CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

 

Tại Đại hội VI (năm 1986), Đảng ta đã khởi sướng đường lối đổi mới  đất nước và nhấn mạnh: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Đảng khẳng định, cơ sở của những thắng lợi của cách mạng và thành quả xây dựng CNXH là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên tinh thần ấy, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Do vậy, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định cho sự ổn định, đổi mới và phát triển. Thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay càng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, Đại hội XIII xác định: “công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ (...) thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”.

Đại hội XIII cũng xác định chủ thể của sự nghiệp xây dựng CNXH là quần chúng nhân dân. Hoạt động của quần chúng nhân dân là động lực chủ yếu của sự nghiệp cách mạng. Đảng luôn xác định, quần chúng nhân dân là chủ nhân chân chính của lịch sử - người sáng tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội. Do vậy, phải biết dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân. Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo và tổ chức thực hiện về bản chất mang tính nhân dân sâu sắc, bắt nguồn từ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân và do nhân dân thực hiện. Chính những sáng kiến của nhân dân, của cơ sở, nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống là cơ sở, nguồn gốc để hình thành chủ trương đổi mới của Đảng. Trên cơ sở đó, Đảng khẳng định: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Đại hội XIII đã nhận thức sâu sắc hơn và bổ sung các mối quan hệ lớn (chủ yếu) trong thời kỳ xây dựng CNXH, những vấn đề có tính quy luật của sự phát triển; nhấn mạnh, để thực hiện được các định hướng đối với sự phát triển đất nước, “cần tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn: Giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; và đặc biệt, mối quan hệ mới được bổ sung lần này là mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Đó là những mối quan hệ lớn, phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới của Đảng ta, cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và phát triển phù hợp với thay đổi của thực tiễn; đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đúng và đầy đủ, quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt, có hiệu quả. Tuyệt đối không được cực đoan, phiến diện”.

Trên tinh thần tiếp tục bổ sung, phát triển lý luận trong xây dựng CNXH, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định lại chín mối quan hệ lớn đã được đề ra tại Đại hội XII và bổ sung thêm mối quan hệ lớn thứ mười, đó là mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Những vần đề lý luận và thực tiễn về mười mối quan hệ lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần xác định rõ hơn những đặc trưng bản chất của CNXH, góp phần vào sự hoàn thiện lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; tạo ra động lực của đổi mới và phát triển toàn diện đất nước trong thời kỳ mới. Mười mối quan hệ được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII góp phần vào việc củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại mới.

Đại hội XIII đưa ra quan niệm mới về động lực và nguồn lực phát triển đất nước; xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Để tạo đột phá chiến lược để “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” theo tinh thần Đại hội XIII, đòi hỏi chúng ta phải khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc của mỗi con người Việt Nam, tạo nên sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc, để củng cố cơ đồ, tăng cường vị thế đất nước cho phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Theo đó, mỗi người dân Việt Nam phải phát huy cao độ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thử thách; có sự sáng tạo trong tư duy, hăng say học tập, lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu để cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước.

Thực hiện đường lối đổi mới đất nước theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với truyền thống vô cùng tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Con người Việt Nam mang trong mình những giá trị truyền thống tốt đẹp đó hoàn toàn có khả năng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng sáng tạo những thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ, tri thức hiện đại trên thế giới vào quá trình phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta khi nguồn lực tài chính và nguồn lực vật chất cho sự phát triển còn hạn hẹp, trong khi nguồn lực con người lại vô cùng phong phú, đất nước đang ở thời kỳ dân số vàng, nếu biết phát huy sẽ là nguồn sức mạnh to lớn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của đất nước./.

                                                                                        NXT-H1

 

0 nhận xét: