Chủ trương xây dựng nền quốc
phòng toàn dân là nội dung nhất quán, được thể hiện rõ trong các văn kiện của
nhiều kỳ đại hội Đảng và được thực tiễn cách mạng nước ta khẳng định là đúng đắn,
sáng tạo.
Vậy mà, các thế lực thù địch, phản
động lại có cái nhìn phiến diện, sai lệch. Họ cho rằng, trong văn kiện các đại
hội Đảng gần đây đã đánh giá: “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn”
thì cần gì phải tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân; làm như vậy là cản
trở sự phát triển của các thành phần kinh tế, ảnh hưởng đến kinh tế thị trường,
làm phân tán, lãng phí nguồn lực, thời gian của xã hội; hãy để cho nhân dân tập
trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Chúng còn xuyên tạc phản khoa học
rằng: nền quốc phòng toàn dân chỉ phù hợp với giai đoạn chiến tranh giải phóng
trước đây, nó không có giá trị nhiều trong chiến tranh hiện đại; bởi lẽ, dân
quân tự vệ và nhân dân không thể đối phó được với vũ khí, trang bị hiện đại của
kẻ thù xâm lược. Do đó, trong giai đoạn hiện nay nên tập trung nguồn lực để xây
dựng quân đội chuyên nghiệp, hiện đại như các nước phát triển đã làm; điều đó
cũng phù hợp với chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng,
chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” như Đảng và Nhà nước đã xác định.
Một số kẻ còn phủ nhận tính chất
hòa bình, tự vệ trong đường lối quốc phòng toàn dân của Đảng ta; cho rằng: đường
lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Việt Nam là “đe dọa hòa bình của các
nước trong khu vực”. Thậm chí, chúng còn bịa đặt rằng: nền quốc phòng ở nước
ta chỉ nhằm bảo vệ Đảng và chế độ, không vì lợi ích quốc gia, dân tộc, không phải
“của dân, do dân và vì dân”, từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp
về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với nền quốc phòng
toàn dân và sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Không chỉ chống phá về mặt lý luận,
chúng còn lợi dụng các vấn đề “nóng” hoặc phát sinh trong thực tiễn để chống
phá. Điển hình là, khi tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, các thế lực thù
địch lại tuyên truyền sai lệch rằng: để bảo vệ các vùng biển, đảo xa bờ thì nền
quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân không còn hiệu quả; chỉ có các lực lượng
hải quân, không quân được trang bị vũ khí hiện đại mới có khả năng tác chiến và
hoàn thành được nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo.
Gần đây chúng còn kích động các
doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam mặc dù đủ điều kiện thành lập lực
lượng tự vệ, nhưng không thực hiện các nghĩa vụ về quốc phòng, an ninh theo luật
đã quy định, như: không tổ chức thành lập và huấn luyện lực lượng tự vệ, không
lập quỹ quốc phòng - an ninh và đóng góp vào quỹ quốc phòng - an ninh. Một số kẻ
xấu cố tình lấn chiếm đất quốc phòng, gây rối an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội ở địa phương, điển hình là vụ việc ở Đồng Tâm (Mỹ Đức - Hà Nội).
Đáng chú ý là, những luận điệu xuyên tạc, hành động sai trái đó được các đối tượng
tiêu cực, bất mãn, cơ hội chính trị trong nước và bọn phản động ở nước ngoài thổi
phồng, kích động, chống phá bằng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
Cùng với tận dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, như: youtube,
facebook, tiktok, blog, fanpage,... để tuyên truyền, kích động; chúng còn giở
chiêu trò kiến nghị, góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng, đòi sửa đổi Hiến pháp
và một số văn bản pháp luật.
Mục đích của các hành động tuyên
truyền xuyên tạc đó nhằm làm sai lệch nhận thức, gây hoang mang, dao động, làm
mất niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, kích động các
hành động chống phá. Từ việc chống phá chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn
dân của Đảng, dẫn đến làm suy yếu sức mạnh quốc phòng, khả năng phòng thủ của đất
nước, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về quốc phòng,
an ninh, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của
Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Trên thực tế, từ Cương lĩnh
chính trị đầu tiên (02/1930), đến các văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đã không
ngừng bổ sung, phát triển lý luận về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và vận dụng
một cách sáng tạo, phù hợp vào thực tiễn từng giai đoạn cách mạng, đạt được những
thành tựu to lớn. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ
xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân đã
không ngừng được củng cố, tăng cường và phát huy hiệu quả, tạo nên sức mạnh tổng
hợp với thế vững, lực mạnh cho cách mạng Việt Nam. Đây là yếu tố trực tiếp quyết
định để đánh thắng hoàn toàn những đội quân nhà nghề được trang bị tối tân, hiện
đại. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện chủ trương xây dựng nền
quốc phòng toàn dân của Đảng, các tỉnh, thành phố đã tập trung xây dựng thành
khu vực phòng thủ vững chắc; kết hợp chặt chẽ giữa đẩy mạnh phát triển kinh tế,
văn hóa, xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân
dân với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.
Còn vấn đề xây dựng nền quốc
phòng toàn dân có phù hợp với chiến tranh hiện đại không? Thực tế các cuộc chiến
tranh diễn ra trên thế giới những năm gần đây ở Nam Tư, Syria, Libya, Iraq,...
đã minh chứng: nếu quốc gia, dân tộc nào mà chính quyền lãnh đạo huy động được
sức mạnh tổng hợp của đất nước; quân và dân cùng đoàn kết chiến đấu thì tổ quốc
sẽ được bảo vệ vững chắc. Và ngược lại, nếu chỉ có quân đội, chính quyền lãnh đạo
mà không có sự ủng hộ của nhân dân thì sẽ nhanh chóng thất bại. Thực tiễn đó là
cơ sở vững chắc, khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của chủ trương xây dựng nền
quốc phòng toàn dân mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta đã và đang thực hiện. Thực
tiễn nêu trên cũng thêm phần khẳng định, các luận điệu chống phá của các thế lực
thù địch là sự xuyên tạc, bịa đặt vô căn cứ, phi thực tiễn, phản khoa học, cần
được nhận diện và kiên quyết đấu tranh, phản bác kịp thời./.
BHC-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét