CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

NGUYỄN ÁI QUỐC - NGƯỜI NÂNG CAO TẦM VÓC DÂN TỘC

 

Không ai dám phủ nhận tầm vóc cao lớn của dân tộc Việt Nam hiện nay. Có được tầm vóc ấy, công đầu là ở Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cùng với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ đầu thế kỉ 19, nước Việt Nam phong kiến dưới triều Nguyễn là một quốc gia nhỏ bé, nông nghiệp lạc hậu, dân số chưa đầy 20 triệu, đời sống vô cùng nghèo nàn. Hầu hết dân Việt không biết chữ. Đến năm 1858 đế quốc Pháp cướp nước ta. Không bao lâu vua quan nhà Nguyễn đầu hàng, chịu làm tay sai cho chúng. Dân ta đã khổ càng khổ thêm. Vị thế của đất nước trên trường quốc tế có thể nói là bằng không. Tầm vóc dân tộc thật nhỏ bé kể cả vóc dáng hình hài lẫn tư tưởng. Sang nửa đầu thế kỷ 20 cũng chẳng khá hơn. Tuy một số người Việt đã có dịp ra nước ngoài nhưng đó là những người bị Pháp bắt đi lính cho chúng để tham chiến với các nước khác, hoặc bị bắt đi lao động khai khẩn đất hoang. Một số chí sĩ người Việt yêu nước, chống Pháp như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và nhiều nhà Nho khác cũng xuất dương tìm đường cứu nước nhưng cuối cùng đều thất bại. Nước Việt vẫn không có tên trên bản đồ thế giới.

Trong bối cảnh ấy, năm 1911 Nguyễn Ái Quốc sang Pháp. Sau chừng một tháng lênh đênh trên biển, Người đến Marseille (Pháp) vào tháng 7. Cuối năm ấy, Người lại xuống tàu biển đi qua châu Phi, châu Mỹ về nước Anh. Cuối năm 1917 Người lại về Pháp và ở Thủ đô Paris đến năm 1923 mới sang Nga.

Nguyễn Ái Quốc lúc này là ai? Lần đầu đến Marseille, Người mới 21 tuổi. 6 năm sau, khi sống ở Paris cũng mới 27 tuổi. Tuổi còn rất trẻ, lại là dân một nước thuộc địa, tức là nô lệ của chính nước mình đang ở. Học vấn cũng nào có bằng cấp gì ngoài một số chữ Hán, chữ Pháp và quốc ngữ học được lúc còn ở quê hương. Nghề nghiệp không. Tiền của không. Thế để dựa dẫm cũng không. Văn hóa, ngôn ngữ Pháp chưa biết mấy, còn phải tìm tòi, tự học. Lại còn phải làm để có miếng ăn nữa. Thực sự như thế sống được ở Paris đã khó chứ nói gì đến hoạt động chính trị.

Nước Pháp lúc ấy là nước đế quốc thực dân đã phát triển qua thời “Tân Pháp” (thế kỷ 16) để bước vào thời kỳ mạnh nhất. Đương thời đế quốc Pháp có tới 41 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Mỹ, Phi, Úc, Á và châu Nam Cực, là thuộc địa (trong đó có 25 quốc gia). Nước Pháp vừa văn minh, vừa giàu có, hiện đại lại có kinh nghiệm đô hộ các nước nhược tiểu hàng mấy trăm năm, kể cả sự xảo quyệt và tàn bạo. Rõ ràng giữa Nguyễn Ái Quốc và Pháp lúc ấy đúng là một trời một vực. Một người thông thường sẽ sợ hãi, choáng ngợp không còn biết hành động ra sao. Nhưng Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn khác. 6 năm ở Paris, Nguyễn Ái Quốc hoạt động có bài bản. Đầu tiên là năm 1918, Người gặp ban lãnh đạo của Hội Những người yêu nước Việt Nam tại Pháp. Sang năm 1919, khi hội nghị Versailles họp, Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới hội nghị bản yêu sách của nhân dân Việt Nam do Người là đại diện, ký tên Nguyễn Ái Quốc. Bản yêu sách ấy đòi quyền tự do, dân chủ cho Việt Nam. Người đã in văn bản ấy thành 6.000 tờ để gửi tới đoàn đại biểu các nước đồng minh, gửi các nghị viên Quốc hội Pháp, phát trong các cuộc họp, cuộc mít tinh, phát cho các tổ chức dân chủ ở Pháp. Người còn cho đăng ở hai tờ báo “Nhân Đạo” và “Dân Chúng” ở Paris, gây một tiếng vang chính trị cực kỳ lớn ở Pháp lúc bấy giờ. Tầm vóc người Việt bắt đầu được hình thành từ đấy. 6 năm ở Paris, Người đã gia nhập Đảng Xã hội Pháp (Đảng này ủng hộ thuộc địa) năm 1920, tham gia Đại hội XVIII của Đảng Xã hội. Người là đại biểu duy nhất của 3 nước thuộc địa Đông Dương. Người ủng hộ Đảng Xã hội gia nhập Quốc tế Cộng sản III. Năm 1921, Người tham gia thành lập “Hội Liên hiệp thuộc địa” và được bầu làm người đứng đầu của hội. Năm 1922, hội ra báo “Người cùng khổ” do Nguyễn Ái Quốc phụ trách chính. Cũng giai đoạn này, Người được đọc luận cương Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa.  Với những hoạt động ấy, Nguyễn Ái Quốc trở thành “nhân vật nổi tiếng”, thành “kẻ nguy hiểm” của chế độ thực dân Pháp. Vì thế chúng đã lập ra cả một tổ chức chuyên theo dõi Người. 3 lần chúng gọi Người đến gặp Albert Sarraut, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa (trước là toàn quyền Đông Dương) để chất vấn. Chúng ra lệnh cấm cấp thị thực cho người Việt ở Pháp ra nước ngoài. Tất cả hồ sơ theo dõi Nguyễn Ái Quốc lên tới trên 1.000 trang. Vậy mà năm 1923, Nguyễn Ái Quốc biến khỏi Paris không để lại dấu vết. Thắng lợi của Nguyễn Ái Quốc trong 6 năm ở Paris đã khẳng định tầm vóc người Việt lớn lên một mức độ đáng kể.

Đến năm 1946 (23 năm từ ngày Nguyễn Ái Quốc rời Paris), nước Pháp đón Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trịnh trọng theo nghi thức đón nguyên thủ quốc gia. Lần đầu tiên lịch sử khẳng định tầm vóc người Việt cao ngang tầm người Pháp vốn được coi là dân tộc văn minh của một cường quốc. Rồi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra từ năm 1946-1954, kết thúc là Chiến thắng Điện Biên Phủ. Pháp ký Hiệp định Giơnevơ, chiến tranh kết thúc. Quân Pháp cuốn cờ rút khỏi miền Bắc. Tầm vóc người Việt vươn cao, tầm của người chiến thắng.

Tiếp là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1955-1975. Dù Bác Hồ đã đi xa nhưng theo đường lối của Bác và Đảng đã vạch ra, chúng ta lại chiến thắng. Đất nước thống nhất. Đế quốc Mỹ cùng các quân chư hầu cuốn cờ, rút khỏi nước ta với tư thế kẻ bại trận. Đến đây, tầm vóc người Việt cao hẳn lên, làm thế giới kính phục. Từ lúc này thế giới nói đến Việt Nam là nói đến Hồ Chí Minh.

Vượt qua chiến tranh biên giới 1979 mà phần thắng về ta; khắc phục hậu quả hơn 30 năm chiến tranh để lại với sự cấm vận của Mỹ, nước ta chính thức bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đường lối của Bác Hồ, do Đảng lãnh đạo. Hơn 30 năm qua, Việt Nam đã làm nhiều người ngạc nhiên với sự phát triển mạnh mẽ. Từ quốc gia nghèo đói quanh năm, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập mức trung bình trên thế giới. Vì thế chúng ta đã có quan hệ chính trị cấp đại sứ và tổng lãnh sự với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ thế giới, là thành viên của hàng chục tổ chức quốc tế, có quan hệ với hàng trăm tổ chức phi chính phủ trên thế giới...

Lịch sử nước ta từ thế kỉ 10 đến nay đã qua bao triều đại. Song chưa có thời nào như thời đại Hồ Chí Minh. Hơn 20 nước dựng tượng đài Bác Hồ, lập nhà lưu niệm Hồ Chí Minh; lấy tên Bác đặt cho đại lộ, thành phố, công viên, trường học, viện nghiên cứu, quảng trường… Không ai dám phủ nhận tầm vóc cao lớn của dân tộc Việt Nam hiện nay. Có được tầm vóc ấy, công đầu là ở Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đúng như trong điếu văn mà Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc ở lễ tang Bác: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch - Người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã giúp con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng rõ ràng hơn; tầm vóc, vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao hơn. Để con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn nhanh đến đích Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục kiên định, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng, hết lòng hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân”[1]. Đây chính là sự tin tưởng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta với chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu,  tiếp tục góp phần nâng tầm vóc dân tộc lên một tầm cao mới.

                                                                            NXT- H1

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội XIII, Nxb CTQG, H.2021tr.228,229.

0 nhận xét: