CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA QUÂN ĐỘI Ở CÁC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

 


Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, quần chúng nhân dân có vai trò to lớn, là người chủ chân chính của lịch sử, là lực lượng đông đảo của cách mạng. Do đó, phải tiến hành công tác vận động quần chúng. V.I.Lênin cho rằng: “Không có sự đồng tình và ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội ngũ tiên phong của mình, tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được. Nhưng sự đồng tình và ủng hộ đó không thể có ngay được và không phải do những cuộc bỏ phiếu quyết định, mà phải trải qua một cuộc đấu tranh giai cấp lâu dài, khó khăn, gian khổ mới giành được”[1].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến công tác vận động quần chúng. Người khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công [2], cho nên, khi tiến hành công tác dân vận “không để sót người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc chính phủ và đoàn thể giao cho”[3].

Hiện nay, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang đẩy mạnh thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc, kích động ly khai, hòng chống phá cách mạng Việt Nam. Cuộc đấu tranh giữ đất, giữ dân ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn hiện nay vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân và bình yên đất nước là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, việc tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và tăng cường hơn nữa công tác dân vận của quân đội ở các vùng dân tộc thiểu số là yêu cầu cấp bách, là nhiệm vụ trực tiếp đặt ra đối với quân đội ta, phải được tiếp tục nghiên cứu và vận dụng có hiệu quả trong thực tiễn.

Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của dân, do dân, vì dân, ngay từ khi mới thành lập đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao nhiệm vụ vừa là đội quân chiến đấu, vừa là đội quân công tác và lao động sản xuất, là lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, của Nhà nước và nhân dân. Do đó, tiến hành công tác dân vận là nhiệm vụ chính trị, là chức năng và truyền thống quý báu của quân đội, là vấn đề thuộc nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.

          Công tác dân vận của Quân đội nhân dân Việt Nam có vị trí, vai trò rất quan trọng, là một bộ phận trong công tác dân vận của Đảng Cộng sản Việt Nam, một mặt hoạt động của quân đội, là một bộ phận của CTĐ, CTCT, nhằm vận động cách mạng đối với nhân dân và xây dựng, tăng cường mối quan hệ, đoàn kết quân dân.

          Để tăng cường công tác dân vận của quân đội ở các vùng dân tộc thiểu số trong tình hình mới phải tăng cường toàn diện cả về lãnh đạo, chỉ đạo, cả lực lượng, phương tiện, tăng cường về mức độ và hiệu quả tác động, phát triển cả bề rộng và chiều sâu, coi trọng chất lượng và bảo đảm tính hệ thống, biến công tác dân vận của quân đội thành công tác tự vận động, tự xây dựng, tự bảo vệ của các dân tộc thiểu số cùng cả dân tộc Việt Nam dựng nước và giữ nước. Trong tình hình hiện nay, công tác dân vận của quân đội ở các vùng dân tộc thiểu số cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

          1. Nâng cao nhận thức, phát huy trách nhiệm, bồi dưỡng năng lực tiến hành công tác dân vận ở vùng dân tộc thiểu số cho mọi lực lượng trước hết là các cấp uỷ đảng, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị, các tổ đội công tác

Đây là giải pháp rất quan trọng, xuyên suốt và tạo cơ sở cho các giải pháp khác. Vì có nhận thức đúng đắn sẽ củng cố được động cơ, định hướng và thúc đẩy hành động tích cực của cán bộ, chiến sĩ. Nhận thức càng sâu sắc, càng sát thực tiễn thì động cơ càng mạnh mẽ, vai trò định hướng và thúc đẩy hành động càng rõ rệt. Đặc biệt là nhận thức của lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan có vai trò rất quan trọng.

Nội dung cần tập trung:  giáo dục những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta về vấn đề dân tộc, tôn giáo, công tác vận động quần chúng của Đảng, của quân đội trong giai đoạn mới. Kết hợp giáo dục lý luận với việc bồi dưỡng cho bộ đội nắm vững những vấn đề cơ bản về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các chủ trương, chương trình kế hoạch phát triển, các phong trào cách mạng của địa phương nơi đóng quân trên các lĩnh vực đời sống xã hội; nhiệm vụ của quân đội, của đơn vị hiện nay; tăng cường bồi dưỡng kinh nghiệm thực tiễn tiến hành công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số cho cán bộ, chiến sĩ để họ nâng cao trách nhiệm và tự tin, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ; coi trọng việc giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao hiểu biết về phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào từng khu vực, từng dân tộc; bởi vì các tín ngưỡng, tôn giáo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào. Mặc dù có nguồn gốc xuất xứ bản địa hay du nhập từ nước ngoài, ít nhiều đồng bào vẫn tìm thấy trong các tín ngưỡng, tôn giáo một chỗ dựa tinh thần nào đó khi trong cuộc sống, trong nhận thức, trong tình cảm gặp những khó khăn, rủi ro, bất trắc do tự nhiên hay xã hội đưa lại; họ đều muốn hướng tới sự yên ổn, tu tâm dưỡng tính, hướng thiện, chống lại cái ác; trừ các loại tà giáo hoặc âm mưu lợi dụng của các thế lực thù địch; bồi dưỡng xây dựng phương pháp, tác phong làm việc khoa học cho cán bộ, chiến sĩ trong công tác dân vận. Đó là tác phong sâu sát thực tế, cụ thể tỷ mỷ, thực hiện phương châm tiến hành công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số là: chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc nghe đồng bào nói, nói để đồng bào hiểu, hướng dẫn đồng bào, làm để đồng bào tin và rèn luyện phong cách: Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”. Khắc phục và chống biểu hiện quan liêu, hách dịch, xa rời thực tế, thiếu sâu sát với đồng bào; bồi dưỡng cho cán bộ chiến sĩ có phương pháp tiếp cận tốt với đồng bào, biết chào hỏi đồng bào theo đúng phong tục, thể hiện lòng thân ái, biết tránh các điều kiêng kỵ, biết giao lưu văn hoá văn nghệ, nhất là các điệu múa của đồng bào các dân tộc.

          2. Tăng cường giáo dục và duy trì nghiêm kỷ luật trong quan hệ với nhân dân đối với mọi cán bộ, chiến sĩ.

          Các đơn vị quân đội dù ở đồng bằng hay miền núi đều thường đóng quân trong các khu vực dân cư, quá trình thực hiện nhiệm vụ huấn luyện SSCĐ, công tác đều thường xuyên tiếp xúc với đồng bào. Nếu không có nhận thức đúng và giữ nghiêm kỷ luật dân vận sẽ không những không vận động được đồng bào mà còn làm tổn hại đến uy tín đơn vị, quân đội đến lòng tin của nhân dân.

Trong thực tế thời gian qua, không ít trường hợp vi phạm kỷ luật dân vận, thiếu tôn trọng, quậy phá, lừa dối hoặc lợi dụng đồng bào để làm việc sai trái đã xảy ra, ảnh hưởng xấu đến công tác dân vận, lòng tin và tình đoàn kết quân dân. Vì vậy, giáo dục và duy trì nghiêm kỷ luật trong quan hệ với nhân dân là một nội dung biện pháp rất quan trọng, vừa cơ bản lâu dài vừa cấp bách hiện nay.

          Đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Trong giáo dục phải quan tâm đến chuẩn mực đạo đức của người quân nhân cách mạng; các quy định của điều lệnh, điều lệ quân đội, 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, truyền thống của đơn vị...làm cơ sở bồi dưỡng, rèn luyện tính tự giác, gương mẫu trong chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; biết tôn trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân; thành khẩn tiếp thu và sửa chữa khuyết điểm, tạo sự tự tin cho đồng bào.

Đặc biệt, với đồng bào các dân tộc thiểu số, do điều kiện ngôn ngữ và các tập tục, tín ngưỡng riêng của từng dân tộc, việc giữ nghiêm kỷ luật không chỉ dừng lại ở các chế độ, nền nếp kỷ luật chung đã quy định, mà còn là ý thức và hành động đúng, phù hợp với lễ giáo, thuần phong, mỹ tục của từng vùng, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

          3. Nắm vững và vận dụng có hiệu quả các hình thức công tác dân vận của quân đội.

Có nhận thức đúng, thì có hành động đúng, cho nên phải nắm vững nội dung chương trình công tác, vận dụng có hiệu quả các hình thức của công tác dân vận để biến thành kết quả, hiệu quả thực tế. Do đó, phải có các hình thức công tác dân vận đúng. Coi trọng rút kinh nghiệm và vận dụng, phát huy tốt hiệu quả của bốn hình thức công tác dân vận đã được tổng kết và một số hình thức khác.

Trong thời kỳ mới, cơ cấu thành phần dân cư ở các vùng, miền tiếp tục biến đổi theo xu hướng ngày càng đa dạng, hoạt động kinh tế xã hội của các tầng lớp nhân dân trở nên phức tạp, điều này đòi hỏi công tác dân vận nói chung, công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng phải luôn đổi mới hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn.

          4. Kết hợp tốt việc tuyên truyền, giáo dục, vận động với tích cực giúp nhân dân lao động sản xuất, ổn định đời sống và bảo vệ đồng bào góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi hoàn cảnh.

          Hiệu quả công tác dân vận xét cho cùng phụ thuộc vào chính thực tiễn kết quả đời sống mọi mặt của đồng bào. Vì vậy, kết hợp tốt việc tuyên truyền, giáo dục, vận động với tích cực giúp nhân dân lao động sản xuất, xoá đói giảm nghèo ổn định đời sống vật chất nâng cao mức hưởng thụ tinh thần và bảo vệ dân trong mọi hoàn cảnh là yêu cầu tất yếu.

          Các đơn vị quân đội cần quan tâm, tham gia giúp đỡ đồng bào nghèo, các dân tộc đặc biệt khó khăn giải quyết ngay những vấn đề bức xúc như: tình trạng thiếu lương thực, thiếu nước sinh hoạt, nhà ở tạm bợ, không đủ tư liệu sản xuất, dụng cụ sinh hoạt tối thiểu,  cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào. Điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

          Đẩy mạnh vận động đồng bào định canh, định cư, ổn định đời sống. Chú trọng giúp đỡ đồng bào biết tổ chức sản xuất, xoá đói, giảm nghèo. Đối với các vùng có điều kiện, động viên hướng dẫn đẩy mạnh sản xuất hàng hoá phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng vùng, khai thác thế mạnh trong sản xuất của từng hộ, từng địa phương, phấn đấu làm giàu cho gia đình, đóng góp tích cực cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

          Đồng bào các dân tộc thiểu số thường sinh sống trên các địa bàn có điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt, lũ quét, động đất, bệnh tật đe doạ. Bên cạnh đó, kẻ thù lợi dụng khó khăn, tăng cường hoạt động phá hoại sản xuất, đời sống của đồng bào. Nhiều trường hợp ở nhiều vùng biên giới cửa khẩu, kẻ xấu đã lợi dụng đồng bào để làm ăn phi pháp, buôn lậu, phá rừng, vi phạm pháp luật. Vì vậy, trong tiến hành công tác dân vận của các đơn vị, phải hết sức coi trọng các biện pháp tích cực chủ động, kiên quyết bảo vệ đồng bào được an toàn cả về tính mạng, tài sản, sự bình yên cuộc sống trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, mọi tình huống. Hướng dẫn, động viên đồng bào biết và có khả năng tự bảo vệ mình trước sự tàn phá của cả thiên nhiên khắc nghiệt và các thế lực thù địch, các đối tượng xấu.

          5. Phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ chính quyền địa phương xây dựng cơ sở chính trị địa bàn vững mạnh; tham gia giải quyết có hiệu quả những yếu tố gây mất ổn định và xử lý các tình huống phức tạp ở các địa phương.

Xây dựng địa phương vững mạnh toàn diện là một mục tiêu chủ yếu của công tác dân vận, nhằm thực hiện tư tưởng chỉ đạo xây dựng là để phòng ngừa, là để bảo vệ tích cực, chủ động. Nội dung công tác dân vận tham gia xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở phải hướng vào xây dựng thực lực chính trị, nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý Nhà nước của các tổ chức trong hệ thống chính trị địa phương.

Trong điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội các vùng dân tộc thiểu số còn hết sức khó khăn, điều kiện cán bộ, cơ sở vật chất hoạt động của các tổ chức còn hạn chế, công tác dân vận của quân đội tham gia xây dựng cơ sở phải nghiên cứu kỹ tình hình, xác định nội dung, chương trình phải thiết thực hiệu quả, tránh hình thức, hời hợt. Đặc biệt chú trọng việc tạo nguồn và giúp bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Hoạt động dân vận của các đơn vị phải góp phần xây dựng thế trận và tiềm lực quốc phòng - an ninh ở cơ sở, xây dựng khu vực phòng thủ và các phương án tác chiến trên từng địa bàn, từng cơ sở. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động ngăn ngừa và xử lý kịp thời các vụ việc nảy sinh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng dân chủ, nhân quyền, tôn giáo và dân tộc, gây chia rẽ đoàn kết quân dân của các thế lực thù địch.  

Công tác dân vận của Quân đội nhân dân Việt Nam có vị trí, vai trò rất quan trọng, là một bộ phận trong công tác dân vận của Đảng Cộng sản Việt Nam, một mặt hoạt động CTĐ, CTCT trong quân đội, nhằm vận động cách mạng đối với nhân dân và xây dựng, tăng cường mối quan hệ, đoàn kết quân dân. Tiến hành công tác dân vận là nhiệm vụ chính trị, là chức năng và truyền thống quý báu của quân đội, là vấn đề thuộc nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng và trong sự nghiệp xây dựng và chiến đấu của quân đội ta. Để tăng cường công tác dân vận của quân đội ở các vùng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu của tình hình nhiệm vụ mới, cần vận dụng đồng bộ và có trọng điểm các giải pháp nêu trên. Mỗi giải pháp có vị trí, vai trò riêng, có cơ sở lý luận và thực tiễn, yêu cầu và nội dung khác nhau, nhằm tác động trên từng mặt, từng mức độ, song các giải pháp là một hệ thống có quan hệ chặt chẽ, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là lực lượng nòng cốt của sức mạnh quốc phòng – an ninh, là lực lượng chính trị trong sạch, vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, luôn được nhân dân tin cậy, yêu mến.

N.X.T-H1



[1] V.I.Lê nin: Toàn tập, Nxb tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tập 39, tr. 251.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 700.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 698.

0 nhận xét: