Quân đội là công
cụ bạo lực sắc bén của Đảng và Nhà nước. Cán bộ Quân đội là một bộ phận cán bộ
của Đảng, Nhà nước, trong đó đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở có vai trò quyết định
tới mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ ở
đơn vị cơ sở ngang tầm nhiệm vụ là công tác quan trọng, then chốt, thường xuyên
của các cấp ủy đảng.
Theo tư Hồ Chí
Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại
đều do cán bộ tốt hay kém”. Chính vì vậy, trong sự nghiệp cách mạng, Đảng ta
luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, coi đây là khâu “then chốt”
của nhiệm vụ “then chốt”. Theo đó, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc
phòng thường xuyên chú trọng quán triệt thực hiện quan điểm của Đảng về công
tác xây dựng đội ngũ cán bộ. Trong đó, tập trung vào Nghị quyết 03-NQ/TW của
Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ trong thời kỳ công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung
ương (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ; Nghị quyết 769-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về
xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo.
Và mới đây là Nghị quyết 109-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, ngày 11-02-2019 về
xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm
vụ trong tình hình mới, v.v. Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp đề ra nhiều chủ
trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ
cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ đơn vị cơ sở nói riêng, đáp ứng yêu cầu xây
dựng Quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, hoàn thành
xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh kết quả
quan trọng đạt được, ở một số đơn vị cơ sở, công tác cán bộ còn có những khuyết
điểm, hạn chế, như: quy trình thực hiện chưa đồng bộ, khoa học; nhận xét, đánh
giá cán bộ chưa khách quan, thiếu chính xác, còn mang tính áp đặt, chủ quan;
quy hoạch chưa mang tính tổng thể và tầm nhìn lâu dài; lựa chọn, đào tạo, bồi
dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt chưa đúng đối tượng. Vì vậy, đội ngũ cán bộ ở đó còn những
hạn chế, bất cập, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, chưa thật sự
gương mẫu, uy tín thấp; còn có biểu hiện chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp.
Cá biệt còn có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi
phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Để khắc phục những tồn
tại đó, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, công
tác xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở cần được tiếp tục đổi mới, mạnh mẽ và
toàn diện; trong đó, chú trọng vào thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, thường
xuyên đổi mới việc đánh giá cán bộ. Đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên, giữ vị
trí, vai trò quan trọng trong toàn bộ quy trình công tác cán bộ. Song đánh giá
cán bộ là công việc phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến sinh mệnh chính trị của
cán bộ. Do đó, trong khi xem xét, đánh giá yêu cầu phải hết sức thận trọng,
khách quan, công tâm, tuân thủ đúng quy trình, nguyên tắc. Thực hiện tốt phương
châm: “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: xuyên suốt, liên tục, đa
chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết
quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết
quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị”. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần bám
sát và căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh cán bộ đã được cụ thể hóa theo từng cấp.
Đặc biệt, phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ, chức trách của từng người
trên thực tế, gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và mức độ tín nhiệm
đã được “lượng hóa” để xem xét, đánh giá và kết luận. Việc xem xét, đánh giá
cán bộ là một đòi hỏi khách quan nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố chủ
quan của người xem xét. Vì vậy, cấp ủy, cơ quan chức năng cấp trên cần tích cực
bồi dưỡng cho các cấp ủy cấp dưới và đội ngũ cán bộ làm công tác này có đầy đủ
phẩm chất, năng lực để xem xét, đánh giá cán bộ một cách chính xác, khoa học,
khách quan và công tâm. Đồng thời, thường xuyên duy trì chặt chẽ, có chất lượng
việc nhận xét cán bộ định kỳ và theo nhiệm vụ; kết hợp chặt chẽ giữa nhận xét của
cấp ủy, chỉ huy với tự nhận xét của cán bộ và ý kiến đóng góp của quần chúng
theo một trình tự thống nhất, chặt chẽ. Kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện áp đặt
chủ quan, dập khuôn, máy móc hoặc chung chung, phiến diện một chiều, e dè, nể
nang, né tránh.
Hai là, tiếp tục
đổi mới công tác quy hoạch, tạo nguồn. Đây là một mắt xích quan trọng, liên
quan chặt chẽ đến tất cả các khâu của công tác cán bộ. Nghị quyết Trung ương 3
(khóa VIII) đã khẳng định: “Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công
tác cán bộ, bảm đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn
xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài”. Thực tiễn đã chứng minh, muốn
xây dựng đội ngũ cán bộ vững chắc, ổn định thì cấp ủy các cấp phải thường xuyên
làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn. Đây vừa là vấn đề khoa học, vừa là nghệ
thuật, tạo nên sự vững mạnh của cả đội ngũ cán bộ, bảo đảm được sự kế thừa,
chuyển tiếp liên tục, tránh được sự hẫng hụt hoặc ùn tắc. Để đạt được điều đó,
cấp ủy, chỉ huy căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của đơn vị, thực trạng của đội
ngũ cán bộ, hướng phát triển của từng cán bộ cụ thể. Trên cơ sở đó, xây dựng
quy hoạch cán bộ toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu; hình thành 3 lớp
kế tiếp nhau: đương nhiệm, kế cận và kế tiếp. Mỗi chức danh có từ 2 đến 3 nguồn
và phải tạo được sự hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau. Để có lực lượng nguồn dồi dào, vững
chắc, cần tích cực, chủ động tuyển chọn, tạo nguồn từ nhiều hướng, nguồn tại chỗ
là chính kết hợp với xin trên bổ sung cán bộ từ các đơn vị khác, cán bộ đi đào
tạo về. Đi đôi với việc tạo nguồn, các cấp ủy cần phải làm tốt công tác quản lý
và bồi dưỡng nguồn, thường xuyên rà soát, bổ sung, kiện toàn để hoàn chỉnh quy
hoạch; kiên quyết đưa ra khỏi nguồn những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn.
Ba là, đẩy mạnh
đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, làm tốt công tác này không những giải quyết
được vấn đề số lượng mà còn nâng cao được chất lượng của đội ngũ cán bộ đáp ứng
yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Thực tiễn cho thấy, việc xây dựng quy
hoạch cán bộ ở đơn vị cơ sở dù có khoa học đến mấy cũng chỉ là dự định ban đầu.
Để quy hoạch đó trở thành hiện thực, cần phải đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ
cán bộ này có đủ những tiêu chuẩn cần thiết để có thể sử dụng đúng theo quy hoạch.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở trong toàn quân hiện
nay, tuy đã có nhiều cố gắng, song vẫn còn bộc lộ những bất cập, như: việc xác
định mục tiêu, nội dung, chương trình, hình thức, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng
chưa theo kịp tình hình thực tiễn. Còn có biểu hiện tiêu cực, như: chạy chỉ
tiêu, chạy thành tích, chạy điểm, làm triệt tiêu động lực “thực học” phấn đấu
vươn lên của một bộ phận cán bộ. Vì vậy, để “gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng
theo tiêu chuẩn chức danh”, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần toàn diện, bao gồm
cả kiến thức lý luận và kiến thức thực tiễn. Các học viện, nhà trường tiếp tục
đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục, nhất là phương pháp kiểm tra,
thi, bảo vệ luận văn, luận án. Cùng với đó, cần phải làm tốt công tác bồi dưỡng
tại chức, tích cực mở các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ và các kiến thức
cần thiết khác như văn hóa xã hội, pháp luật, kinh tế, tin học, ngoại ngữ, v.v.
Bốn là, không
ngừng đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ. Có thể nói, đơn vị có hoàn thành
tốt nhiệm vụ hay không là phụ thuộc vào việc bố trí đúng cán bộ, nhất là cán bộ
chủ trì. Vì vậy, việc bố trí, sử dụng cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ
chính trị của đơn vị, nghĩa là phải tùy việc mà đặt người chứ không phải vì người
mà đặt việc. Vấn đề cơ bản trong bố trí, đề bạt là phải tìm được những người thực
sự có năng lực, xứng đáng với cương vị được giao. Để làm được việc này, khi bổ
nhiệm, đề bạt cán bộ, các cấp có thẩm quyền cần tổ chức cho những ứng cử viên
có đủ tiêu chuẩn tham gia thi, thuyết trình về phương án, kế hoạch xây dựng đơn
vị và biện pháp giải quyết một số tình huống cụ thể trong huấn luyện, sẵn sàng
chiến đấu, quản lý, chỉ huy đơn vị, v.v. Hình thức tổ chức tùy theo từng đơn vị
cụ thể nhưng nguyên tắc là: minh bạch, công khai và dân chủ rộng rãi. Nếu làm tốt
sẽ tìm được những cán bộ xứng đáng, thực học, thực làm và thực sự có uy tín
trong đơn vị; hạn chế được hiện tượng chạy chức, chạy quyền, tình cảm cá nhân.
Đối với những cá nhân xuất sắc có năng lực nổi trội, khi xét thấy đủ điều kiện,
cấp ủy cũng cần mạnh dạn bổ nhiệm vượt cấp, để trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Tuy
nhiên phải thận trọng và khách quan, tránh tình trạng “chín ép” để mất nguồn
cán bộ.
Năm là, tích cực
đổi mới công tác quản lý cán bộ. Thực trạng công tác quản lý cán bộ ở đơn vị cơ
sở vừa qua cho thấy, bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn bộc lộ những yếu kém, khuyết
điểm, như: quản lý chưa chắc, chưa chặt và chưa toàn diện - nguyên nhân dẫn đến
việc đánh giá và bố trí sử dụng cán bộ còn có những sai lệch. Vì vậy, yêu cầu
trong công tác quản lý cán bộ là phải làm thường xuyên, liên tục, chặt chẽ từ
đơn vị, nơi cư trú và cả các mối quan hệ xã hội. Muốn vậy, cấp ủy, chỉ huy cần
thực hiện nền nếp, có chất lượng chế độ nhận xét cán bộ, nhận xét đảng viên hằng
năm, chế độ lấy ý kiến phê bình của quần chúng, không để cán bộ nào đứng ngoài
sự quản lý của cấp ủy, chi bộ và sự giám sát của quần chúng. Đi đôi với việc quản
lý của tổ chức, cần nêu cao trách nhiệm của cá nhân, thực hiện từng người tự quản
lý; từng cán bộ tự tu dưỡng, tự rèn luyện để hoàn thiện nhân cách, tự giác chấp
hành nghiêm kỷ luật Đảng, kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước.
Xây dựng đội
ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở trong Quân đội vững mạnh là vấn đề cơ bản, lâu dài, cấp
thiết hiện nay. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ
ở đơn vị cơ sở có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, hoàn thành tốt nhiệm vụ
trên từng cương vị, chức trách, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị
cơ sở và của Quân đội trong tình hình mới./.
HAT-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét