CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

VẬN DỤNG SÁNG TẠO PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT TRONG ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỜI CUỘC THEO QUAN ĐIỂM ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG

 Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã vận dụng sáng tạo phép biện chứng duy vật trong đánh giá tình hình thời cuộc biểu hiện tập trung ở một số nội dung cơ bản:

Thứ nhất, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh giá khách quan, toàn diện, lịch sử - cụ thể về bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước.

Về bối cảnh trong nước. Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đất nước đã trải qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử được Đại hội XIII của Đảng đánh giá một cách khách quan, khái quát toàn diện, lịch sử - cụ thể trên nhiều phương diện: kinh tế, xã hội, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế: “Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[1]. Với quan điểm phát triển, Đại hội XIII của Đảng xác định, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã đạt được “Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước”[2].

Đồng thời, Đại hội XIII tiếp cận đánh giá khái quát toàn diện, lịch sử - cụ thể những khó khăn, thách thức. Đại hội chỉ rõ: “Tuy nhiên, kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và còn nhiều khó khăn, thách thức”[3]. Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Việc phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường; việc phát triển đồng bộ các vùng, miền, địa phương trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng vẫn còn nhiều hạn chế. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Xu hướng già hóa dân số, đô thị hóa tăng nhanh; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng ngày càng lớn đến sự phát triển đất nước. Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo của đất nước.

Về bối cảnh khu vực tác động đến sự phát triển của đất nước. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương luôn có tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam. Cần phải nhận định đúng về tình hình khu vực để đưa ra những chủ trương, chính sách phù hợp. Trên cơ sở phương pháp luận của phép biện chứng duy vật, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đánh giá khách quan, toàn diện về bức tranh tổng thể của khu vực, chỉ ra những đặc điểm cụ thể với những nguy cơ tiềm ẩn:

Đại hội XIII đã chỉ ra những khó khăn, trở ngại cụ thể về cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; toàn cầu hóa; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại; vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy, cường quyền nước lớn trong quan hệ quốc tế gia tăng. Toàn cầu hóa tiếp tục tiến triển nhưng gặp nhiều trở ngại. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia - dân tộc. Cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại giữa các nước, các nền kinh tế ngày càng quyết liệt. Nhiều vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thông, an ninh mới như an ninh mạng, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh... trở thành những thách thức lớn trên quy mô toàn cầu. Đại dịch Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu làm đảo lộn, suy thoái nghiêm trọng kinh tế thế giới.

Thứ hai, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã vận dụng sáng tạo phép biện chứng duy vật vào dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước.

Về dự báo tình hình thế giới, Đại hội XIII đưa ra dự báo về xu thế lớn của tình hình thế giới và những xu hướng cụ thể đối với tình lĩnh vực: Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; cục diện thế giới; kinh tế thế giới; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Về xu thế lớn của tình hình thế giới: “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức”1; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và gay gắt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường chính trị, an ninh quốc tế. Dự báo về vấn đề toàn cầu hóa, Đại hội XIII cho rằng xu hướng này tiếp tục phát triển nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức về luật pháp quốc tế: “Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn”2.

Sự vận động, biến đổi của cục diện thế giới sẽ tác động không nhỏ đến các nước đang phát triển, trong đó sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam trong những năm tới. Đại hội XIII Đảng ta dự báo: “Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vẫn hợp tác, thỏa hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới”3.

Kinh tế là nội dung trung tâm cần phải nghiên cứu, dự báo trong bức tranh tổng thể của tình hình thế giới. Đặt vấn đề kinh tế thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Đại hội XIII đưa ra dự báo: Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch Covid-19. Các quốc gia, nhất là các nước lớn điều chỉnh lại chiến lược phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, làm thay đổi các chuỗi cung ứng. Điểm mới trong dự báo tình hình so với Đại hội XII, Đại hội XIII đã chính thức đưa ra dự báo về sự tác động toàn diện của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc”[4].

Về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, Đại hội XIII đưa ra dự báo về tính căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn của tình hình khu vưc: “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn”[5].

Dự báo về tình hình trong nước, Đại hội XIII đưa ra những dự báo mới về thế và lực, uy tín quốc tế của Việt nam trong 5 năm tới: “sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn và sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Xu hướng già hóa dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh; đặc biệt biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gay gắt, phức tạp... ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước”[6].

Đánh giá, dự báo tình hình thời cuộc là một nội dung rất quan trọng, là căn cứ khách quan, tiền đề cần thiết để Đảng ta tiếp tục đề ra quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách lãnh đạo đất nước phát triển nhanh và bền vững. Dựa trên thế giới quan, phương pháp luận biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin mới có thể đánh giá, dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước một cách khách quan, toàn diện, lịch sử - cụ thể và phát triển. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn trung thành và vận dụng sáng tạo phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin vào phân tích đặc điểm, nội dung, xu thế phát triển của thời cuộc và nhận định các mặt của tình hình thế giới để xác định đúng con đường đi của cách mạng Việt Nam và đề ra đường lối đối nội, đối ngoại đúng đắn, sáng tạo. Đánh giá tình hình thời cuộc theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là những luận cứ để minh chứng cho bản chất cách mạng, khoa học của phép biện chứng duy vật, đồng thời chứng tỏ sự trung thành và vận dụng sáng tạo phép biện chứng duy vật vào quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, đánh giá, dự báo tình hình thời cuộc nói riêng. Cần cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc bản chất cách mạng, khoa học của phép biện chứng duy vật, phủ nhận hạt nhân thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin.

N.T.L - H2



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST H 2021, tr.103-104.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST H 2021, tr.104.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST H 2021, tr.103.

 

1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr.105.

2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr.105.

3 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr.105-106.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr.106.

 

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr.107.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr.107-108.

 

0 nhận xét: