Tại Lễ kỷ niệm lần
thứ 30 ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam),
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách
mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: "Đảng ta thật là vĩ đại!”. Bác
Hồ còn chỉ rõ:
“Đảng ta vĩ đại
như biển rộng, như núi cao; Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu
tình; Đảng ta là đạo đức, là văn minh; Là thống nhất, độc lập, là hòa bình
ấm no...”.
Có thể nói, một
nét vĩ đại của Đảng được Bác Hồ khái quát “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, một
mặt, nhằm giáo dục, bồi dưỡng, khích lệ tinh thần phấn đấu cao của mọi đảng
viên; mặt khác, nhằm đập tan mọi mưu mô xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù
địch đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt
Nam ra đời đáp ứng một nguyện vọng bức thiết của lịch sử là để cứu dân, cứu
nước khỏi vòng nô lệ của thực dân và ách áp bức của phong kiến, tiến hành giải
phóng dân tộc, thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”, rồi dần dần từng bước
đi lên CNXH, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; đấy là đạo đức, là văn
minh. Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức lãnh đạo nhân dân ta chống lại ách thống
trị đó, đấu tranh đòi quyền lợi cho dân nghèo, làm cuộc cách mạng giải phóng
dân tộc, thực hiện quyền tự quyết, quyền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam,
đó là quyền bình đẳng tối thiểu của các dân tộc, các quốc gia trên thế giới;
đấy là đạo đức, văn minh quan trọng hàng đầu.
Nói Đảng ta vĩ đại
thật, Đảng ta là đạo đức, là văn minh, Bác Hồ đã chứng minh và nhấn mạnh:
“Từ ngày bị
đế quốc Pháp xâm chiếm, nước ta là một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ
quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác. Trong mấy mươi năm khi
chưa có Đảng, tình hình đen tối như không có đường ra.
Từ ngày mới ra
đời, Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân
ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của
Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối
cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng
phản đế, phản phong”.
Thế giới cũng đã
từng chứng kiến Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc
kháng chiến thần thánh, chống lại chiến tranh hủy diệt vô cùng man rợ do đế
quốc Mỹ gây ra, cuối cùng đem lại chiến thắng vẻ vang, giải phóng hoàn toàn
miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên CNXH. Điều đó làm
sáng ngời chân lý “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” mà Bác Hồ nêu ra.
Có thể nói, Cương
lĩnh cách mạng mà Đảng vạch ra từ ngày thành lập cùng với sự phấn đấu bền bỉ,
kiên cường non một thế kỷ qua dưới ngọn cờ "độc lập dân tộc gắn liền với
CNXH" là đạo đức, văn minh cao cả nhất, sâu sắc nhất, bao trùm nhất
và quán xuyến lâu dài nhất mà Đảng và nhân dân ta phấn đấu thực hiện. Phải vạch
trần mưu mô xấu xa và luận điệu bỉ ổi của các thế lực thù địch đối với chế độ
XHCN và đối với Đảng ta.
CNXH - với tính
cách một chế độ xã hội, khi được xây dựng xong, như Cương lĩnh 1991 của Đảng
chỉ ra và khẳng định phải thực hiện cho kỳ được, là sự thể hiện sáng ngời Đảng
ta là đạo đức, là văn minh. Cương lĩnh viết:
“Xã hội xã hội chủ
nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội:
- Do nhân dân lao
động làm chủ.
- Có một nền kinh
tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về
các tư liệu sản xuất chủ yếu.
- Có nền văn hóa
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
- Con người được
giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao
động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện
cá nhân.
- Các dân tộc
trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.
- Có quan hệ hữu
nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”.
Như vậy, có thể
thấy rằng, xã hội XHCN là một xã hội mang tính nhân đạo rộng lớn và sâu sắc,
một xã hội văn minh nhất từ trước tới nay. Dĩ nhiên, chúng ta hiểu rằng từ đây
đến lúc xây dựng xong chế độ xã hội tốt đẹp đó còn phải trải qua thời kỳ lâu
dài trong lịch sử, và trong quá trình xây dựng có thành công, có vấp váp, chứ
không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhưng cuối cùng nhất định sẽ tiến đến xã hội
ưu việt đó. Chế độ xã hội văn minh và cao đẹp ấy là lý tưởng của Đảng ta, không
tách rời vai trò tổ chức lãnh đạo của Đảng và nhất định được hiện thực hóa dần
dần.
Đảng không phải là
một cái gì trừu tượng, mà bao gồm tất cả đảng viên. Lý tưởng của Đảng là lý
tưởng của mọi đảng viên, của từng đảng viên. Đạo đức hàng đầu của đảng viên là
suốt đời hy sinh phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp, đó là độc lập dân tộc và CNXH,
độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Đảng ta là đảng
cách mạng, là đảng lãnh đạo. Ngoài lợi ích của nhân dân và của giai cấp công
nhân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Vì vậy, lý tưởng cách mạng của đảng
viên là phải suốt đời hy sinh phấn đấu cho lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc.
Bác Hồ đã chỉ rõ: “Nói tóm tắt thì đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu
tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho
Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng.
Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng
của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu
tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác -
Lê-nin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến
công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”.
Có thể nói, đạo
đức cách mạng được thể hiện trước hết ở chỗ khi có mâu thuẫn giữa lợi ích chung
và lợi ích riêng thì phải biết đặt lợi ích chung lên trên. Điều đó cũng có
nghĩa là muốn có đạo đức cách mạng thì phải chống chủ nghĩa cá nhân, xây đạo
đức cách mạng phải đi đôi với chống chủ nghĩa cá nhân. Chính chủ nghĩa cá nhân
là xuất phát điểm và là cơ sở dung dưỡng những tiêu cực xã hội và những tiêu cực
trong Đảng. Phải chống chủ nghĩa cá nhân thì mới tạo điều kiện chống tiêu cực
xã hội và tiêu cực trong Đảng. Là bộ phận tiên tiến trong xã hội, các đảng viên
càng phải là những người có đạo đức cách mạng; hơn nữa, phải luôn luôn phấn đấu
là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Và, thực tế cũng dạy rằng, chỉ khi nào
có đạo đức cách mạng thì đảng viên mới có thể liên hệ tốt với quần chúng, mới
có thể tổ chức quần chúng thực hiện tốt đường lối của Đảng và chính sách, pháp
luật của Nhà nước. Và như thế, mỗi đảng viên mới là một tế bào góp phần làm cho
Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh.
Bác Hồ và nhiều
chiến sĩ cộng sản tiền bối là những tấm gương sáng tuyệt vời về đạo đức cách
mạng, suốt đời tận tụy, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì Đảng, vì dân. Các thế
hệ đảng viên ngày nay nguyện ra sức học tập và noi gương sáng tuyệt vời đó,
phấn đấu để Đảng ta mãi mãi là đạo đức, là văn minh.
Chúng ta nguyện
thực hiện tốt những yêu cầu mà Bác Hồ đã nêu ra:
“Từ nay về sau,
tất cả các đảng viên, cán bộ và chi bộ phải thường thường ôn lại, tự liên hệ và
giữ đúng những tiêu chuẩn của người đảng viên:
1. Suốt đời kiên
quyết phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.
2. Rèn luyện tư
tưởng vô sản, sửa chữa những tư tưởng sai lầm. Kiên quyết đứng hẳn trên lập
trường giai cấp công nhân, không đứng chân trong chân ngoài.
3. Đặt lợi ích của
Đảng lên trên hết, trước hết. Biết đem lợi ích riêng, lợi ích của cá nhân phục
tùng lợi ích chung của cách mạng.
4. Tuyệt đối chấp
hành nghị quyết và kỷ luật của Đảng.
5. Liên hệ chặt
chẽ với quần chúng.
6. Luôn luôn cố
gắng học tập, thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình đồng chí mình”.
Xây dựng CNXH là
một sứ mệnh trọng đại và lâu dài. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh
đạo là một phần trên con đường phấn đấu lâu dài đó nhằm có CNXH thực tế và có
CNXH đầy đủ. Hơn 30 năm đổi mới, đất nước đã có nhiều biến đổi to lớn; kinh tế
phát triển, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao; xã hội có nhiều tiến bộ,
văn minh. Hiện nay, công cuộc đổi mới đang được đẩy mạnh, triển khai toàn diện
và đồng bộ. Đảng ta với tư cách người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt
Nam đòi hỏi mọi đảng viên phải đi tiên phong trong công cuộc đổi mới đó.
Ngày nay, trong
công cuộc đổi mới xây dựng CNXH, chúng ta coi giàu có hợp pháp là phù hợp với
quy luật tiến bộ xã hội, phù hợp với đạo đức XHCN, phù hợp với yêu cầu của
CNXH. Những chủ trương và biện pháp xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp là
mang tính nhân văn rất cao, thuận lòng người. Những thành tựu về mặt này được
nhân dân đồng tình ủng hộ, được thế giới hoan nghênh, càng tô thắm thêm “Đảng
ta là đạo đức, là văn minh”.
Thực hiện đổi mới
trên lĩnh vực kinh tế, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng
XHCN. Không thể phủ nhận những tác dụng tích cực, tiến bộ của cơ chế thị trường;
tuy nhiên, cơ chế đó cũng phát sinh những vấn đề tiêu cực. Mặt trái, mặt tiêu
cực phải kể trước hết là sự phân hóa giàu nghèo trong Đảng và trong xã hội, sự
phân hóa giữa thành thị và nông thôn. Đặc biệt là tình trạng suy thoái đạo đức
rất nghiêm trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, làm tổn hại đến
bản chất của Đảng, làm giảm sút sức chiến đấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng
trong nhân dân. Một biểu hiện của tình trạng suy thoái đạo đức là lối sống chạy
theo đồng tiền, dùng sức mạnh của đồng tiền để thay cho chân lý. Chủ nghĩa thực
dụng đang có chiều hướng phát triển, kể cả thực dụng chính trị, nịnh trên nạt
dưới, dùng tiền để chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy bằng, chạy tội... Tệ
nạn tham nhũng, lãng phí, lối sống xa hoa vẫn còn nghiêm trọng.
Cuộc phấn đấu cho “Đảng
ta là đạo đức, là văn minh” đang diễn ra trong điều kiện mới, đang ở vào thời
điểm lịch sử quyết liệt. Phải tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách sâu
rộng, liên tục, kiên quyết. Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cần kết hợp đổi mới
và chỉnh đốn, kết hợp biện pháp giáo dục và biện pháp tổ chức. Cán bộ, đảng
viên phải phấn đấu, rèn luyện đủ cả đức lẫn tài, trong đó đức là gốc, thì mới
đủ tư cách và xứng đáng là người tổ chức, động viên, thuyết phục nhân
dân. Cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có tầm
vóc to lớn, có ý nghĩa cách mạng sâu sắc và mang tính chiến lược trong xây
dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đảng ta là đảng
cầm quyền, được ghi nhận trong Hiến pháp (đạo luật cơ bản của nước nhà), được
nhân dân ủy thác và tin cậy giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Trải
qua lịch sử cách mạng lâu dài, nhân dân ta tự giác thừa nhận Đảng Cộng sản Việt
Nam là lãnh tụ của mình; đồng thời, nhân dân có quyền và trách nhiệm giám sát,
bảo vệ, xây dựng Đảng, vì xét cho cùng, điều đó cũng vì lợi ích của nhân dân và
của Đảng. Nhân dân ta có truyền thống và có khả năng thực tế giám sát trước hết
về mặt đạo đức của cán bộ, đảng viên. Phải đề cao vai trò giám sát của nhân dân
và có cơ chế thiết thực để nhân dân thực hiện vai trò đó. Thực tiễn cũng chỉ ra
rằng, chỉ có kết hợp đúng đắn tự phê bình và phê bình trong Đảng với sự giám
sát của nhân dân thì việc xây dựng đạo đức của Đảng mới có hiệu quả.
Xây dựng
“Đảng ta là đạo đức, là văn minh” là ý chí chính trị của Đảng, là tình
cảm và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, là yêu cầu tất yếu của sự nghiệp cách
mạng do Đảng lãnh đạo. Xây dựng đạo đức của Đảng, xây dựng đạo đức trong Đảng,
đang là một vấn đề mang tính thời sự nóng hổi. Các thế hệ đảng viên ngày nay
nguyện sống, chiến đấu, học tập xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các chiến
sĩ cộng sản tiền bối, với lòng mong mỏi của nhân dân, với lời dạy của Bác “Đảng
ta là đạo đức, là văn minh”; đồng thời, quyết tâm thực hiện tốt lời căn dặn
trong Di chúc của Bác: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ
phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí
công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh
đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”
HAT-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét