CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2021

VẤN ĐỀ XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

  

Để xây dựng kiến trúc thượng tầng xã hội chủ nghĩa ngày một vững chắc về mặt thiết chế xã hội thì quan trọng nhất là phải xây dựng, củng cố được nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhà nước là bộ phận quan trọng trong hệ thống chính trị, là cơ quan tổ chức triển khai hiện thực hóa mọi chủ trương, đường lối của Đảng. Trong các kỳ đại hội, Đảng ta luôn chú trọng đề ra chủ trương, biện pháp để phát huy vai trò của Nhà nước, đổi mới phương thức vận hành của Nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của Nhà nước, đây được coi là một nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.

Đại hội XIII của Đảng đã thể hiện rất sắc nét những quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cùng với đó là tầm nhìn chiến lược về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp trong giai đoạn 2021-2030.

Về vấn đề bản chất của Nhà nước, Đại hội XIII tiếp tục khẳng định “bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”1. Xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân là mục tiêu tối thượng và cao đẹp mà Đảng và nhân dân ta đã và đang từng bước hiện thực hóa trong cuộc sống xã hội. Trong hơn 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, bộ máy nhà nước ở Việt Nam đã có bước phát triển cả về tổ chức và hoạt động, theo hướng bảo đảm nhà nước của dân, do dân, vì dân, đủ năng lực để thực hiện quyền lực nhà nước trong điều kiện mới. Việt Nam đã và đang đi đúng hướng khi thực hiện xây dựng nhà nước gọn, nhẹ, có hiệu lực, phù hợp sự phát triển mới của cuộc sống, trong đó nổi lên vấn đề quan trọng là xây dựng các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp không có đặc quyền, đặc lợi, bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, bảo đảm vận hành và hoạt động có hiệu quả, bảo đảm mọi quyền lợi thật sự đều hướng về và thuộc về nhân dân.

Về mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước Đảng ta khẳng định: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng Nhà nước, đã thể hiện tư duy biện chứng sâu sắc. Đảng và Nhà nước cùng có một mục tiêu chung là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, cùng có một tư cách là phục vụ nhân dân và cùng có một đối tượng lãnh đạo và quản lý là nhân dân - dân tộc - quốc gia. Tất nhiên, Đảng không phải là Nhà nước. Đảng là một tổ chức giữ vai trò lãnh đạo chính trị, Nhà nước là trụ cột của hệ thống chính trị, là tổ chức duy nhất nắm trong tay cả ba nhánh quyền lực: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Vì vậy, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ Đảng luôn phải đồng bộ với nhiệm vụ “Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước về thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đồng thời khắc phục bằng được sự yếu kém, chậm trễ trong công tác lãnh đạo, điều hành, thực thi công vụ”1. Hai mặt đó có mối quan hệ biện chứng không tách rời, trong điều kiện Đảng cầm quyền, Đảng muốn mạnh thì Nhà nước phải mạnh, Nhà nước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, biến các quyết sách lãnh đạo của Đảng thành pháp luật, chính sách. Đảng và Nhà nước mạnh thì Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cũng phải mạnh mới thực hiện được đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mới biến thành hành động thực tế của nhân dân. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đại hội XIII đưa ra nhiều chủ trương biện pháp, trong đó chú trọng tính trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”2. Tiếp tục làm rõ vai trò chủ thể của nhà nước trong giải quyết các mối quan hệ “… giữa Nhà nước, thị trường và xã hội” và “… quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”3. Điều đó cho thấy tư duy biện chứng, toàn diện của Đảng trong việc nâng cao năng lực xử lý các mối quan hệ Nhà nước - thị trường -doanh nghiệp - người dân, mà trong đó Nhà nước là trung tâm có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường và doanh nghiệp hướng đến mục tiêu phục vụ lợi ích của nhân dân đồng thời phát huy vai trò của người dân trong việc giám sát, xây dựng chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xây dựng bộ máy nhà nước.

Nghiên cứu, học tập quán triệt, đưa nội dung Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi đảng viên và nhân dân. Vì vậy, cần nhận thức rõ:

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân là quan điểm nhất quán của Đảng, thể hiện bản chất, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Để có được những thành tựu trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam như hiện nay chúng ta thấy rằng Đảng ta đã có một quá trình đổi mới tư duy, liên tục bổ sung, phát triển. Các quan điểm, chủ trương về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng được Đảng ta phát triển hoàn thiện. Đại hội XIII thể hiện sự bao quát, toàn diện, phát triển hơn trong quan điểm, chủ trương của Đảng về vấn đề nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước với các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Tòa án, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Những quan điểm đó là sự đúc kết, kế thừa những quan điểm về xây dựng nhà nước pháp quyền từ các kỳ Đại hội Đảng trước.

Tính tất yếu lịch sử của việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam bắt nguồn từ chính lịch sử xây dựng và phát triển của Nhà nước ta. Ngay từ khi thành lập và trong quá trình phát triển, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã và luôn là một nhà nước hợp hiến, hợp pháp. Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật và luôn vận hành trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Các đạo luật tổ chức Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các đạo luật về chính quyền địa phương được xây dựng trên cơ sở các Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992. Những lần Hiến pháp được sửa đổi và thông qua là những bước củng cố cơ sở pháp luật cho tổ chức và hoạt động của bản thân các cơ quan nhà nước. Vì vậy, có thể nói, quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là một quá trình lịch sử được bắt đầu ngay từ Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và Hiến pháp năm 1946. Quá trình này đã trải qua hơn nửa thế kỷ với nhiều giai đoạn phát triển đặc thù. Ngày nay, quá trình này đang được tiếp tục ở một tầng cao phát triển mới với nhiều đòi hỏi và nhu cầu cải cách mới.

Tính tất yếu khách quan của việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam xuất phát từ định hướng xã hội chủ nghĩa mà mục tiêu cơ bản là xây dựng một chế độ xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để xây dựng được một chế độ xã hội có tính mục tiêu như vậy, công cụ, phương tiện cơ bản là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tính tất yếu khách quan ấy còn xuất phát từ đặc điểm của thời đại với xu thế toàn cầu hóa. Nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách nhà nước, cải cách pháp luật, bảo đảm cho Nhà nước không ngừng vững mạnh, có hiệu lực để giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hành dân chủ, củng cố độc lập, tự chủ và hội nhập vững chắc vào đời sống quốc tế.

Đồng thời, kịp thời nhận diện và đấu tranh với những quan điểm sai trái, phản độn của các thế lực thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

N.T.L - H2



1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr.100.

1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, tr.42.

2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, tr.174-175.

3 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, tr.100 .

Related Posts:

0 nhận xét: