Các quyền tự do, dân chủ luôn là các
quyền thiêng liêng, cần thiết cho cuộc sống, là một biểu hiện cho tiến bộ và là
yếu tố thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Nhưng tự do chưa bao giờ và không bao
giờ là tự do chung chung, tự do vô bờ bến. Điều này được thể hiện rõ nét trong
pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Pháp luật Việt Nam chỉ hạn chế quyền tự
do của những người lợi dụng pháp luật xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an
toàn xã hội và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cộng đồng. Ví dụ, khoản
1, Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về hành vi lợi dụng các quyền tự
do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức,
cá nhân. Việc quy định chỉ hạn chế quyền tự do của những người lợi dụng
pháp luật xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và lợi ích hợp
pháp của cá nhân, tổ chức, cộng đồng cũng phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc
tế. Cụ thể là, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) đề cập
cụ thể trong một số điều quy định về các quyền có thể chịu sự giới hạn (Điều 4,
Điều 19).Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789 đưa ra các giới hạn
đối với quyền tự do ngôn luận theo đúng định nghĩa của nó (Điều 4, Điều 10, Điều
11).
Ở Việt Nam, hoạt động lợi dụng “bất
tuân dân sự” đã diễn ra từ nhiều năm trước, có nguy cơ trở thành “phong trào”
gây nguy hại trực tiếp đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội nếu không
được nhận diện và đấu tranh kịp thời.
Các thế lực phản động, thù địch đã tiến
hành nhiều hoạt động lợi dụng danh nghĩa dân chủ, phát động cái gọi là bất tuân
dân sự để chống đối chính quyền, gây trở ngại cho hoạt động công quyền với nhiều
hoạt động dưới nhiều dạng thức và hành động như lợi dụng việc Quốc hội thông
qua Luật An ninh mạng, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại một
số tỉnh, thành phố trong cả nước, các đối tượng phản động, thù địch đã kích động,
lôi kéo người dân tham gia tuần hành, biểu tình, chống người thi hành công vụ,
đập phá tài sản các trụ sở chính quyền, gây thiệt hại lớn về tài sản, kinh tế,
gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; vụ đình công phản đối Điều
60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 diễn ra tại một số tỉnh, thành phố; lợi dụng
phản đối trạm BOT Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang năm 2017, trong đó một số lái xe
quá khích đã đưa xe đến giữa trạm rồi bỏ đi; đốt phá Đông Đô Đại Phố ở tỉnh
Bình Dương; lợi dụng sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương
981 tại thềm lục địa Việt Nam tháng 5-2014 để kích động biểu tình, tuần hành, đập
phá các doanh nghiệp ở 8 tỉnh, thành phố; khoét sâu, thêm tình tiết và thổi phồng
các vấn đề nóng như sự cố môi trường, lũ lụt trên địa bàn một số tỉnh để kích động
người dân gây mất an ninh, trật tự, đập phá tài sản; lợi dụng chống tiêu cực,
tham nhũng, cưỡng chế đất đai, giải phóng mặt bằng để kích động hành vi bất
tuân dân sự; lợi dụng tôn giáo để thực hiện mưu đồ xấu, công kích, chống phá...
Các thế lực phản động, thù địch còn xuyên tạc trắng trợn rằng, việc xử lý những
người vi phạm pháp luật là “đàn áp” những người biểu tình ôn hòa, yêu nước, kêu
gọi đưa vấn đề ra Liên hợp quốc và kêu gọi các tổ chức quốc tế vào cuộc; xuyên
tạc trắng trợn rằng các đạo luật trên là vi hiến, đe dọa nghiêm trọng cuộc sống
người dân. Nham hiểm hơn, các thế lực phản động, thù địch còn kêu gọi người dân
không chỉ dùng Facebook mà dùng nhiều mạng xã hội khác để “đấu tranh”...
Chính sách, pháp luật, Đảng và Nhà nước
Việt Nam luôn quan tâm đến việc bảo đảm sự tham gia của người dân vào các hoạt
động của Nhà nước và xã hội, bảo đảm quyền giám sát, phản biện xã hội của các
chủ thể. Nhà nước Việt Nam bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của
các chủ thể, ủng hộ phản biện xã hội chân chính để hoàn thiện chính sách, pháp
luật, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật. Nhưng việc lợi dụng cái gọi là bất
tuân dân sự để cổ xúy và bảo vệ những hành vi vi phạm pháp luật, cổ xúy cho việc
gây trở ngại đến hoạt động công quyền cần phải được ngăn chặn, đẩy lùi. Nhiều
quan điểm trên thế giới cũng chỉ rõ tính trái pháp luật của hành vi bất tuân
dân sự, phản bác việc lợi dụng bất tuân dân sự để kích động các hành vi vi phạm
pháp luật, gây trở ngại đến hoạt động công quyền
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhận thức
rất rõ vai trò quan trọng, thiết yếu của các quyền tự do, dân chủ của người dân
với ý nghĩa là một quyền thiết thân của con người, là động lực phát triển của đất
nước. Tuy nhiên, không một quốc gia nào trên thế giới lại dung thứ các hành vi
lợi dụng dân chủ, cổ xúy cho các hành vi vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến trật
tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước và của người dân. Nhận diện
các biểu hiện lợi dụng “bất tuân dân sự” của các thế lực thù địch, phản động và
cơ hội chính trị để kích động, chống phá là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến
lược trong điều kiện hiện nay, không chỉ góp phần thống nhất nhận thức trong
toàn hệ thống chính trị và của từng người dân mà còn có ý nghĩa quan trọng
trong việc đánh giá âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, từ đó
chủ động trong việc triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh,
ngăn chặn./.
VTK-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét