CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2022

NÊN CÓ THÁI ĐỘ VĂN MINH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

  

Trước sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, mạng internet được phủ sóng toàn cầu. Trên các mạng xã hội gần đây liên tục xuất hiện, ra đời nhiều hội, nhóm, trong đó có sự nở rộ các nhóm fan (người hâm mộ), anti-fan (người tẩy chay) có nguồn gốc từ thái độ yêu - ghét một số người nổi tiếng hoặc được dư luận chú ý, nhất là với các nghệ sĩ trẻ - những người thường xuyên quan tâm, chủ động tương tác trên mạng xã hội. Ðáng lo ngại là lợi dụng tình trạng trên, một số hội, nhóm, đối tượng đã có những hành động, việc làm quá khích nhằm thỏa mãn tình cảm cá nhân hoặc mưu đồ cá nhân, mà hệ lụy là gây bức xúc trong dư luận xã hội, nguy cơ ảnh hưởng, tác động xấu tới trật tự xã hội, làm tổn hại uy tín, danh dự, tài sản của nhiều cá nhân, tổ chức…

Tuy manh nha xuất hiện từ trước, nhưng phải đến đầu thế kỷ XXI, hiện tượng si mê hoặc tẩy chay một cách cực đoan đối với một số nghệ sĩ, người nổi tiếng mới bắt đầu được nhiều người quan tâm. Năm 2001, nhật báo JoongAng Ilbo - một trong ba tờ báo lớn nhất Hàn Quốc, bắt đầu sử dụng cụm từ "Sasaeng" - được người Việt Nam gọi là "fan cuồng", để chỉ những người hâm mộ quá khích, sẵn sàng thực hiện nhiều hành vi như: rình mò đời tư, gây rối trật tự công cộng, phạm tội,… nhằm bảo vệ thần tượng, hoặc tấn công người mà họ không thích. Tại Việt Nam, hiện tượng "fan cuồng" và "anti-fan" bắt đầu được biết đến cùng trào lưu hâm mộ một số nhóm nhạc nước ngoài mà giới trẻ quan tâm. Sự bùng nổ của công nghiệp giải trí trong nước cũng góp phần giúp một số nghệ sĩ Việt nhanh nhạy về mặt thị trường bắt đầu gặt hái cả về danh tiếng lẫn tiền bạc. Bằng việc học hỏi mô hình quản lý, chăm sóc người hâm mộ theo phong cách chuyên nghiệp từ những tập đoàn giải trí quốc tế, nhiều gương mặt hàng đầu trong giới showbiz Việt Nam sở hữu lượng "fan" nhiệt thành và đông đảo, chẳng hề kém cạnh so với đồng nghiệp ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Ðược sự hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần từ người hâm mộ, một số ngôi sao giải trí đã có thu nhập đáng ao ước so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội. Và đổi lại, không ít người nổi tiếng thường xuyên phải đối mặt với tình trạng bị theo dõi, mổ xẻ, đánh giá từng chi tiết trong đời tư, từ thói quen ăn mặc, phát ngôn, quan hệ tình cảm, hôn nhân,… đến các hoạt động xã hội. Ðiều này cũng đã kéo theo một hệ quả không mong muốn là họ đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ trong "cuộc chiến" giữa các nhóm "fan cuồng" hoặc "anti-fan", để bảo vệ hoặc hạ bệ thần tượng.

Trên thực tế, dù trái ngược nhau về sở thích nhưng, các "fan cuồng" và "anti-fan" lại có nhiều điểm tương đồng, như: đều muốn khẳng định tiếng nói, tầm ảnh hưởng trước thần tượng và công chúng; ép buộc người khác phải đồng thuận với quan điểm của mình; sẵn sàng thóa mạ, sỉ nhục các ý kiến trái chiều. Tương tự mô hình câu lạc bộ người hâm mộ, "fan cuồng" và "anti-fan" cũng lập diễn đàn, fanpage trực tuyến, tổ chức phong trào, hội họp, giao lưu về mọi chủ đề liên quan đến thần tượng được họ say mê hoặc thù ghét. Ðặc biệt, nếu trước đây việc làm này thường được tổ chức khép kín thì hiện nay đa phần đã trở thành các hoạt động mang tính quy mô qua việc lợi dụng tính năng của các mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok… nhằm tăng sự ảnh hưởng trong xã hội, công chúng.

Ðáng phê phán là nhân danh hành động ủng hộ hoặc phản đối thần tượng, thành viên các nhóm "fan cuồng" hoặc "anti-fan" không chỉ thường xuyên gây gổ với nhau, mà còn công kích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan chức năng khi các đơn vị này có những công việc liên quan hoặc đăng tải nội dung, bài viết, hình ảnh về đối tượng, "ngôi sao" đang được họ theo dõi, bàn luận. Thậm chí, một số đối tượng còn đe dọa, tiến hành nhiều cuộc tấn công mạng (cyber attack) nhắm vào một số website, fanpage đã đề cập đến hạn chế, sai lầm của người được họ ủng hộ. Hy hữu, có anti-fan còn bất chấp quy định tại nơi làm việc và đạo đức nghề nghiệp để phát tán thông tin, điều khoản bí mật liên quan đến diễn viên, người mẫu nổi tiếng như: giao dịch ngân hàng, tin nhắn riêng, hình ảnh nhạy cảm… Nghiêm trọng hơn, một số nhóm "fan cuồng" tổ chức phá hoại trang điện tử của các cơ quan trực thuộc chính quyền. Chưa kể, chỉ vì sự nhầm lẫn của "fan cuồng" và "anti-fan" mà nhiều người vô can bị vạ lây vì các hành vi "bắt nạt" trên không gian mạng.

Ngoài các phong trào tự phát, còn xuất hiện những cá nhân, nhóm lợi ích cố tình dắt mũi dư luận để thực hiện mục đích thiếu trong sáng như: làm nhục, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác. Qua tài khoản Facebook cá nhân, những người này thường xuyên đăng video, phát livestream, viết thông tin đồn đoán, quy chụp, gây hiểu lầm cá nhân nhưng không hề đưa ra được bằng chứng hay nhân chứng xác thực. Bên cạnh đó, tận dụng "scandal" của nghệ sĩ, một số đối tượng liên tục lập các "group", "fanpage" mang chủ đề "bóc phốt", "bí mật showbiz" để lôi kéo người hiếu kỳ, thiếu hiểu biết. Khi câu chuyện tai tiếng trở nên bão hòa, họ đổi tên fanpage, group rồi chuyển nhượng cho các tiểu thương kinh doanh online nhằm kiếm lời. Ðể tránh bị phát giác, các nhóm đối tượng kiểu này thường sử dụng tài khoản ẩn danh.

Ở một góc độ khác, tình trạng lệch chuẩn trong đạo đức, lối sống của một số người nổi tiếng ở Việt Nam cũng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự ra đời, tồn tại các nhóm "fan cuồng", "anti-fan". Ðể tạo dựng, đánh bóng hình ảnh cá nhân hoặc mưu cầu mục đích nổi tiếng, kiếm tiền, không ít người nổi tiếng đã bất chấp để cổ xúy cho lối sống phóng túng, khoe khoang sự giàu có và cuộc sống sang chảnh, hưởng thụ, phát ngôn dung tục, thiếu chuẩn mực, ứng xử kiểu giang hồ với người phản đối họ, hoặc tuyên truyền mê tín, dị đoan, và chia sẻ trên mạng xã hội loại thông tin có thể gây hoang mang, mâu thuẫn trong nhân dân, kỳ thị vùng miền… Thậm chí, có người còn công khai mời gọi, lôi kéo người hâm mộ tham gia các hoạt động bị pháp luật ngăn cấm như cá cược trực tuyến, mua bán tiền ảo, quảng cáo sản phẩm kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ… Chính sự lệch chuẩn trong cách sống và sinh hoạt nói trên đã tác động, góp phần khiến các nhóm "fan cuồng", "anti-fan" càng thêm lệch lạc, thậm chí quay ngược trở lại thao túng nhận thức, phát ngôn, hành động của người nổi tiếng.

Diễn biến của các xu hướng "ủng hộ" hoặc "tẩy chay thần tượng" thời gian qua cho thấy sự phức tạp và nghiêm trọng của vấn đề. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, hiện tượng "fan cuồng" và "anti-fan" đã và đang làm nảy sinh nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tội phạm có tổ chức,… đòi hỏi các cơ quan chức năng về pháp luật, văn hóa cần nhanh chóng vào cuộc, làm rõ, xử lý nghiêm minh. Dù vậy, do nhiều nguyên nhân (như khó xác định đối tượng chủ mưu đã tổ chức, xúi giục, kích động "fan cuồng" hoặc "anti-fan" có hành vi phá hoại, gây rối; đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao không dễ truy vết…) nên công việc này không hề đơn giản. Ngoài ra, đại bộ phận "fan cuồng" và "anti-fan" là những người trẻ, nhận thức còn chưa chín chắn, dễ bị lôi kéo, kích động. Tham gia nhập các nhóm "fan cuồng" hoặc "anti-fan", còn có cả không ít người vốn tự ti, rụt rè, sống khép kín, không nhận được sự quan tâm từ gia đình, nhà trường. Khi trở thành thành viên của các nhóm này họ hy vọng sẽ nhận được sự chú ý, lời khen ngợi, khích lệ từ phía cộng đồng… Các nguyên nhân đó cho thấy việc tuyên truyền kết hợp giáo dục chính là giải pháp cần thiết để hạn chế, ngăn chặn hiện tượng "fan cuồng", "anti-fan" quá khích trên không gian mạng. Ðồng thời, triển khai Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vào đời sống, gắn với vấn đề thực tế đang diễn ra trong lĩnh vực giải trí, nghệ thuật là hết sức cần thiết. Vì sẽ giúp người tham gia mạng xã hội có nhận thức đúng đắn, có hành vi ứng xử chuẩn mực, và không để bị lôi cuốn, sa đà vào những cuộc tranh cãi, phong trào tẩy chay người nổi tiếng từ đối tượng cực đoan. Công việc này cần có sự tham gia tích cực của báo chí trong việc kịp thời lên án, phê phán việc nhân danh "bảo vệ người hâm mộ", "vì quyền lợi người hâm mộ" để mạ lỵ, phỉ báng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan chức năng, vạch trần các toan tính thiếu trong sáng.

Hiện, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tại nhiều tỉnh, thành phố, học sinh, sinh viên phải học tập trực tuyến tại nhà. Trong bối cảnh học tập, giao lưu, trao đổi với thầy cô, bạn bè bị hạn chế, nhiều em dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội. Vì vậy các bậc phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để có thể theo sát, quan tâm, kịp thời phát hiện, uốn nắn hành vi bất thường, chưa chuẩn mực của con, em mình trên không gian mạng. Cùng với đó, cần chủ động định hướng, chia sẻ các tấm gương sáng, người tốt, việc làm hay để các em tin tưởng, học tập, noi theo. Việc cha mẹ dành thời gian tâm sự, tư vấn cho con cái về những thay đổi trong nhận thức, đặc biệt ở tuổi dậy thì cũng cần được chú trọng, nâng cao.

Về phía những người được đông đảo công chúng chú ý, mến mộ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ cần không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân cả về đạo đức, lối sống, để xứng đáng với tình cảm của người hâm mộ, hướng người hâm mộ vào những việc làm tích cực. Việc phát ngôn, ứng xử trong cuộc sống thường ngày cũng như trên mạng xã hội cần hết sức cẩn trọng, tránh tranh cãi đôi co, huy động người hâm mộ trả đũa, tấn công mạng; đồng thời cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc bị phản đối, tẩy chay, hiểu lầm, để từ đó điều chỉnh, rút bài học kinh nghiệm cho bản thân, sẵn sàng nhận lỗi khi có sai lầm. Làm được điều đó, chính bản thân họ sẽ tiếp tục phát triển, nhận thêm sự ủng hộ, động viên từ công chúng, tham gia loại bỏ các tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến bản thân và sự nghiệp của mình, góp phần giữ gìn môi trường mạng văn minh, lành mạnh.

                                                                                         LNK - H1

 

0 nhận xét: