Tư tưởng chính trị là nhân tố hàng đầu tạo niềm tin, sự đồng
thuận xã hội. Vì thế, các thế lực chống phá, thù địch luôn xác định đây là mắt
xích, mũi đột phá quan trọng cần tập trung tấn công. Trong cuốn sách Chiến thắng
không cần chiến tranh (1999), Níchxơn đã viết: “Mặt trận tư tưởng là mặt trận
quyết định nhất”, “vũ khí của chúng ta, các hoạt động mậu dịch, viện trợ, quan
hệ kinh tế sẽ không đi đến đâu nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng”.
Theo đó, những chiêu bài về “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân
tộc”, “tôn giáo” hay “phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
(XHCN)”… mà các thế lực thù địch vẫn không ngừng “lớn tiếng” lâu nay cũng chỉ nhằm
hướng tới một mục tiêu: phủ nhận những vấn đề căn cốt - nền tảng tư tưởng chính
trị của chúng ta.
Một là, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam.
Các thế lực thù địch, phản động, chống phá vẫn luôn tự
cho họ “cái quyền” đòi Đảng ta, nhân dân ta từ bỏ mục tiêu, con đường đã chọn với
“lỹ lẽ” rằng đó là “con đường sai lầm, dẫn dân tộc đến đường cùng, ngõ cụt”. Họ
ra sức lợi dụng sự kiện CNXH theo mô hình Xô viết ở Liên xô và các nước Đông Âu
trước đây sụp đổ để “kết luận” rằng CNXH đã cáo chung, Đảng Cộng sản đã hết vai
trò lịch sử; rằng Việt Nam kiên định đi lên CNXH là sai lầm, là đi vào “vết xe
đổ” Liên Xô và Đông Âu. Họ cố tình xuyên tạc: “Chủ nghĩa xã hội mà C.Mác nêu ra
chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”; không bao giờ thực hiện
được”...
Để tạo sức “đề kháng” trước những “cơn gió độc”, bên cạnh
không ngừng củng cố bản lĩnh và sự kiên định của mỗi công dân, đặc biệt là đội
ngũ cán bộ, đảng viên vào mục tiêu, con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã lựa chọn, chúng ta cần tiếp tục thấu triệt: 1) Sự thay thế của hình thái
kinh tế XHCN vào hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa là sự tiếp nối tất yếu
trong dòng chảy phát triển. Vấn đề này đã được khẳng định bằng chính quá trình
phát triển của lịch sử nhân loại. 2) Thực tiễn tiến trình cách mạng Việt Nam dưới
ngọn cờ của Đảng đã và đang minh chứng “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của
nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”(1).
“Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” là sự kiên định khoa học,
khách quan, đúng đắn, phù hợp, đang từng bước thỏa mãn khát vọng chính đáng của
nhân dân: độc lập, hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc. 3) Những nhà tài phiệt của
chủ nghĩa tư bản luôn muốn duy trì sự bất bình đẳng của xã hội để thâu tóm lợi
ích. Vì thế, bình đẳng, tự do, ấm no, hạnh phúc của quần chúng nhân dân lao động
không phải là mục tiêu mà họ hướng tới, không phải là bản chất chế độ mà họ muốn
duy trì.
Hai là, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh.
Vẫn “quanh đi quẩn lại” với những “diễn giải” như, chủ
nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, chỉ phù hợp với trình độ, lực lượng sản xuất
phương Tây thế kỷ XIX; ở thế kỷ XXI, chủ nghĩa này đã lỗi thời, đã bị lịch sử
vượt qua... Cùng với đó, họ không ngừng xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí
Minh cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Người; bóp méo sự thật công cuộc đổi mới
ở Việt Nam... Những “giọng điệu” đó đều không nằm ngoài mục đích: phủ định sự vận
dụng sáng tạo tư tưởng chính trị của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện Việt
Nam; phủ nhận nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp
xây dựng xã hội của dân, do dân và vì dân.
Để phản bác lại những “lập luận” nêu trên, chúng ta cần
không ngừng nắm rõ, hiểu sâu, củng cố lại nhận thức: 1) Chủ nghĩa Mác - Lênin
là hệ thống các quan điểm và học thuyết khoa học do C.Mác và Ph.Ăng-ghen xây dựng,
V.I.Lênin bảo vệ và phát triển, Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo, bổ sung trong điều
kiện cụ thể một nước thuộc địa, nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu; được hình
thành và phát triển trên cơ sở tổng kết thực tiễn và kế thừa những giá trị tư
tưởng của nhân loại; là thế giới quan phương pháp luận chung nhất của nhận thức
khoa học và thực tiễn cách mạng; là khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp
vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi chế độ áp bức, bóc lột và tiến tới
giải phóng con người. 2) Trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận duy vật
biện chứng, chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra những quy luật kinh tế của xã hội,
đặc biệt là những quy luật của quá trình ra đời, phát triển, suy tàn của phương
thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và sự ra đời, phát triển của phương thức sản xuất
mới - phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa. 3) Xây dựng CNXH ở Việt Nam là kết
quả tất nhiên của sự vận dụng thế giới quan, phương pháp luận triết học, kinh tế
chính trị Mác - Lênin, CNXH khoa học vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. 4) Trên
cơ sở quan điểm “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác -
Lênin”, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh là nền tảng tư tưởng trong quá trình trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng,
cùng toàn dân xây dựng một xã hội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Ba là, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam.
Để chống lại các luận điệu trên chúng ta cần nắm chắc những
nội dung căn cốt về tư tưởng chính trị là “vũ khí” quan trọng nhất để mỗi chúng
ta chiến thắng chính mình - vượt qua những mơ hồ, hoài nghi, dao động; đồng thời
đấu tranh phản bác có hiệu quả với những giọng điệu “ngụy dân chủ”, “ngụy lý luận”.
Về phương diện lý luận, vấn đề Đảng Cộng sản cầm quyền
trong thời ký quá độ đi lên CNXH là một trong những nội dung quan trọng của Chủ
nghĩa Mác - Lênin. Nghiên cứu lịch sử đương đại, Mác và Ăng-ghen chỉ ra rằng,
trong các xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp, giai cấp nào giành được quyền
lực nhà nước sẽ trở thành giai cấp thống trị và thực hiện vai trò lãnh đạo đối
với xã hội. Kế thừa những di sản tư tưởng chính trị cơ bản đó, V.I.Lênin đã
phát triển và có những luận điểm sâu sắc, trong đó khẳng định, sự lãnh đạo của
Đảng là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho công cuộc xây dựng CNXH thành công.
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong quá trình đi tìm “lời giải cho bài toán”
cách mạng Việt Nam đã nhận thấy: cách mệnh trước hết phải có đảng cách mệnh...
Về phương diện thực tiễn, Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ
chức và hoạt động chặt chẽ theo tư tưởng, nguyên tắc của Chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh. Những kết quả đạt được trong công cuộc đổi mới toàn diện
đất nước hơn 35 năm qua là câu trả lời chính xác, khoa học nhất về vai trò lãnh
của Đảng trên cơ sở kiên định, vận dụng, phát triển sáng tạo những nguyên lý của
chủ nghĩa Mác - Lênin. Buông lỏng hoặc hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng là phạm
sai lầm từ nguyên tắc, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nguy cơ của mọi nguy
cơ dẫn đến thủ tiêu sức mạnh của nhà nước và hệ thống chính trị, tạo điều kiện
cho chủ nghĩa cơ hội trỗi dậy./.
NXĐ-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét