CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2022

CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

  

Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một tất yếu khách quan, là nhiệm vụ kinh tế cơ bản trung tâm xuyên suốt của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời là con đường duy nhất để xây dựng thành công cơ sở vật chất, kỹ thuật cho CNXH ở Việt Nam. Vậy CNH, HĐH là gì? Cơ sở thực tiễn nào khẳng định CNH, HĐH là tất yếu khách quan ?

1.Khái niệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Có nhiều cách tiếp cận và cách hiểu khác nhau về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, theo cách hiểu thông thường và được chấp nhận rộng rãi ở Việt Nam thì:

Công nghiệp hóa là quá trình chuyển một nước có nền kinh tế lạc hậu, nông nghiệp là chủ yếu thành một nước có nền kinh tế công nghiệp.

Hiện đại hóa là, quá trình áp dụng những phát minh, thành tựu mới nhất của khoa học, kỹ thuật - công nghệ vào nền kinh tế.

Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc và phát triển những tri thức văn minh nhân loại về CNH đồng thời vận dụng, phát triển sáng tạo vào thực tiễn đất nước, Đảng ta đã đưa ra quan niệm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa:

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế xã hội từ lao động sản xuất thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến hiện đại dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học công nghệ tạo ra năng suất lao động xã hội cao.

2. Cơ sở thực tiễn

Quá trình công nghiệp hoá của nước ta được thực hiện từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX. Hơn 50 năm qua, đường lối công nghiệp hóa đất nước đã có những điều chinh khá cơ bản theo sự phát triển của tư duy và điều kiện cụ thể.

Kết quả đạt được trong quá trình CNH, HĐH những năm vừa qua:

Một là, Cơ sở vật chất, kỹ thuật của đất nước được tăng cường đáng kể, khả năng tự chủ của nền KT được nâng lên, cả nước có nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất tập trung, nhiều khu hoạt động có hiệu quả như: KCN Dung Quất (Quảng Ngãi), KCN Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Áng, Nam Thăng Long, Đình Trám (Bắc Giang) hay khu chế xuất Linh Trung II ( TP Hồ Chí Minh).....

Tỷ lệ ngành CN chế tác, cơ khí chế tạo và nội địa hóa sản phẩm ngày càng tăng các ngành như công nghiệp SX - TLSX như luyện kim, cơ khí, vật liệu XD, hóa chất cơ bản...phát triển mạnh mẽ. Nhiều kết cấu hạ tầng được xây dựng như: Sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt, cầu, nhà máy điện, bưu chính viễn thông...theo hướng hiện đại.

Hai là, Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH đã đạt được những kết quả nhất định cả về CCKT ngành, cơ cấu vùng, lãnh thổ và cơ cấu thành phần kinh tế. Trong cơ cấu ngành, chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu GDP của đất nước. Cơ cấu vùng chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế so sánh của từng vùng và tạo liên kết giữa các vùng. Cơ cấu TPKT chuyển dịch theo hướng phát huy, khai thác tối đa lợi thế của mỗi thành phần, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Cơ cấu LĐ có sự chuyển dịch tích cực.

Theo số liệu Văn kiện Đại hội XII của Đảng: “Cơ cấu KT chuyển dịch tích cực, tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,9% năm 2011 lên 82,6% vào năm 2015; tỉ trọng nông nghiệp giảm từ 20,1% xuống còn 17,4%. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm, còn 44,3%”.[1]

Ba là, Những thành tựu CNH, HĐH đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, từ nhóm nước thu thập thấp đã trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010. Nền QP, AN được cũng cố vững chắc và tăng cường khả năng QP, AN đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, khắc phục nguy cơ cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và thế giới, đồng thời chủ động hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Nổi bật là trình độ công nghệ của một số lĩnh vực được nâng cao, theo kịp trình độ của của các nước trong cùng khu vực. Đã phát triển một số ngành công nghiệp chất lượng cao (công nghệ thông tin và truyền thông, điện tử...). Trình độ công nghệ trong các ngành công nghiệp đã có những tiến bộ vượt bậc.

Trong nông nghiệp, đã thành công trong việc lai tạo, nhân giống cây trồng mới, tăng năng suất, thay thế giống nhập ngoại. Năng suất lúa bình quân tăng cao, đưa Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực triền miên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới. Ngành thủy sản đã đưa vào áp dụng công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến giúp tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu. Các mặt hàng thủy sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam đảm bảo yêu cầu về chất lượng thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ.

Nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao. Trong một thời gian dài, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt trên 7%/năm, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất của thế giới. Năm 2009, nước ta được thế giới thừa nhận đã vượt qua ngưỡng nghèo để tham gia vào nhóm các nước thu nhập trung bình. Thành tựu xóa đói, giảm nghèo cũng được thế giới thừa nhận là ấn tượng... Đất nước ta “chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[2].

Những kết quả to lớn mà chúng ta đạt được qua quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa là cơ sở thực tiễn khẳng định nội dung, chủ trương, biện pháp thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có mức thu nhập trung bình cao thì việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước càng cần thiết hơn bao giờ hết./.

ĐHQ-H2



[1] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.231.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,Tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr..

0 nhận xét: