Tiếp nối tư
duy lý luận về xây dựng và phát triển văn hóa mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương
9, khóa XI đã đề cập, Đảng đã lãnh đạo việc khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết
tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn;
phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, đánh giá kết quả thực
hiện Nghị quyết Đại hội XII về phát triển văn hóa, Đảng đã thẳng thắn chỉ ra: “Lĩnh
vực văn hóa, xã hội chưa có nhiều đột phá, hiệu quả chưa cao”1. Cụ thể là, “văn
hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở
thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò
của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều
hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần; thiếu những tác phẩm văn hóa, văn
học, nghệ thuật lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng
tích cực đối với con người. Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi
các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực”2. Chênh lệch về hưởng thụ văn hóa
giữa các vùng, miền còn lớn; đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số,
vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn
hóa còn nhiều lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương
của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả
chưa cao. Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm
trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội. Hệ thống
thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và
có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập. Chất lượng và số
lượng đội ngũ cán bộ văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hóa trong
thời kỳ mới. Việc giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa
mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại có mặt còn hạn chế... Điều này đã
ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Đảng ta luôn
nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của văn hóa, nhất là những phẩm chất của văn
hóa Việt Nam như “tiên tiến” - Đó là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là
lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát
triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa
cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Biện chứng với “tiên tiến” là
“bản sắc dân tộc” - Đó là sự bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của
cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm dựng
nước và giữ nước. Những giá trị bền vững đó đã được hình thành, phát triển và
định hình, trở thành cốt cách của dân tộc Việt Nam, đồng thời, nó là một hệ
thống mở, không phải là một thực thể nhất thành bất biến, mà có sự bồi đắp
trong lịch sử, trong thế động và trong sự tự biến đổi, có khả năng tự làm giàu
bản sắc dân tộc. Có nghĩa là, bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn với mở rộng giao
lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiên tiến của văn hóa thế
giới, giữ gìn phải đi liền với nhiệm vụ chống những gì đã lỗi thời, lạc hậu để
gắn với phát huy và phát triển. Từ đó, Đại hội XIII đã đưa ra định hướng phát
triển văn hóa: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở
thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng
đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường
và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự
hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài
năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động
lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”1.
NTL - H2
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất
bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, tr. 84.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất
bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, tr. 84.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất
bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, tr. 115 - 116.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét