CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2023

NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ CHÍNH SÁCH QUỐC PHÒNG VIỆT NAM TRƯỚC ÂM MƯU KẺ THÙ

             Đất nước ta đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, nên Việt Nam luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của các quốc gia khác trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc gia khác bằng biện pháp hoà bình. Đồng thời, Việt Nam cũng đòi hỏi các quốc gia khác phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các quyền lợi quốc gia của mình. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Điều này cũng được khẳng định rõ trong chính sách quốc phòng Việt Nam - đó là nền quốc phòng mang tính chất chính nghĩa, hoà bình và tự vệ, với chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước khác; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Tuy nhiên, để thực hiện âm mưu đen tối, dã tâm thâm độc, nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị không từ bất cứ thủ đoạn nào để xuyên tạc, bôi nhọ chính sách quốc phòng Việt Nam. Chúng lợi dụng các điểm mới trong đường lối, chính sách về quốc phòng, an ninh của Đảng, Nhà nước ta, nhất là trong Luật Quốc phòng 2018, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 để đưa ra bình luận, quy chụp thiếu căn cứ về nguyên tắc “bốn không”; tư vấn, góp ý, kiến nghị Việt Nam nên thiết lập, tham gia các liên minh quân sự nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng để bảo vệ đất nước. Chúng cho rằng, chính sách quốc phòng Việt Nam đã lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình hiện nay; chủ trương “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là Việt Nam đã “từ bỏ dùng vũ lực trong bảo vệ đất nước”, là “tự trói tay, chân mình”, “tự cô lập mình”, tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn trong bảo vệ Tổ quốc, không phù hợp với tình hình thực tế, đi ngược lại xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.

Với mục đích chống phá của các thế lực thù địch là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh và “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, làm cho lực lượng vũ trang xa rời mục tiêu, lý tưởng, mất phương hướng chính trị; xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng về công tác quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, nhất là “thế trận lòng dân”; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm tạo ra sự nghi ngờ, gây tâm lý hoang mang, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào đường lối lãnh đạo, cách thức giải quyết sự việc liên quan đến quốc phòng, an ninh của Đảng, Nhà nước ta. Đồng thời, truyền bá tư tưởng, lối sống phương Tây vào Quân đội, làm cho cán bộ, chiến sĩ mơ hồ, mất cảnh giác, từng bước tác động làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, xa rời bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc và phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Sự thật phía sau sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động đối với chính sách quốc phòng Việt Nam đó là:

Thứ nhất, đây chính là mưu đồ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, nhất là Quân đội, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa, làm thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam.

Thứ hai, xét về bản chất, mục đích chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động là không hề thay đổi, nhưng âm mưu, thủ đoạn, sách lược ngày càng tinh vi, xảo quyệt và trắng trợn hơn.

Thứ ba, dưới chiêu bài “thư ngỏ”, “góp ý, hiến kế” xuất phát từ “lòng yêu nước, vì chủ quyền dân tộc”, góp phần cho “tiếng nói lương tri của con dân đất Việt”, các thế lực thù địch, phản động đang tìm mọi cách dẫn dắt, hướng lái Việt Nam tham gia các liên minh quân sự, dần đi sâu vào quỹ đạo lệ thuộc, tiến tới thay đổi chế độ chính trị, xã hội.

Thứ tư, chúng kích động, gieo rắc tâm lý hoài nghi trong nhân dân, lừa bịp, dẫn dắt dư luận, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm sút lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và gay gắt hơn. Nhiều nước tăng ngân sách quốc phòng, đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, tăng cường năng lực quân sự với những thế hệ vũ khí mới, các loại hình tác chiến mới dẫn đến chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt hơn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn, nhất là trên Biển Đông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến xung đột. Trong nước, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hoà bình”, kích động ly khai, bạo loạn lật đổ; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nhằm chống phá nước ta ngày càng công khai, quyết liệt và trực diện... đặt ra cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc yêu cầu mới khó khăn, phức tạp hơn.

Quan điểm nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là: Việt Nam xây dựng sức mạnh quốc phòng dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa; củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, sức mạnh quân sự để xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Thực tiễn cho thấy, Việt Nam luôn nỗ lực thực thi đúng đắn chính sách quốc phòng đã đề ra với đường lối quốc phòng, quân sự độc lập, tự chủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, tạo sức mạnh bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đồng thời, tích cực thực hiện cam kết trở thành quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Như vậy, cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định nhất quán quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quốc phòng phù hợp với truyền thống lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, có tính nhân văn sâu sắc; được công khai, minh bạch nhằm tăng cường sự hiểu biết, xây dựng lòng tin của các quốc gia với Việt Nam. Thực hiện chủ trương này là cơ sở để chúng ta tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.

Theo đó, để nhận diện rõ, vạch trần các âm mưu, thủ đoạn chống phá, xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cần thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, làm rõ sự cần thiết, tính đúng đắn, khoa học của chính sách quốc phòng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Hai là, tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Ba là, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc

Bốn là, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phát triển đất nước

Hiện nay, cùng với thực thi chính sách quốc phòng “bốn không”, Việt Nam cũng chủ trương thực hiện “bốn tránh”: tránh xung đột về quân sự; tránh bị cô lập về kinh tế; tránh bị cô lập về ngoại giao; tránh bị lệ thuộc về chính trị. Đây là hệ thống đồng bộ các quan điểm, chính sách chiến lược của Đảng, Nhà nước ta về quốc phòng và đối ngoại nhằm tạo lập và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

0 nhận xét: