Cùng với vấn đề “dân chủ”, “nhân
quyền”, “dân tộc”, các thế lực thù địch đang lợi dụng vấn đề “tôn giáo” để tạo
sự chống phá đa diện nhằm vào Đảng và chế độ ta. Mục đích của việc lợi dụng vấn
đề này là để kích động, gây rối, phá hoại, gây mất ổn định chính trị-xã hội,
chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hãy cảnh giác, đấu tranh làm thất bại
mưu đồ đen tối đó!
Có thể dẽ dàng nhận thấy rằng,
trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tôn giáo là lĩnh vực nhạy cảm, dễ thu
hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế. Đây cũng là lĩnh vực dễ bị lợi
dụng vào các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định
chính trị – xã hội. Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo.
Hoạt động lợi dụng tôn giáo và vấn
đề tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị
- xã hội là hoạt động hết sức nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khối đại
đoàn kết toàn dân tộc, gây chia rẽ giữa các tôn giáo, giữa tôn giáo với chính
quyền, giữa quần chúng giáo dân và những người không theo tôn giáo, tạo ra những
yếu tố phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ thành xung đột xã hội. Trên thực tế,
đã xảy ra một số vụ mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ nhân dân có liên quan tới
tôn giáo do tác động bởi hoạt động nói trên. Sự ổn định chính trị - xã hội ở một
số nơi, một số lúc đã bị ảnh hưởng. Do đó, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu
quả với hoạt động này có vai trò quan trọng trong toàn bộ công tác tôn giáo
cũng như bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội ở Việt Nam.
Với chủ trương “tôn trọng tự do
tín ngưỡng, tôn giáo” của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, tình hình
tôn giáo ổn định, đời sống tôn giáo có những biến đổi sâu sắc cả về số lượng lẫn
phạm vi hoạt động, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng, bảo đảm.
Các tổ chức tôn giáo được công nhận xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo
phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Cơ quan chức
năng làm tốt công tác hướng dẫn, quản lý, từng bước đưa hoạt động tôn giáo đi
vào nền nếp, đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn
dân tộc.
Cần khẳng định rằng, bản chất của
Tôn giáo chân chính là luôn hướng con người đến chân - thiện - mỹ, tức là đến
những giá trị tốt đẹp nhất của con người. Đức Phật, Đức Giê-su hay Đức Chúa Trời…
không bao giờ răn dạy các tín đồ của mình phải làm điều ác, trái với đạo đức,
luân thường, đi ngược lại với các quy định của pháp luật. Các đức tin của các
Tôn giáo đều có chung khát vọng dẫn đường cho con người tu tập, thực hành giáo
lý, xây dựng cuộc sống hạnh phúc, xã hội phồn vinh, hướng con người đến với sự
tốt đẹp, sống đoàn kết, lương thiện và thương yêu nhau.
Ngay trong Giáo luật Công giáo
cũng đã khẳng định: “Không biến mình thành một lực lượng chính trị vì như thế
là sai với bản chất và sứ mạng của Giáo hội”. Hay trong Hiến chương của Giáo hội
Phật giáo Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là
điều hòa, hợp nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước để hộ trì hoằng
dương phật pháp và tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần
xây dựng hòa bình, an lạc cho thế giới”. Nhìn tổng thể thì trong suốt chặng đường
lịch sử đã qua, tín đồ, chức sắc chân chính của các Tôn giáo ở Việt Nam đã,
đang đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quyên góp hàng
ngàn tỷ đồng xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tích cực tham gia các
phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Qua các
phong trào này đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu là tăng ni, phật tử
có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý.
Mỗi tín đồ tôn giáo cũng đồng thời
là công dân Việt Nam, khi thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cần phải
thực hiện nghĩa vụ công dân trên cơ sở pháp luật, không tôn giáo nào được phép
đứng ngoài hoặc đứng trên lợi ích quốc gia, dân tộc. Pháp luật Việt Nam nghiêm
cấm lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh chính trị, TTATXH, vi phạm quyền và lợi
ích hợp pháp của Nhà nước và công dân hay lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để trục
lợi phi pháp, trái thuần phong mỹ tục, trái đạo đức, trái giáo lý. Và chắc chắn
những kẻ lợi dụng tôn giáo để thực hiện hành vi phi tôn giáo, làm ô danh tôn
giáo, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật. Mỗi
chức sắc, tín đồ và người dân hãy đề cao cảnh giác, kịp thời tố giác, ngăn chặn
hành vi của các đối tượng lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật; đó cũng là
phương cách để bảo vệ chính mình, bảo vệ xã hội và chính là bảo vệ các tôn giáo
chân chính đang hoạt động bình thường trên đất nước Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét