Theo
báo cáo của Tổng cục Thống kê, hiện nay, tổng số công nhân nước ta chiếm tỷ lệ
khoảng 13% số dân và 24% lực lượng lao động xã hội, bao gồm số công nhân làm việc
trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong nước; đang làm việc
theo hợp đồng ở nước ngoài; số lao động giản đơn trong các cơ quan đảng, nhà nước,
đoàn thể. Dự báo đến năm 2025, giai cấp công nhân có khoảng 25,6 triệu người. Công
nhân trong doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
phát triển nhanh; ngược lại, công nhân trong doanh nghiệp nhà nước ngày càng giảm
về số lượng.
Dưới
tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, số và chất lượng giai
cấp công nhân Việt Nam đã và đang tăng lên. Trình độ học vấn và
trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, chính trị của giai cấp công nhân ngày càng được
cải thiện. Số công nhân có tri thức, nắm vững khoa học - công nghệ tiên tiến
tăng lên. Công nhân trong các khu công nghiệp, các doanh nghiệp khu vực
ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài được tiếp xúc với máy móc, thiết
bị tiên tiến, làm việc với các chuyên gia nước ngoài nên được nâng cao tay nghề,
kỹ năng lao động, rèn luyện tác phong công nghiệp, phương pháp làm việc tiên tiến.
Lớp công nhân trẻ được đào tạo nghề theo chuẩn nghề nghiệp ngay từ đầu, có
trình độ học vấn, văn hóa, được rèn luyện trong thực tiễn sản xuất hiện đại, sẽ
là lực lượng lao động chủ đạo, có tác động tích cực đến sản xuất công nghiệp,
giá trị sản phẩm công nghiệp, gia tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế
trong tương lai…
Bên
cạnh đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo điều kiện và cổ vũ hiện thực hóa việc
kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội. Hệ giá
trị của giai cấp công nhân với những giá trị cơ bản phù hợp với những tiêu chí
cơ bản xã hội hiện đại, như lao động, công bằng, bình đẳng, dân chủ và sự phát triển
tự do toàn diện cho mỗi người….
Cách
mạng công nghiệp 4.0 là một thành tựu của văn minh, có những đóng góp, bổ sung
vào nhận thức duy vật lịch sử về các vấn đề trong phát triển. Ở phương diện xã
hội, sát cánh cùng giai cấp sản xuất ra của cải vật chất - giai cấp công nhân,
“đang xuất hiện ngày càng đông đảo tầng lớp/giai cấp sáng tạo trong lĩnh vực
khoa học, công nghệ, thiết kế, nghệ thuật, văn hóa, giải trí, truyền thông,
giáo dục - đào tạo, y tế, pháp luật. Cùng với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp
4.0 và kinh tế sáng tạo, lao động sáng tạo ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong
lực lượng lao động xã hội, đặt ra vấn đề nhìn nhận lại vai trò của các giai cấp,
tầng lớp trong xã hội hiện đại…”. Hệ giá trị của giai cấp công nhân theo đó có
thể được bổ sung những giá trị tuy khá đặc thù nhưng gần gũi của các tầng lớp
khác như trí thức - nhóm xã hội coi sáng tạo, dân chủ như điều kiện môi trường
để lao động và phát triển.
Cuộc
Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều vấn đề mới, từ quá trình vận động tự
thân và việc bị các thế lực lợi dụng vào những mưu đồ phản tiến bộ, phản văn
hóa. Tuy nhiên, tiến bộ xã hội có đủ sức mạnh để lựa chọn biện pháp tối ưu để
giải quyết; kỷ nguyên công nghệ mới, nếu được định hình một cách tích cực và có
trách nhiệm, sẽ có thể là một chất xúc tác cho một cuộc phục hưng văn hóa mới;
cũng có thể nói như vậy với sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công
nhân và chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI./.
LXD-H3
0 nhận xét:
Đăng nhận xét