Công cuộc đổi mới 35 năm qua đã thực sự gắn bó với vận mệnh dân tộc, vận mệnh đất nước, gắn bó với mỗi người chúng ta và được bạn bè quốc tế quan tâm đến như một lẽ đương nhiên. Chính vì thế, mọi biểu hiện của đổi mới luôn được nhiều người chăm chú theo dõi, phân tích, đánh giá, nhận định. Trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng vừa qua, công cuộc đổi mới luôn được Đảng ta xác định rõ ngay trong chủ đề của Đại hội. Đại hội XI của Đảng xác định "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới…".[1] Đại hội XII cũng nhấn mạnh"… đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới"[2]. Chủ đề của Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: "…tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới…"[3].
Quan
điểm của Đảng ta nhất quán như vậy và được toàn thể nhân dân Việt Nam đồng
tình, hưởng ứng nhưng vẫn có một số phần tử ác ý tung ra những luận điệu đả
kích, chống phá trắng trợn, hoặc một số thế lực muốn lái chúng ta đi theo con
đường khác. Những luận điệu đen tối đó cho rằng, đổi mới như vậy coi như đã
xong, nay cần xem xét lại vì đã không còn động lực. Ý kiến khác đòi hỏi phải đổi
mới mạnh mẽ hơn về chính trị để tạo thêm động lực, nếu không, trước sau cũng sẽ
đưa đến tàn lụi đất nước. Tựu trung, chủ ý thâm độc nhất cho rằng đổi mới đã cạn
kiệt nguồn lực, từ sau Đại hội XIII không đổi mới nữa, hoặc nếu có đổi mới thì
đổi mới về chính trị mà thôi. Chúng ta có đủ luận cứ để bác bỏ các luận điệu
đen tối đó.
Trước
hết, cần khẳng định bản chất và nhiệm vụ của công cuộc đổi mới. Đổi mới là một
cuộc vận động mang tính cách mạng không ngừng để thay cái cũ bằng cái mới tốt
hơn. Không phải bây giờ mà trong quá trình cách mạng, chúng ta luôn thực hiện sự
đổi mới. Có điều công cuộc đổi mới lần này mang tính toàn diện, tổng thể, sâu sắc,
liên tục và được chuẩn bị có bài bản. Đổi mới là công việc của chúng ta, theo
cách thức và bước đi của ta. Đổi mới là công cuộc sáng tạo mang tính tất yếu.
Công cuộc đó phải được triển khai một cách sâu rộng và đồng bộ, nhưng phải cân
nhắc từng đường đi nước bước cụ thể, chắc chắn.
Đổi
mới vừa là sự thay thế cái cũ, vừa là sự chọn lựa cái cũ, cái hiện đang còn tác
dụng để cải biến cho nó trở nên thích dụng hơn. Đổi mới có thể coi là một sự phủ
định biện chứng: Không bao giờ phủ định sạch trơn và không bao giờ quay lại cái
cũ. Đổi mới đồng bộ, hài hòa giữa kinh tế và chính trị với mục tiêu giữ vững định
hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đổi mới
để phát triển, đồng nghĩa với phát triển, nhưng là sự phát triển trong thế ổn định,
sự phát triển theo đúng định hướng và con đường mà chúng ta đã chọn. Có người
khuyên ta: cần tư nhân hóa nhanh hơn, hội nhập thương mại nhanh hơn, phá giá đồng
tiền mạnh hơn. Lời khuyên đó dẫu có chân thành thì chúng ta cũng không thể làm
như thế. Bởi vì, hơn ai hết, chúng ta hiểu rõ tình hình thực tế của đất nước
mình, và đặc biệt quan trọng là chúng ta thực hiện đổi mới nhưng có nguyên tắc,
đổi mới nhưng không thay đổi bản chất chế độ xã hội. Đổi mới là thực hiện bước
chuyển từ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường, nhưng
trong khi thực hiện cơ chế thị trường, Nhà nước phải quản lý và điều hành theo
định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục tình trạng thả nổi thị trường; đổi mới để
phát triển kinh tế, nhưng sự phát triển đó phải đi đôi với thực hiện công bằng
xã hội, khắc phục tình trạng phân hóa giàu nghèo. Đổi mới có yêu cầu và gắn với
mở cửa, hội nhập. Đổi mới có yêu cầu và gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước. Toàn bộ công cuộc hội nhập, mở cửa, đẩy mạnh công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước là để thực hiện
chiến lược phát triển nhanh và bền vững; là để xây dựng và tăng cường lực lượng
sản xuất, củng cố và phát triển quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; là để nâng tầm
đất nước lên trình độ mới, tầm cao mới. Vậy nên đổi mới chính là để hướng tới
chủ nghĩa xã hội, để hiện thực quá độ lên chủ nghĩa xã hội ngày càng được xác lập
rõ ràng hơn.
Qua
35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch
sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền
kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải
thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy
tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, là nguồn lực quan trọng,
là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách
thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ, phát triển
nhanh và bền vững đất nước.
Nhìn
lại những nét chính yếu của hành trình đổi mới chúng ta thấy rõ nhận định của Đại
hội XIII là hoàn toàn chuẩn xác. Đổi mới tư duy đã khắc phục được những nhận thức
lệch lạc, nhất là bệnh giáo điều, chủ quan duy ý chí, từng bước hình thành những
quan niệm mới về mục tiêu, bước đi và cách thức phát triển đất nước, chuyển dịch
cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Công cuộc đổi
mới đã giải phóng sức sản xuất, củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất mới, đưa
đất nước ta ra khỏi tình trạng của một nước có thu nhập thấp; đời sống nhân dân
được cải thiện đáng kể, ổn định chính trị - xã hội được bảo đảm, định hướng xã
hội chủ nghĩa được giữ vững, vai trò lãnh đạo của Đảng được tăng cường, an ninh
quốc phòng được củng cố vững chắc, quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng được đẩy mạnh
thêm.
Về
động lực, nguồn của đổi mới. Nếu quan niệm động lực, nguồn là những yếu tố tạo
nên sức mạnh thúc đẩy sự phát triển, thì động lực của đổi mới bao gồm nhiều yếu
tố tiềm ẩn và hiển hiện có thể nhận biết được.
Một
là, yếu tố khơi nguồn động lực của đổi mới chính là việc định hướng đúng, phát
động đúng thời điểm. Chúng ta xác định đổi mới phải theo định hướng xã hội chủ
nghĩa. Định hướng đúng đắn cho sự nghiệp đổi mới vừa hợp thời, hợp quy luật, hợp
lòng dân, vừa có sự chắc chắn, vững tin. Chuẩn bị kỹ và phát động đổi mới đúng
lúc, đồng thời với mở cửa hội nhập nên chúng ta có thể chủ động và sáng tạo
trong mọi tình huống, đã đứng vững và phát triển trong khi cải tổ, cải cách ở
Liên Xô và Đông Âu bị thất bại.
Hai
là, những thành quả của đổi mới lại tiếp thêm luồng sinh khí mới, tăng thêm động
lực cho nó, tạo cho đất nước ta thế mới, lực mới, gia tốc mới. Thế mới và lực mới
là tổng hợp những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, là kết quả của việc
phát triển mọi mặt với sự thông thoáng trong nước và mở rộng quan hệ hợp tác với
bên ngoài. Gia tốc mới là khả năng vượt trội, là độ tăng trưởng liên tục ở mức
khá cao tạo đà cho giai đoạn kế tiếp. Thế mới, lực mới, gia tốc mới tạo ra tầm
vóc và khả năng mới của đất nước. Đó không chỉ là khả năng đất nước vươn tầm mà
còn là năng lực mới mạnh mẽ để tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp đổi mới phát triển.
Đổi mới được nạp thêm năng lượng mới.
Ba
là, yếu tố quyết định là động lực và những nguồn lực trong nước. Động lực quan
trọng phục vụ và thúc đẩy công cuộc đổi mới là tổng hợp các nguồn lực trong nước,
bao gồm không chỉ có vốn, tài sản đã tích lũy được mà còn là tài nguyên chưa
đưa vào sử dụng, là lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị và quan trọng hơn hết
là nguồn lực con người, bao gồm cả sức lao động trí tuệ và tinh thần gắn với
truyền thống văn hóa của dân tộc ta. Trong các nguồn lực đó, nguồn lực về tài
nguyên là khá phong phú; nguồn lực về đất đai, vị trí địa lý là khá thuận lợi;
nguồn lực về truyền thống là sâu sắc, đặc thù; nguồn lực về con người và trí tuệ
vô cùng to lớn.
Bốn
là, những nguồn lực từ bên ngoài. Đây là một yếu tố quan trọng mà nếu biết cách
tranh thủ cũng sẽ tạo nên động lực cho công cuộc đổi mới đất nước. Nguồn lực
bên ngoài bao gồm: vốn, kỹ thuật - công nghệ, kinh nghiệm quản lý, chất xám,
tinh hoa văn hóa nhân loại. Trên cơ sở phải phát huy mọi nguồn lực trong nước,
chúng ta có đầy đủ điều kiện để có thể thu hút nguồn lực bên ngoài. Với việc mở
rộng nhiều hình thức, có bước đi, biện pháp và chính sách ưu đãi thích hợp,
chúng ta nhất định khuyến khích mạnh mẽ việc hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa
học, kỹ thuật, công nghệ; đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài
vào nước ta trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Công
cuộc đổi mới của chúng ta không chỉ đạt được những thành tựu to lớn qua 35 năm
thực hiện, mà còn tiếp tục được đẩy mạnh với những nguồn lực phong phú và hét sức
to lớn, trong đó có những nguồn lực không bao giờ cạn. Hành trình đổi mới với sự
phù hợp giữa ý Đảng và lòng dân đã và đang kết hợp nhuần nhuyễn ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đó
là động lực lớn nhất, là yếu tố cơ bản nhất tạo nên khả năng thành công của sự
nghiệp cao cả trọng đại: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững
bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.
PVĐ-H4
[1] Đảng Cộng sản Việt
Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2011, tr. 14.
[2] Đảng Cộng sản Việt
Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương
Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 11.
[3] Đảng Cộng sản Việt
Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc
gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 14.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét