CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

NHẬN DIỆN VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA ,ĐẤU TRANH NGĂN CHẶN CÁC BIỂU HIỆN DÂN TÚY Ở VIỆT NAM

 

Chủ nghĩa dân túy (CNDT) là một trào lưu tư tưởng, đường lối chính trị mang tính mị dân, tác động vào tâm lý của đám đông để tổ chức kêu gọi, lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận, quần chúng nhân dân phục vụ mục đích chính trị của cá nhân và tổ chức chính trị.

Bản chất của CNDT: là sự hỗn tạp những tư tưởng dân chủ nông dân với những ước mơ XHCN, với hy vọng bỏ qua chủ nghĩa tư bản - một biến dạng của CNXH không tưởng tiểu tư sản, đó là hệ tư tưởng của phái dân chủ nông dân. CNDT đại diện cho những người sản xuất nhỏ, tiểu tư sản. Nó phủ nhận vai trò giai cấp công nhân; phủ nhận những quy luật phát triển về kinh tế và chính trị của xã hội. Những người theo tư tưởng này cho rằng: Lịch sử của sự phát triển xã hội không phải do đấu tranh giai cấp, mà chỉ do những nhân vật lỗi lạc cá biệt, quần chúng “dân đen”, nhân dân, giai cấp đều mù quáng theo những cá nhân anh hùng đó. Ở góc độ triết học, bọn dân túy là những người duy tâm.

Thực chất, CNDT: là sự biến dạng của chủ nghĩa cơ hội. Chủ nghĩa cơ hội là trào lưu tư tưởng chính trị hình thành, phát triển trong PTCS và CNQT, thể hiện sự thích nghi với lợi ích của tầng lớp tiểu tư sản và bộ phận GCCN đã bị tư sản hóa; giả danh những người mác xít để xuyên tạc, phủ nhận những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, CNXHKH nói riêng.

Để nhận diện CNDT cần dựa trên 3 đặc điểm sau:

Thứ nhất, một trào lưu tư tưởng theo đuổi những chính sách được dân chúng ủng hộ trong một giai đoạn ngắn hạn, nhưng không bền vững về lâu dài.  

Đó thường là những chính sách xã hội như trợ giá hàng hóa, trả tiền lương hưu hậu hĩnh hoặc miễn phí chăm sóc y tế, v.v.

Thứ hai, một xu hướng chính trị lấy danh nghĩa “nhân dân” làm căn bản cho tính chính danh của chế độ, tuy nhiên nhiều quan điểm dân túy không coi “nhân dân” là toàn bộ dân số, mà chỉ đứng trên quyền lợi và thể hiện tiếng nói của một bộ phận dân chúng.

Thứ ba, một xu hướng chính trị sùng bái phong thái, quyền lực của nhà lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo theo CNDT có khuynh hướng phát triển chung quanh họ hiện tượng sùng bái cá nhân; tuyên bố họ được giao sứ mệnh nắm giữ quyền lực, không phụ thuộc vào các thiết chế như đảng phái chính trị. Họ cố gắng phát triển một mối quan hệ trực tiếp, không qua trung gian, với “nhân dân” mà họ tự xưng là người đại diện, hướng những niềm hy vọng và nỗi sợ hãi của người dân vào một hành động tức thời.

Ở Việt Nam chưa thể gọi là “chủ nghĩa dân túy” như ở nước Nga cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hoặc một số nước châu Âu, Mỹ Latinh, vì ở Việt Nam không có cơ sở kinh tế, chính trị - xã hội để Dân túy tồn tại dưới dạng một “chủ nghĩa”. Chúng ta đều biết, Việt Nam đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có sự bảo đảm của thể chế chính trị XHCN, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, những biểu hiện dân túy vẫn có điều kiện để xuất hiện, tồn tại.

Để có thể phòng ngừa chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam, điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân về  nhận diện và những tác hại của chủ nghĩa dân túy, phải hạn chế tối đa “đất sống” của chủ nghĩa dân túy cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Môt là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về CNDT, tính chất nguy hại của nó và tính tất yếu phải đấu tranh ngăn chặn CNDT hiện nay

Thứ hai, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Đây là vấn đề then chốt, quyết định đến việc phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện dân túy ở Việt Nam hiện nay; nó liên quan đến sự sống còn của Đảng, chế độ XHCN và vận mệnh của dân tộc.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu lực, hiệu quả. Sự yếu kém của chính quyền trong giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân, chính là một trong những nguyên nhân để dân tin và đi theo phong trào dân túy, hay ủng hộ các nhân vật dân túy; mặt khác, những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị lợi dụng sự yếu kém đó để thể hiện những phong cách, hành động dân túy, bôi nhọ, vu khống, phá hoại chính quyền nhân dân. Chính quyền các cấp cần nghiêm túc “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của nhà nước và của cán bộ công chức, viên chức”[1].

  Bốn là, liếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Quá trình hội nhập quốc tế, đã có những tác động tiêu cực đối với nước ta, những quan điểm, hành vi dân túy có cơ hội xâm nhập. Vì thế, trong hội nhập quốc tế, phải nhất quán mục tiêu Đảng ta đã xác định trong Văn kiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”[2]. và theo quan điểm: Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước; xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Quân đội nhân dân Việt Nam là một lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Quân đội có vai trò quan trọng trong tham gia phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện của CNDT ở nước ta, trên cả phương diện tư tưởng, lý luận, hành vi, hành động mang màu sắc dân túy. Đây là một nhiệm vụ chính trị của quân đội, đòi hỏi trách nhiệm của quân đội nói chung, mỗi cán bộ, đảng viên trong quân đội nói riêng./.

NVT-H4

 



[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đai biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.118.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Sđd, tr.161-162.

0 nhận xét: