CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023

Cần nhận diện, triệt tiêu “căn bệnh” lơ mơ, thờ ơ, “nhạt Đảng” của đảng viên

 

Để hình thành mầm mống, hiểm họa “giặc nội xâm”, một nguyên nhân là bởi những đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, đã rời xa lý tưởng của Đảng, phẩm chất của người đảng viên, đánh mất mình để rồi chỉ nhăm nhăm thu vén lợi ích cá nhân, nhóm nhỏ. Chặn đứng thứ “giặc” ấy là điều bắt buộc phải làm và đó cũng là một trong những giải pháp chung trước mắt để chữa trị dứt điểm các “căn bệnh” này.

Nguyên nhân chung của “giặc nội xâm”: Buông lỏng quản lý.

Phải khẳng định ngay rằng, phòng, chống tham nhũng là một quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta được xác định ngay từ ngày đầu lập nước, thể hiện trong các nghị quyết, văn kiện,... và cụ thể hóa thông qua các văn bản pháp luật. Đặc biệt, những năm gần đây, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không ngừng được Đảng, Nhà nước ta đẩy mạnh với quyết tâm cao. Báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Bộ Chính trị (2012-2022), hồi cuối tháng 7-2022, nêu rõ: Có 37 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý hình sự, trong đó từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay là 21 cán bộ... Trong 10 năm qua, riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ. Trong đó, Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc, các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án/1.083 bị cáo với mức án rất nghiêm khắc gồm tuyên phạt 10 bị cáo với 11 án tử hình, 25 bị cáo với 26 án tù chung thân, 13 bị cáo 30 năm tù, 28 bị cáo từ 20 đến dưới 30 năm tù... Cũng theo thống kê, từ ngày 1-7-2012 đến ngày 31-3-2022, qua kiểm tra, giám sát, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.741 tổ chức đảng, 167.748 đảng viên. Trong số này, có 7.393 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái...

Đáng buồn thay, con số thống kê chưa dừng lại ở đó. Ngay sau Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Bộ Chính trị, từ đầu tháng 8 đến nay, đã có thêm những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý tiếp tục “nhúng chàm”, điển hình là việc Cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Xuân Thăng - cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương - để điều tra nghi vấn những sai phạm liên quan đến vụ Công ty Việt Á “thổi giá” kit xét nghiệm COVID-19 vào ngày 17-9. Tiếp đó, ngày 27-9, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết đang điều tra vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố... Tính đến nay, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam tổng cộng gần 20 bị can trong vụ chuyến bay “giải cứu”. Những người này gồm các lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và giám đốc một số doanh nghiệp. Trong đó, người giữ chức vụ cao nhất tại thời điểm bị khởi tố là ông Tô Anh Dũng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Những con số thống kê lạnh lùng ấy, dù khô khan nhưng làm nhói đau mỗi người tiếp cận. Tham nhũng như một thứ “giặc”, một căn bệnh trầm kha, quái ác gặm nhấm, bào mòn, phá hoại đất nước. Nhưng những con số ấy cũng cho thấy một điều rằng, từ phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, công tác điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Quá trình “chống giặc”, “trị bệnh” đó là bắt buộc, là thể hiện quyết tâm chính trị rất cao để loại bỏ những ung nhọt trong “cơ thể” đất nước, góp phần duy trì, giữ vững niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, từng bước hóa giải những mối nguy hại đe dọa sự tồn vong của chế độ. Điều ấy cũng là sự cảnh tỉnh, răn đe cần thiết, đủ sức nặng đối với bất kỳ đảng viên nào, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, trước khi mắc phải những “căn bệnh” như đã nêu trong loạt bài này.

Một số giải pháp chung trước mắt

Khi chúng ta đã “bắt bệnh” được, cùng việc tìm ra những nguyên nhân của nó, có thể đưa ra những “phác đồ điều trị” theo các cấp độ khác nhau, với từng loại “bệnh”. Có thể nhanh chóng, cũng có khi lâu dài, cần sự quyết tâm cao độ, niềm tin sắt son, bản lĩnh vững vàng mới có thể “tự soi”, “tự sửa”, cùng sự giúp đỡ của tổ chức, tập thể để rồi tự tin không sa vào con đường lầy thụt, tối tăm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tự đánh mất mình. Muốn vậy, có thể để ý một số giải pháp sau.

Một là, tự bản thân mỗi đảng viên cần nhận diện, hiểu rõ những sự lơ mơ, sơ sài về sự hiểu biết của mình để rồi đặt ra lộ trình tự học tập, nghiên cứu, cùng sự chỉ đạo, quán triệt, bồi dưỡng, kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy có giải pháp, lộ trình khắc phục những lỗ hổng kiến thức một cách bài bản, khoa học, có mục tiêu trước mắt, lâu dài một cách cụ thể, xuyên suốt, để sự nhận thức của đảng viên về pháp luật của Nhà nước, Điều lệ và các quy định của Đảng không còn lơ mơ, sơ sài, sai lệch. Giải pháp này hết sức quan trọng, bắt buộc, bởi tự mình nhìn ra, khắc phục sẽ tránh khỏi những cái tự nguy hiểm là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tự đánh mất phẩm chất của người đảng viên để rồi đánh mất chính mình. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với giáo dục đạo đức, pháp luật cho đảng viên. Trong đó coi trọng giáo dục đảng viên gương mẫu, đi đầu trong đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với tăng cường ý thức chấp hành Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước và kỷ luật, kỷ cương. Song song đó, cần thường xuyên tổ chức giáo dục, định hướng nhận biết cho đảng viên, nhất là đảng viên trẻ, thấy được tính chất, mức độ nguy hiểm của biểu hiện những “căn bệnh” này đối với yêu cầu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị và đối với vai trò tiền phong của người đảng viên.

Hai là, cần quyết liệt chống bệnh hình thức, mất tập trung dân chủ trong Đảng của đảng viên nắm giữ chức vụ, quyền hạn - nguyên nhân căn bản, sâu xa của bệnh buông lỏng quản lý, chuyên quyền, độc đoán, không lắng nghe những ý kiến phản biện của đảng viên, khiến đảng viên phai nhạt lý tưởng, nhụt chí, “nhắm mắt làm ngơ” dẫn đến tình trạng vô cảm, “nhạt Đảng”, thậm chí “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Có một điểm chung đáng buồn đó là nguyên nhân chính của hầu hết các vụ kỷ luật suốt 10 năm qua mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiến hành, đó là việc “vi phạm tập trung dân chủ, buông lỏng quản lý lãnh đạo”. Nguyên nhân sâu xa, đó chính là do nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ mang tính hình thức, đó chính là tình trạng dân chủ hình thức. Điều đó khiến việc thảo luận, tranh luận thường một chiều, ít có sự phản biện, nhiều khi xem nhẹ việc lắng nghe, góp ý của đảng viên, của cấp dưới. Khi môi trường không bảo đảm được dân chủ thực chất, nhiều cán bộ, đảng viên không dám góp ý, sợ bị trả thù bằng nhiều hình thức khác nhau... Điều ấy cũng khiến không ít đảng viên ngày càng trở nên bàng quan, thờ ơ, vô cảm, “nhạt Đảng”...

Ba là, cần đổi mới cách thức sinh hoạt Đảng, cả định kỳ cũng như chuyên đề, để nội dung ngắn gọn, thiết thực với điều kiện thực tiễn tại đơn vị, chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ đắc lực cho công tác chuyên môn, giúp mỗi đảng viên cũng như cả tập thể phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ đặt ra. Như thế, vô hình trung đã chứng tỏ sự lãnh đạo xuất sắc của tổ chức đảng, cũng như người đứng đầu cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng. Mặt khác, phải làm tốt công tác định hướng, hướng dẫn nhận thức, hướng dẫn đấu tranh, phản bác, phê phán các biểu hiện của những “căn bệnh” đã liệt kê trong loạt bài này ở một bộ phận đảng viên tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Cấp ủy, cán bộ, các tổ chức ở các cấp, các ngành cần thống nhất nhận thức trong việc bàn và tổ chức thực hiện triệt để, thường xuyên có nền nếp; có kiểm tra, đánh giá và đưa vào tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên và tiêu chí bình xét thi đua khen thưởng hằng năm ở đơn vị mình.

Bốn là, tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên, bởi việc kiểm tra, giám sát trong Đảng chính là công cụ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Muốn vậy, các cấp ủy đảng và ủy ban kiểm tra các cấp cần quán triệt sâu sắc nội dung các nghị quyết, chỉ thị và hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát; chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng với trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao, với tinh thần toàn diện, kiên quyết, kiên trì, thực sự dân chủ. Không thể để bất cứ cán bộ, đảng viên nào nằm ngoài sự kiểm tra của tổ chức, sự giám sát của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân, ở bất cứ đâu, trên bất cứ phương diện hoạt động, trên lĩnh vực công tác và địa bàn sinh sống nào... Đồng thời, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, không có ngoại lệ cho bất cứ ai trong việc chấp hành và thực thi kỷ luật của Đảng, cơ bản và trước hết là Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Năm là, tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Đặc biệt, các “lỗ hổng” về thể chế cần được tiếp tục phát hiện và xử lý, từ đó dần thiết lập cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để mọi cán bộ “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần, không muốn tham nhũng”. Trong đó, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Có như thế, chúng ta mới có thể “nhốt quyền lực” vào trong cái “lồng cơ chế” là kỷ luật của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước. Và trong cuộc chiến gian khổ, trường kỳ này không có chỗ cho sự buông lơi, thiếu ý chí, quyết tâm, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Có quyết tâm, quyết liệt, triệt để trên tinh thần thượng tôn pháp luật mới không để dẫn đến nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, sự phát triển lành mạnh, công bằng, vững chắc của đất nước.

0 nhận xét: