CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2023

NHỮNG NGƯỜI DỆT NÊN MÙA XUÂN BIÊN CƯƠNG

 

La Lay, mùa xuân không chỉ là cây cối đâm chồi nảy lộc mà tình quân dân khăng khít, gắn bó, sự đùm bọc, sẻ chia...

Người đồng chí trên biên cương

Chúng tôi đến vùng đất biên cương La Lay (xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) vào những ngày cuối năm. Gặp gỡ chỉ huy, cán bộ và chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay khiến chúng tôi “vỡ ra” nhiều điều về những người lính trấn ải biên cương. Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng La Lay có 1 lý lịch đặc biệt. Anh sinh ra bên bờ vĩ tuyến 17, có cha là bộ đội và mẹ là dân quân. Năm anh vừa 1 tuổi thì cũng là lúc cha hy sinh trong Thành cổ Quảng Trị. Sau một lần bị thương, mẹ anh mặc dù được lệnh sơ tán nhưng vẫn kiên quyết ở lại bờ Bắc Hiền Lương để chiến đấu bảo vệ quê hương.

Với truyền thống gia đình như vậy, việc chàng thanh niên Nguyễn Xuân Linh nhập ngũ vào lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Trị như một điều tất yếu. Những năm gắn bó với biên cương, gần gũi với đồng bào, Thượng tá Nguyễn Xuân Linh nhận ra rằng, trách nhiệm của người lính Biên phòng không chỉ là xây dựng, quản lý và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia mà còn hơn như thế.

Còn Thượng tá Phan Thành Hoàng, Đồn trưởng vốn đã có nhiều năm gắn bó với mảnh đất biên cương này. Anh từng là Trạm trưởng, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, với nhiều chương trình hỗ trợ người dân như "Ánh sáng vùng biên" (hỗ trợ bản La Lay lắp đường điện chiếu sáng), tặng quà, đỡ đầu các gia đình khó khăn trên địa bàn. Trong một chuyên án phòng, chống tội phạm, Thượng tá Phan Thanh Hoàng đã bị thương và được Nhà nước công nhận là thương binh, bởi vậy bà con nhân dân trên địa bàn ai cũng thương anh, coi anh như người thân, như 1 phần của bản làng. Lần này trở lại với cương vị người đứng đầu đơn vị, Thượng tá Phan Thanh Hoàng càng thêm có điều kiện để giúp đỡ người dân trên địa bàn.

Buổi chiều hôm ấy, đứng trên sảnh nhà chỉ huy, chúng tôi nhìn Thượng tá Phan Thanh Hoàng và Thượng tá Nguyễn Xuân Linh đi ngoài sân vừa đi vừa khoác vai nhau như 2 người bạn thân, rủ rỉ trao đổi gì đó. Đã đi nhiều nơi, chúng tôi biết rằng, sự đoàn kết, thống nhất của người chỉ huy luôn là yếu tố hàng đầu để đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Và, ở đây là minh chứng cụ thể, rõ nét. Suốt thời gian qua, các anh đã tích cực kết nối với các nhà hảo tâm, mạnh thường quân để tặng hàng nghìn suất quà gồm gạo, nhu yếu phẩm, bánh kẹo, quần áo ấm và tiền mặt góp phần chia sẻ với khó khăn của người dân. Đặc biệt, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay đã đầu tư nhiều sinh kế, mô hình phát triển kinh tế với mong người dân có nhiều cơ hội thoát nghèo.

Hằng năm, trên địa bàn 2 xã A Ngo, A Bung nhiều cặp vợ chồng trẻ tách hộ để tự lập cuộc sống riêng. Tuy nhiên, trên 80% số gia đình trẻ này đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, trong đó, cái thiếu cơ bản và cấp thiết nhất chính là kiến thức khoa học, tư liệu sản xuất và vốn đầu tư ban đầu để khởi nghiệp. Mặc dù vấn đề này đã được các cấp quan tâm, nhiều dự án hỗ trợ nhưng do nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan nên nhiều hộ chưa tiếp cận và hưởng lợi từ các dự án. Mô hình “Dê giống khởi nghiệp” của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay được hình thành và hoạt động theo phương thức luân chuyển từ gia đình này đến gia đình khác sau khi đàn dê con đủ thời gian tách mẹ.

Tháng 9-2020, đoàn viên, thanh niên trong đơn vị đóng góp được hơn 12 triệu đồng để mua 4 con dê giống. Đoàn thanh niên đơn vị phối hợp cùng Đoàn thanh niên 2 xã A Ngo, A Bung giao 2 con dê giống cho gia đình anh Hồ Văn Thuở (thôn A Đeng, xã A Ngo) và 2 con dê giống cho gia đình anh Hồ Cu Roái (ở thôn A Bung, xã A Bung) và hỗ trợ cách chăm sóc, phối giống, phòng ngừa dịch bệnh. Sau một thời gian, gia đình anh Roái, anh Thuở đã có đàn dê của riêng mình và những con dê giống lại tiếp tục giúp các gia đình đoàn viên trẻ khác “khởi nghiệp”.

Mùa xuân của tình hữu nghị

Có một điều đặc biệt là từ lâu cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay đã không còn lạ gì với người dân bản La Lay A Sói (huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào). Sau quãng thời gian dịch Covid-19 bùng phát, người dân càng hiểu hơn giá trị những gì mà những người lính Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay dành cho bà con nơi đây. Chỉ vào những bao gạo cất trong góc nhà, bà Căn Nhật nói: “Sau trận lũ lịch sử năm 2020, đường mương nước dẫn về ruộng của bản La Lay A Sói đã bị hư hỏng. Nước không về, 14ha ruộng cũng không trồng cấy được, người dân đứng trước nguy cơ thiếu đói. Đầu năm 2022, ngay khi chính phủ Lào mở cửa, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay phối hợp với chính quyền bản La Lay A Sói giúp người dân sửa chữa đường mương nước và người dân đã trồng cấy được trở lại. Không có BĐBP Việt Nam giúp thì không có những bao gạo này”.

Không chỉ nguồn nước tưới tiêu mà nước sinh hoạt của bà con bản La Lay A Sói cũng khan hiếm, không đảm bảo, khiến cho sinh hoạt của bà con còn gặp nhiều khó khăn, bệnh tật thường xuyên. Chủ trương xây dựng công trình nước sạch cho bà con bản La Lay A Sói đã nhận được sự đồng tình nhóm thiện nguyện ở thị xã Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ngày Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay khánh thành và bàn giao công trình giếng nước sạch là ngày vui nhất của bà con bản La Lay A Sói. Nước được bơm sẵn lên bồn inox, các bà, các mẹ chỉ cần đến xả đầy can rồi gánh về nhà. Ai cũng mừng vì không còn phải men theo những con dốc chênh vênh xuống khe lấy nước.

Đối với cô gái nhỏ Hồ Thị Nghin, các chú Biên phòng đã trở thành người thân ruột thịt. Tháng 11 vừa qua, Hồ Thị Nghin được giải thưởng cuộc thi Kỷ vật kể chuyện do Đại sứ quán Lào phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào, Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức. Câu chuyện về chiếc xe đạp của những người lính Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay làm lay động nhiều độc giả và Ban tổ chức cuộc thi. Nhờ chiếc xe đạp ấy đã giúp cô học trò nghèo vượt qua quãng được hơn chục cây số đến trường để thực hiện ước mơ. Hồ Thị Nghin chia sẻ: “Em được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay nhận đỡ đầu theo Chương trình Nâng bước em đến trường từ năm 2016. Nhà em nghèo lắm, bố mẹ đau ốm, các chị gái người thì mất vì không có thuốc chữa bệnh, người thì phải bỏ học lấy chồng sớm. Thế nên, việc cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay hỗ trợ 500 ngàn đồng mỗi tháng, chưa kể khi thì gạo, khi thì nhu yếu phẩm đã giúp em có thêm động lực để đến trường. Em sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ công”.

Đất nước Lào đang bước vào mùa khô, đồng khô cỏ cháy dần lấn át màu xanh cây cối thế nhưng với người dân bản La Lay A Sói, dường như vẫn đang hiện hữu quanh đây mùa của sự sinh sôi khi dòng nước vẫn tuôn trào và tình đoàn kết hữu nghị như cây đời xanh tươi./.

0 nhận xét: