Đồng chí Trần Cừ sinh năm 1920, dân tộc Kinh, quê ở xã Đức
Bắc, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, nhập ngũ ngày 19 tháng 8 năm 1945, khi hy
sinh, là Đại đội trưởng bộ binh Đại đội 336, Tiểu đoàn 174, Trung đoàn 209, Đại
đoàn 312, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ tháng 8 năm 1945 đến tháng 10 năm 1950, Trần Cừ chiến
đấu trên chiến trường Việt Bắc. Trưởng thành từ chiến sĩ lên Đại đội trưởng, đã
tham gia hàng chục trận chiến đấu, trận nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đồng chí luôn luôn chú trọng xây dựng đơn vị tiến bộ toàn diện, thương yêu đồng
đội chăm sóc giúp đỡ chiến sĩ mới, khiêm tốn giản dị, được đồng đội tin yêu mến
phục.
Tháng 9 năm 1945, Trần Cừ tham gia đánh quân Nhật và Quốc
dân đảng phản động ở thị xã Vĩnh Yên. Đồng chí đã dẫn đầu Tiểu đội, dũng cảm
xung phong đánh giáp lá cà với địch, bản thân tiêu diệt 1 tên Nhật, thu 1 khẩu
súng.
Đầu năm 1946, trong trận đánh bọn Quốc dân đảng phản động
tràn lên cầu Đông Đạo (Vĩnh Yên), Trần Cừ đã dùng súng trung liên diệt hai Tiểu
đội địch, giữ vững trận địa đến sáng.
Đầu năm 1948, Trần Cừ chỉ huy trung đội chống càn ở vùng
Sơn Đông (Vĩnh Phúc), đánh lui nhiều đợt tiến công của chúng, diệt một tiểu đội
địch, bảo vệ được nhân dân. Giặc Pháp đông gấp bội, có 2 ca nô và 4 máy bay khu
trục yểm hộ vẫn không sao tiến được vào làng.
Trong chiến dịch Biên Giới, trận Đông Khê (17/9/1950),
trên cương vị là Đại đội trưởng chủ công của Trung đoàn. Đồng chí đã chỉ huy
đơn vị chiến đấu rất dũng cảm. Song do lực lượng địch quá mạnh nên đêm đấu
không dứt điểm được. Đêm sau, Trần Cừ lại chỉ huy đơn vị đánh chiếm gần hết căn
cứ. Địch còn lại 100 tên, chúng dồn vào một hầm cố thủ, chống trả quyết liệt.
Hai lần Trần Cừ dẫn đầu đơn vị xông lên nhưng vẫn chưa giải
quyết được, bản thân lại bị thương nặng vào chân. Trời đã rạng sáng, Trần Cừ
nghĩ nếu để trận đánh kéo dài, địch sẽ dùng phi pháo và viện binh phản kích chiếm
lại đồn, đơn vị sẽ bị thương vong nhiều hơn và không hoàn thành nhiệm vụ, ảnh
hưởng tới toàn bộ chiến dịch. Đồng chí đã chỉ huy anh em tập trung hỏa lực bắn
mãnh liệt và đồng loạt ném lựu đạn vào lô cốt, quyết tâm tiêu diệt bọn địch
ngoan cố. Song địch vẫn điên cuồng chống cự. Trần Cừ căm giận, nén chịu vết
thương đau, nhảy lên hô lớn:
“HỒ CHỦ TỊCH MUÔN NĂM! ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG MUÔN
NĂM!” rồi lao tới sát lô cốt ném quả thủ pháo cuối cùng còn lại vào lỗ châu mai
và dùng cả thân mình bịt kín hỏa điểm địch, tạo thuận lợi cho đồng đội tiến
lên.
“Học tập Đại đội trưởng! Trả thù cho Đại đội trưởng!” Cả
đơn vị như vũ bão xông lên, đánh sập hầm ngầm và diệt toàn bộ địch.
Với thành tích chiến đấu xuất sắc, Trần Cừ đã được tặng
thưởng 1 Huân chương Quân công Hạng ba, 1 Huân chương Kháng chiến Hạng nhất, 1
Huân chương Chiến công Hạng nhất. Ngày 31 tháng 8 năm 1955, Trần Cừ được Chủ tịch
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tặng Huân chương Quân công Hạng nhì và danh
hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân./.
NTH-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét