CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021

GIẢI PHÁP CỦNG CỐ VÀ PHÁT HUY PHẨM CHẤT "BỘ ĐỘI CỤ HỒ" TRONG GIAI ĐOẠN CÁCH MẠNG MỚI

 

Danh hiệu cao quý "Bộ đội Cụ Hồ" do chính nhân dân tôn vinh, trao tặng là xứng đáng với phẩm chất có thực, phản ánh bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam, chứ không chỉ là một danh hiệu theo nghĩa động viên. Phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" có cội nguồn sâu xa từ lịch sử, truyền thống, văn hoá Việt Nam; từ tinh thần dân tộc được hun đúc hàng ngàn năm; từ cốt cách bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam và kinh qua sự khắc nghiệt, quy luật sống còn trong chiến tranh. Việc phát huy giá trị và sức mạnh của phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" vào xây dựng quân đội ta hiện nay là rất cần thiết không chỉ cho hôm nay, mà cho cả đời sau. Tuy nhiên, việc khái quát những đặc trưng phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" đòi hỏi cần có những công trình nghiên cứu, tổng kết công phu và có thể làm phong phú vấn đề này dưới nhiều phương diện, quan điểm, phương pháp tiếp cận khác nhau. Dưới góc độ đạo đức học quân sự, Phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ"  được khái quát tập trung ở những nội dung chủ yếu sau:

­- Trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn luôn là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Quân đội mãi mãi là lực lượng trung kiên bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và bảo vệ nhân dân; kiên quyết đấu tranh góp phần làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch; tích cực đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng sai trái, phản động; bảo vệ sự đúng đắn, tính cách mạng của chủ nghĩa Mác -Lênin, đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước ta.

- Tinh thần quyết chiến, quyết thắng; biết đánh và biết đánh; dũng cảm, mưu trí, sáng tạo.

Ngay từ khi mới ra đời và cả sau này, đối tượng tác chiến của quân đội ta luôn là những kẻ thù xâm lược có quân số đông, có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh và hiện đại hơn ta nhiều lần. Để thắng địch, quân đội ta luôn luôn nêu cao khí phách dám đánh, ý chí quyết chiến, quyết thắng; tin vào sức mình, tin vào thắng lợi và chủ động chuẩn bị, vững vàng về tinh thần, tâm lý; khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thử thách, sẵn sàng hy sinh để có ngày thắng lợi hoàn toàn. Để quyết thắng, quân đội ta luôn phát huy cao độ yếu tố chính trị tinh thần, sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng vốn là ưu thế tuyệt đối của chúng ta; biết phát huy trí thông minh, tài sáng tạo của trí tuệ Việt Nam; kế thừa và nhân lên truyền thống đánh giặc giữ nước vẻ vang của cha ông để xây dựng cách đánh giặc độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, khiến kẻ thù phải khiếp sợ.

- Kỷ luật nghiêm minh, tự giác.

Là quân đội cách mạng, chiến đấu vì mục tiêu chung của Đảng, của dân tộc; quân đội ta là một tổ chức quân sự cách mạng chặt chẽ, mọi hoạt động và giải quyết các mối quan hệ đều được chế ước bởi các quy định của điều lệnh kỷ luật. Mọi quân nhân đều tự giác thấm nhuần và tự nguyện thực hiện vô điều kiện kỷ luật quân đội, pháp luật nhà nước, quy định của đơn vị. Chấp hành kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ quân đội đã trở thành nhu cầu, thói quen trong sinh hoạt, công tác, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; đã trở thành chuẩn mực, tiêu biểu của phẩm chất đạo đức, nhân cách "Bộ đội Cụ Hồ".

- Đoàn kết cán - binh, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân.

"Bộ đội Cụ Hồ" hết lòng thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, thắm tình đoàn kết sâu nặng. Hiện tượng phân chia "đẳng cấp", phân biết đối xử là không thể có trong “Bộ đội Cụ Hồ” và thực tế đúng như lời Bác Hồ dạy "Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệ". Tất cả điều đó được xây dựng trên tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí, đồng đội cùng chung mục tiêu lý tưởng chiến đấu.

“Bộ đội Cụ Hồ” từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; được đào luyện trong các cuộc chiến tranh nhân dân, nên gắn bó máu thịt, đoàn kết keo sơn với nhân dân như "cá với nước", "đi dân nhớ ở dân thương"; quân dân một lòng, một ý chí. Đó cũng là cội nguồn sức mạnh vô địch của quân đội ta như lời Bác Hồ nói: dựa vào dân thì nhất định thắng lợi.

- Sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Với bản chất, truyền thống tốt đẹp của mình, vừa là đội quân chiến đấu, vừa là đội quân công tác, quân đội lao động sản xuất và đội quân làm nhiệm vụ quốc tế; “Bộ đội Cụ Hồ” luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đột xuất, khó khăn gian khổ mà Đảng và Chính phủ giao phó như tham gia khắc phục thiên tai, bão lụt; xoá đói giảm nghèo; tham gia vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị ở các địa phương; kết hợp kinh tế với quốc phòng, tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc… Với tinh thần "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" và chính thông qua việc thực hiện những nhiệm vụ nặng nề đầy gian nan, thử thách đó càng làm ngời sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, được Đảng, Nhà nước tin cậy, nhân dân tin yêu, cảm phục.

Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” không ngừng phát triển trong quá trình hoạt động thực tiễn đấu tranh cách mạng của quân đội ta. Phẩm chất đó không chỉ trở thành truyền thống, là một giá trị cao đẹp cần được trân trọng, gìn giữ, mà còn được tiếp tục phát huy, toả sáng trong giai đoạn cách mạng mới và nhiệm vụ mới của quân đội. Tuy nhiên, bên cạnh mặt ưu việt, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” hiện nay đang đứng trước sự tác động và thách thức của mặt trái cơ chế thị trường; của sự phức tạp đầy biến động và yêu cầu mới của tình hình, nhiệm vụ và cả những yếu kém của một số cá nhân, đơn vị. Thực tế đó đòi hỏi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cần phải được củng cố, phát huy và nâng lên một tầm cao mới. Để làm được điều đó, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, củng cố bản lĩnh chính trị và nâng cao sự nhạy bén về chính trị cho cán bộ, chiến sĩ quân đội.

Nếu trong chiến tranh, phẩm chất cao nhất của người quân nhân là lòng dũng cảm thì trong giai đoạn cách mạng hiện nay, nhất là trong bối cảnh biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới; trước những âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” chống phá tinh vi của các thế lực thù địch trong và ngoài nước đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo và đủ sức xử lý các tình huống phức tạp có thể xảy ra. Muốn vậy, cần phải nâng cao cảnh giác, dự báo sớm được tình hình, chủ động trong mọi hoàn cảnh, ứng phó kịp thời và chính xác các tình huống phức tạp nảy sinh.

Hai là, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy của đội ngũ cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém”. Mỗi nghị quyết của chi bộ, đảng bộ được xây dựng phù hợp với tình hình, nhiệm vụ; các nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị được thực hiện có chất lượng và hiệu quả phụ thuộc vào trình độ, năng lực lãnh đạo, chỉ huy của đội ngũ cán bộ các tổ chức đó. Năng lực lãnh đạo, chỉ huy thể hiện ở năng lực tiếp thu cái mới, đề xuất ý tưởng mới; năng lực tư duy linh hoạt, quyết đoán; năng lực đánh giá tình hình, đánh giá tổ chức và con người; năng lực xử lý, lựa chọn những cách thức giải quyết vấn đề trong lãnh đạo, chỉ huy.

Để có những phẩm chất trên, đòi hỏi mỗi cán bộ lãnh đạo, chỉ huy phải quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quân đội. Đồng thời, cần ra sức học tập, tu dưỡng rèn luyện, thường xuyên tổng kết kinh nghiệm, học hỏi. Kết hợp tốt giữa tri thức được học tập ở trường với kinh nghiệm trong thực tiễn công tác. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái, hữu khuynh, bảo thủ; có tinh thần phê và tự phê bình nghiêm túc, thẳng thắn với trách nhiệm chính trị cao.

Ba là, năng lực tiếp thu cái mới.

Trong giai đoạn hiện nay, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ nói chung, khoa học quân sự nói riêng phát triển nhanh chóng với tốc độ ngày càng cao, đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quân sự. Để đáp ứng với yêu cầu mới của quân đội, Đảng ta đã xác định xây dựng Quân đội nhân dân theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đai, một số quân chủng, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại”[1]. Vì vậy, cán bộ và chiến sĩ quân đội không thể bằng lòng với những gì đã biết ngày hôm qua, mà phải thể hiện khả năng tiếp thu cái mới; nhanh chóng nắm bắt, đánh giá được ưu thế, ý nghĩa tác dụng của cái hiện đại; tích cực tìm tòi nghiên cứu, vận dụng vào lĩnh vực, nhiệm vụ của mình để nâng cao chất lượng và hiệu suất công việc. Năng lực tiếp nhận cái mới của cán bộ, chiến sĩ quân đội còn thể hiện ở việc nhận thức đúng đắn, sâu sắc tình hình, nhiệm vụ mới, đòi hỏi mới. Có tính nhạy cảm cao, phán đoán và đánh giá đúng những diễn biến của tình hình, nhiệm vụ, thuận lợi cũng như khó khăn, từ đó đề ra được phương hướng, biện pháp thực hiện phù hợp. Sự thờ ơ, bảng quan với cái mới hoặc không có khả năng thích ứng với cái mới cần được coi là một hạn chế về năng lực trong xem xét đánh giá, cất nhắc cán bộ hiện nay.

Bốn là, phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu của cán bộ, chiến sĩ quân đội.

Được học tập ở trường là hết sức cơ bản nhưng chưa đủ, cán bộ còn phải biết tự học trong thực tiễn công tác, coi đây là một phẩm chất quan trọng, không thể thiếu của người cán bộ quân đội. Có tự học mới có sự trưởng thành, tiến bộ. Trong điều kiện hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, làm cho con người và xã hội đang đứng trước những cơ hội mới, nhưng cũng có cả thách thức mới. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ phải không ngừng học tập, học thường xuyên,phải  hình thành, phát triển năng lực tự học của cán bộ, chiến sĩ. Đây là công việc thường xuyên, lâu dài của mọi tổ chức, mọi quân nhân trong quân đội, trong đó sự nỗ lực, tự giác trong rèn luyện, phấn đấu của mỗi cán bộ, chiến sĩ trên cơ sở ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với quân đội là một nội dung trọng yếu, như Bác Hồ đã dạy "gian nan rèn luyện mới thành công".

                                                                                                   HAT- H1

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tr.48

0 nhận xét: