạn như, trong hình thái kinh tế - xã hội phong kiến, đặc trưng của châu Âu là phân quyền, còn phương Đông là tập quyền. Điều này không trái với tính khách quan của sự vận động của các hình thái kinh tế - xã hội. Tức là, tính lịch sử này cũng bị chi phối bởi tính khách quan, do điều kiện thực tế khách quan quy định. Như vậy, việc bỏ qua một hay vài hình thái kinh tế - xã hội trong sự phát triển của một quốc gia dân tộc nào đó không thể tùy tiện mà phải tuân theo quy luật khách quan.

Năm là, lý luận của C. Mác về con đường lịch sử - tự nhiên từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và lý luận về con đường phát triển rút ngắn lên chủ nghĩa xã hội của V.I. Lênin không mâu thuẫn với nhau. Bởi, lý luận về con đường lịch sử - tự nhiên từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội của các nước công nghiệp phát triển được C. Mác rút ra từ nghiên cứu thực tế kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và lý luận về con đường phát triển rút ngắn của những nước chưa phát triển lên chủ nghĩa xã hội được V.I. Lênin rút ra từ thực tế lịch sử nước Nga. Sở dĩ như vậy vì C. Mác và V.I. Lênin nghiên cứu chủ nghĩa tư bản ở hai thực tế lịch sử - cụ thể khác nhau. Hơn thế, con đường phát triển rút ngắn của V.I. Lênin cũng mang tính lịch sử - tự nhiên, cũng do những điều kiện khách quan quy định, không thể tùy tiện, chủ quan. Do đó, hai con đường phát triển này bổ sung, làm phong phú lẫn nhau. Như vậy, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác được V.I. Lênin bổ sung, phát triển bằng thực tiễn mới, chứng tỏ sức sống mới của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác.

Sáu là, quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng... chỉ bộc lộ thông qua hoạt động thực tiễn của con người. Chủ nghĩa tư bản hiện đại thông qua hoạt động của mình đã có những điều chỉnh nhất định để những mâu thuẫn này tạm thời không trở nên gay gắt, nằm trong tầm kiểm soát của họ. Nhưng sự điều chỉnh này không thể là vĩnh viễn. Trong các nước tư bản hiện nay, công nhân hiện đại có thể mua cổ phiếu của các công ty. Nhưng vì thế mà cho rằng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác không còn phù hợp, là sai lầm, lỗi thời là không có căn cứ. Hiện nay, có rất nhiều kẻ cơ hội cho rằng việc công nhân có cổ phiếu chứng tỏ tính xã hội hóa cao của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và tính dân chủ hóa tư bản của nền sản xuất tư bản hiện đại, công nhân bây giờ là những người đồng sở hữu với nhà tư bản. Do vậy, ngày nay không thể nói công nhân bị bóc lột nữa. Điều này là hoàn toàn ngụy biện. Bởi, việc mua cổ phiếu của công nhân chưa chứng minh được tính xã hội hóa của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã tương thích với tính xã hội hóa của lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa, giữa lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa không còn mâu thuẫn. Hơn nữa, một số công nhân trong các nhà máy của nhà tư bản hiện nay có cổ phiếu nhưng giá trị quá nhỏ của những cổ phiếu sẽ không bao giờ giúp họ có quyền tham gia quyết định quá trình sản xuất. Cũng không phải tất cả công nhân hiện đại ở các nước tư bản chủ nghĩa đều có tiền để mua cổ phiếu. Mặc dù những yếu tố cấu thành C, V, m có những thay đổi nhất định so với thời kỳ mà học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác ra đời, nhưng thực tiễn ngày nay càng chứng minh tính đúng đắn và học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác không hề lạc hậu, sai lầm, hay lỗi thời.

Như vậy, xét từ góc độ thực tiễn thì học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác không hề sai lầm, lỗi thời. Các quan điểm của C. Mác, dù có bị người ta xét đoán như thế nào chăng nữa thì vẫn là kết quả của những sự nghiên cứu trung thực trong nhiều năm.

 N.T.L - H2

0 nhận xét: