Hội nghị trung ương 4 khóa XIII khẳng định: tiếp
tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với trọng tâm là ngăn
chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu
hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Nhưng cái mới của
Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng,
chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo
tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải
chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... Đồng thời,
bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị
và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sát hợp tình hình mới.
Trong đó, kết
luận nhấn mạnh nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định
con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái
quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo
vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức,
quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không
làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc
xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt đảng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể
hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực,
tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm
trước những khó khăn, bức xúc của dân.
Từ suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới
tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng
và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Trung ương cũng
khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng,
tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách
quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ
nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập
trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm,
bổn phận trước Đảng, trước dân.
Hội nghị cũng
chỉ ra những điểm hạn chế trong công tác xây dựng đảng như: Việc buông lỏng
nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện tự phê bình và phê bình không nghiêm.
Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, luật pháp thích ứng với
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời; nhiều văn bản
quy định thiếu chế tài cụ thể, thực hiện không nghiêm. Quản lý cán bộ, đảng
viên còn lỏng lẻo. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ. Công
tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng đúng
mức, chậm đổi mới, kém hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương,
kỷ luật ở nhiều nơi chưa thường xuyên, không nghiêm túc. Chưa phát huy đầy đủ,
hiệu quả vai trò của nhân dân trong việc giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng
Đảng, xây dựng chính quyền thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã
hội và các hình thức khác.
Hội nghị cũng
xác định hệ thống nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, như tiếp tục tập
trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã
đề ra; đồng thời bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Xây dựng
đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất,
năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Theo đó, phải chú trọng
nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc
làm sai trái.
Đấu tranh mạnh
mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, “lợi ích nhóm”. Rà soát, hoàn
thiện, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có
chức, có quyền. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của
Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện nghiêm
nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra;
công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên.
Phát huy vai
trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận. Trung ương đặc biệt nhấn
mạnh, muốn Nghị quyết và Kết luận này đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến rõ rệt
thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng
viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các
ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, đất
nước, trước Đảng để tự giác, gương mẫu thực hiện.
Đặc biệt Trung
ương khẳng định để thực hiện có hiệu quả trong xây dựng chỉnh đốn Đảng, trước hết,
sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng
chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu
cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói
đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn.
Tại phiên bế mạc
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trong khẳng định: “Để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Hội
nghị Trung ương 4 thì nhận thức của chúng ta phải chín, tư tưởng phải thông,
quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng, góp phần làm chuyển biến tình hình
thật sự, có kết quả rõ ràng, cụ thể”.
Tin tưởng rằng
với những chủ trương đúng đắn, sáng tạo trong thực hiện các nghị quyết của Trung
ương. Chúng ta sẽ “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt
chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là
trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần;
bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”[1].
Chúng ta sẽ từng bước cụ thể hóa mục tiêu tổng quát: “Nâng cao năng lực lãnh đạo,
năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính
trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đốĩ với Đảng,
Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn
vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp
vói sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp
hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường
hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phắt
triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[2]./.
NBL-H2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét