Một
trong những nguyên nhân gây ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tổ
chức đảng và trong nhân dân là do không ít quyết sách, chỉ thị, quy định, lời
phát ngôn... của cán bộ hoặc cơ quan có thẩm quyền không phù hợp với thực tiễn,
không “xứng tầm”, thậm chí là vô lý, gây cười.
Nguy
hiểm hơn, khá nhiều người giữ cương vị lãnh đạo bị xử lý kỷ luật, thành tội phạm
vì ký những văn bản có nội dung trái pháp luật. Dư luận thường chỉ phê phán,
“ném đá” những cán bộ lãnh đạo này. Nhưng thực tế cũng có những sai sót, vi phạm
do cán bộ, nhân viên làm công tác tham mưu, giúp việc trực tiếp gây ra mà người
lãnh đạo không thể kiểm soát hết và phải chịu trách nhiệm.
1.
Những năm qua, đặc biệt trong thời gian cao điểm, cấp bách phòng, chống dịch
Covid-19, dư luận rất bức xúc trước việc một số địa phương, bộ, ngành thi thoảng
lại ban hành các quy định “trên trời” vì không khoa học, kém hiệu quả, thiếu
tính khả thi, thậm chí trái với văn bản của cấp trên...
Tình
trạng các văn bản “đá nhau”, “sáng ban hành, chiều bãi bỏ” không chỉ làm mất uy
tín của người ký ban hành và cơ quan ban hành, mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới
uy tín của Đảng, Nhà nước; trở thành cái cớ, cơ hội để các thế lực thù địch lợi
dụng thổi phồng, kích động nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chống phá cách mạng nước ta.
Bên
cạnh đó là một số cán bộ lãnh đạo có lời phát biểu hoặc bài viết đăng trên
sách, báo, tạp chí chưa thực sự “xứng tầm”, thậm chí có chỗ copy nguyên xi của
người khác, nói hớ, viết sơ hở. Một vài cán bộ đã giải thích “lỗi từ nhân viên
đánh máy”, nhưng càng khiến dư luận bức xúc vì cho rằng, cán bộ đổ lỗi cho nhân
viên để trốn tránh trách nhiệm.
Tuy
nhiên, thực tế đúng là có tình trạng cán bộ, nhân viên làm công tác tham mưu,
giúp thủ trưởng soạn văn bản, chuẩn bị dự thảo văn bản, bài viết, bài phát biểu
thiếu chặt chẽ, không đủ tầm để chuẩn bị tốt nội dung; thủ trưởng thì không đủ
thời gian hoặc không thể hiểu sâu về tất cả lĩnh vực nghiệp vụ để phát hiện, chỉnh
sửa hết những chỗ sai sót. Đó là chưa kể còn có hiện tượng một số trợ lý được
thủ trưởng giao góp ý dự thảo bài viết, bài phát biểu do cơ quan chuyên môn chuẩn
bị nhưng lại không đọc kỹ, không hiểu sâu mà lại "thích chỉnh sửa để thể
hiện mình giỏi", dẫn đến sửa không phù hợp, đúng thành sai, làm hỏng cả
bài viết mà thủ trưởng cũng không thể kiểm soát hết được. Ngôn từ phát ra thì
người ta chỉ khen-chê người đăng đàn phát biểu, người đứng tên tác giả, đâu cần
biết ai là người giúp chuẩn bị, chỉnh sửa nội dung!
2.
Bên cạnh một số cán bộ, nhân viên làm công tác tham mưu, giúp việc do hạn chế về
trình độ, năng lực dẫn đến sai sót khi soạn thảo văn bản, chuẩn bị bài viết,
bài phát biểu cho thủ trưởng, thì còn có hiện tượng tham mưu nhưng “mưu ít,
tham nhiều”, rỉ rả ngày này qua ngày khác hướng lái thủ trưởng nhận thức thiếu
chuẩn mực về một số vấn đề xã hội hoặc ngay chính công việc, con người mình phụ
trách.
Người
phò tá, tham mưu phẩm chất không trong sáng, vụ lợi thường dễ bị mua chuộc, lôi
kéo, cố tình gài lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm vào các văn bản liên quan đến chế
độ, chính sách, quyết định các vấn đề về tài chính, ngân sách như mua bán tài sản
công, đấu thầu...
Đây
là vấn đề nhức nhối, rất đáng báo động. Bởi thực tế không nhiều thủ trưởng, người
chủ tài khoản nắm chắc, hiểu sâu về quản lý kinh tế, ngân sách, nhất là các
nguyên tắc, thủ tục, danh mục thu-chi tài chính (do không được đào tạo chuyên
sâu). Ngay cả những thủ trưởng nắm chắc nội dung này thì cũng không đủ thời
gian để nghiên cứu kỹ hàng chục, hàng trăm văn bản dày cộp mỗi ngày bởi còn phải
làm rất nhiều việc khác. Nên có tình trạng cán bộ, cơ quan tham mưu, trợ lý
trình gì thì thủ trưởng chỉ xem lướt rồi tin tưởng ký vào, trừ những văn bản
quan trọng.
Lại
cũng có không ít trợ lý, người giúp việc mượn danh, núp bóng thủ trưởng để gạ gẫm
cơ sở và cán bộ, nhân viên cấp dưới. Thường những người này trước thủ trưởng
thì "đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên", tỏ ra ngoan ngoãn, lễ phép, nhưng
sau lưng thủ trưởng thì ngược lại. Dù thủ trưởng không chỉ đạo gì nhưng có trợ
lý, người giúp việc lại cố tình “gây khó để có phong bì”, mượn uy thủ trưởng để
vụ lợi, sách nhiễu. Kiểu “cáo mượn oai hùm” này vô cùng nguy hại vì nó làm cho
cấp cơ sở và quần chúng nhân dân mất niềm tin vào cán bộ lãnh đạo, sâu xa hơn
là mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước vì nhiều người tưởng các thủ trưởng chỉ đạo
làm như vậy!
3.
Theo từ điển tiếng Việt, tham mưu nghĩa là hiến kế, kiến nghị, đề xuất, đưa ra
các ý tưởng độc đáo, sáng tạo, có cơ sở khoa học, các sáng kiến, các phương án
tối ưu, những chiến lược, sách lược và các giải pháp hữu hiệu cho thủ trưởng
trong việc đặt ra và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị nhằm
đạt kết quả cao nhất; còn trợ lý là người giúp việc trực tiếp cho một người ở
chức vụ cao hoặc trong một lĩnh vực chuyên môn nào đó.Như vậy, vai trò của cán
bộ, nhân viên làm công tác tham mưu, trợ lý giúp việc là vô cùng quan trọng,
không thể thiếu trong hoạt động lãnh đạo, quản lý và điều hành công việc của tất
cả các tổ chức. Những người làm nhiệm vụ này rất gần gũi với thủ trưởng và được
thủ trưởng tin cậy, giao cho các công việc quan trọng, liên quan tới cả tổ chức,
nhiều người. Cổ nhân đã đúc rút “Thần thiêng nhờ bộ hạ”, nghĩa là đội ngũ làm
công tác tham mưu, giúp việc vừa giỏi vừa tâm đức là nhân tố rất quan trọng,
quyết định đến thành công của người lãnh đạo. Bất kể thủ trưởng nào, dù tài giỏi
đến mấy cũng không thể hiểu sâu kỹ được tất cả lĩnh vực, không thể tự làm hết
được mọi công việc.
Do
đó, mỗi cơ quan, đơn vị muốn thành công, ngoài tâm và tầm của người lãnh đạo
thì phải có đội ngũ làm công tác tham mưu, giúp việc đủ phẩm chất, năng lực đáp
ứng với yêu cầu nhiệm vụ, giúp người lãnh đạo đưa ra những chủ trương, quyết định
đúng đắn, hạn chế tối đa sai sót, khuyết điểm. Chính vì vậy, việc lựa chọn, bồi
dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác tham mưu, giúp việc là
đặc biệt quan trọng. Song, đáng tiếc là vẫn có những thủ trưởng và cơ quan, đơn
vị chưa thực sự coi trọng việc này, vẫn còn tình trạng ưu tiên người thân quen,
chọn người cùng phe nhóm, “cánh hẩu”, biết chiều ý thủ trưởng theo kiểu tuyệt đối
phục tùng, sẵn sàng cung phụng, phục vụ mọi nhu cầu cá nhân mà không cần biết
đúng-sai. Chính vì thế mới dẫn đến những hậu quả vô cùng tai hại. "Thần
suy cũng vì bộ hạ" và sử sách đã "bêu gương" không ít bậc vua
chúa vì chọn dùng gian thần mà thân bại, danh liệt. Cần nhận thức đúng đắn rằng,
cán bộ, nhân viên làm công tác tham mưu, giúp việc cũng là phục vụ thủ trưởng,
nhưng là dùng tri thức, chất xám và toàn tâm toàn ý phục vụ công tác lãnh đạo,
chỉ đạo, quản lý, điều hành của thủ trưởng, hoàn toàn khác với việc phục vụ nhu
cầu sinh hoạt thường ngày; do đó, phải chú trọng lựa chọn những người có đủ tâm
và tầm, nhất là người dám nói, dám phản biện như Đảng ta đang khuyến khích. Nhất
là, trong thời đại công nghệ số, thế giới “phẳng” như hiện nay, chỉ cần một sai
lầm, sơ hở nhỏ của tổ chức, của người lãnh đạo cũng sẽ lan nhanh khắp nơi, làm ảnh
hưởng lớn tới uy tín của tổ chức, cá nhân mắc sai lầm, khuyết điểm.
Thiết
nghĩ, việc tuyển chọn và sử dụng người phò tá, tham mưu rất cần ghi nhớ bài học
của người xưa "Quân tử chi giao đạm nhược thủy. Tiểu nhân chi giao cam như
di", với ý nghĩa là: Người quân tử đối đãi với nhau như nước trắng, không
mặn, không ngọt; rất thật lòng, không vì yêu mà nói thành tốt, không vì ghét mà
nói thành xấu, không nói những lời bạn thích nghe mà phải nói những lời bạn cần
nghe. Kẻ tiểu nhân đối xử lúc nào cũng ngọt ngào như rượu nồng. Nước tuy nhạt
nhưng cần thiết để sống bền vững; còn rượu ngọt uống sẽ say, dễ lầm đường lạc lối,
dẫn tới tuyệt giao, tai họa./.
LQT-H8
0 nhận xét:
Đăng nhận xét