CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

VIỆT NAM KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH BẢO VỆ CÁC GIÁ TRỊ DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN

 

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, các vấn đề về “dân chủ”, “nhân quyền” trong quan hệ quốc tế cũng ngày càng được các quốc gia quan tâm. Song, quá trình đó cũng nảy sinh những mâu thuẫn mới, bắt nguồn từ sự định kiến, áp đặt võ đoán của chủ nghĩa cường quyền, coi nhân quyền như một công cụ để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác chính là một nghịch lý về nhân quyền trong quan hệ quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, vì vậy bảo vệ các giá trị “dân chủ”, “nhân quyền” đang được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm sâu sắc.

Xu hướng võ đoán, can thiệp, áp đặt tùy tiện các tiêu chí về “nhân quyền” của chủ nghĩa cường quyền trong quan hệ quốc tế gia tăng. Hiện nay, tại nhiều nước tư bản chủ nghĩa, khoảng cách và sự bất công trong xã hội có xu hướng ngày càng gia tăng, các phong trào chống chính phủ tư sản và mặt trái của chế độ tư bản chủ nghĩa vẫn liên tiếp diễn ra. Trong khi đó, nhiều chính quyền tư sản trên thế giới vẫn ráo riết phán xét, giám sát và áp đặt các tiêu chí về nhân quyền của mình đối với các quốc gia, dân tộc khác.

Việc tùy tiện áp đặt các tiêu chí nhân quyền riêng của mình để soi xét các nước khác, bất chấp hoàn cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa đặc thù của mỗi quốc gia đang trở thành phổ biến trong quan hệ giữa các nước lớn với các nước đang phát triển hiện nay. Mặt khác, việc khai thác và xử lý thông tin về nhân quyền thường chỉ một chiều, dựa vào ý kiến cá nhân, mang nặng định kiến, chủ quan hoặc cực đoan, bất mãn, thù địch, chống đối chế độ và nhà nước đương quyền cũng đang được sử dụng trong quan hệ quốc tế.

Việt Nam đấu tranh bảo vệ các giá trị “dân chủ”, “nhân quyền” trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Đối với Việt Nam, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” để kích động các phần tử cực đoan chống phá chế độ, bôi xấu, hạ thấp uy tín của Đảng. Đặc biệt, chúng lợi dụng “quyền dân tộc tự quyết” để xuyên tạc, đánh tráo và đồng nhất khái niệm quyền dân tộc tự quyết là quyền của quốc gia - dân tộc với quyền của các dân tộc thiểu số để kích động đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đòi thành lập những cái gọi là “Nhà nước Tin lành Đề ga” ở Tây Nguyên, “Vương quốc Chămpa” ở Tây Nam Bộ, “Vương quốc Mông” ở Tây Bắc... Thông qua đó nhằm hình thành các tổ chức đối lập với Đảng, Nhà nước Việt Nam. Ở bên ngoài, các tổ chức phản động lưu vong, như: "Hội người Mông thế giới", "Hội người Thượng Đề ga", "Hội những người miền núi", "Nhà nước Đề ga độc lập"… lợi dụng, tổ chức biểu tình ủng hộ các đối tượng trong nước.

Trước những cáo buộc chủ quan từ một số chính phủ và tổ chức phản động bên ngoài, Chính phủ Việt Nam khẳng định: chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người dân. Nhà nước Việt Nam nhất quán thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tôn giáo; chống tư tưởng kỳ thị, chia rẽ dân tộc, dân tộc hẹp hòi, cực đoan hoặc mặc cảm dân tộc. Chính phủ Việt Nam đề cao tinh thần dân tộc và tôn trọng những điểm khác biệt của các dân tộc thiểu số không trái với lợi ích chung của đất nước.

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”. Bằng chứng là, trong công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã thực hiện thành công 90% “Mục tiêu Thiên niên kỷ” của Liên Hợp Quốc (2015). Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành “Mục tiêu phát triển bền vững - 2030” của Liên Hợp Quốc. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã kéo tụt chỉ số tín nhiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, thì Việt Nam là một trong hai quốc gia ở châu Á -Thái Bình Dương được tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng hệ số tín nhiệm quốc gia từ mức BB lên mức BB+, trên cơ sở ghi nhận nền kinh tế đang trên đà phục hồi vững chắc từ những chính sách phục hồi sau đại dịch Covid-19 của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Một số thành tựu cơ bản nêu trên là minh chứng rõ ràng cho quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam: nhân quyền là “cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có"; Chính phủ Việt Nam khẳng định: “nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no, hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người, đó là điều quan trọng nhất”. Việt Nam là quốc gia thực hiện chủ trương “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội”. Đây mới là cốt lõi của vấn đề “nhân quyền” mà nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo đuổi.

Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước, là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội. Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam đề cao “sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm” tại các kênh ngoại giao đa phương. Mỗi quốc gia cần hành xử một cách có trách nhiệm, trước hết ở việc tuân thủ những cam kết của chính mình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng sự lựa chọn các chế độ, mô hình chính trị riêng, nỗ lực đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế theo khả năng của mình. Việt Nam đề cao con đường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 đã khẳng định quan điểm 4 không của Việt Nam trong quan hệ quốc tế: không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; Việt Nam không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Sự nỗ lực, tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam đã được minh chứng qua việc tham gia trong các cơ chế hợp tác của ASEAN, Liên hợp quốc, cơ chế hợp tác liên khu vực và tiểu vùng…

Hiện nay, khi giữa các nước trên thế giới và trong khu vực xảy ra chiến tranh, xung đột, quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam là ủng hộ các giải pháp thương lượng, hòa giải, vãn hồi hòa bình. Việt Nam phản đối mọi hành vi tấn công dân thường và ủng hộ sự kiểm chứng, minh bạch hóa các thông tin liên quan đến “nhân quyền”. Trước cuộc tấn công quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine, Việt Nam khẳng định lập trường không đứng về bên này chống bên kia hay ngược lại, mà lấy công lý và luật pháp quốc tế là tiêu chí để ứng xử trong ngoại giao, ủng hộ minh bạch hóa thông tin, kêu gọi sự hòa giải giữa các bên và có sự tham vấn rộng rãi của quốc tế, sớm tìm được giải pháp hoà bình, toàn diện.

Có thể nhận thấy, vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” trong quan hệ quốc tế đang trở thành chủ đề quan tâm của nhân loại, khi mà bất công trong xã hội, bạo lực, chiến tranh gia tăng trên thế giới, cùng với đó là sự áp đặt các quan điểm về dân chủ, nhân quyền của các nước tư bản phương Tây đối với nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, vì vậy bảo vệ các giá trị “dân chủ”, “nhân quyền” đang được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm sâu sắc. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị chung của cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam.

NVT-H4

0 nhận xét: