Xưa nay, ông cha
ta thường răn dạy, phải biết “mang ơn, ghi nhớ” khi được quan tâm, giúp đỡ và rằng
phải dám “nhận sai, sửa đổi” khi phạm lỗi lầm, khuyết điểm. Nhiều vị vua anh
minh trong lịch sử cũng tự hạ mình nhận lỗi khi có sai lầm, thiếu sót trong
chính sự; Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng thay mặt Đảng, Chính phủ thẳng thắn
“nhận sai lầm”, “khuyết điểm” và quyết tâm sửa sai trước Quốc hội và nhân dân về
một số thiếu sót trong cải cách ruộng đất, thể hiện sự khiêm tốn, “chí công vô
tư”, bản lĩnh của người cộng sản chân chính. Biết nhận sai chính là “tự phê
bình và phê bình”, đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn sự trong sạch,
niềm tin cho cơ quan, tổ chức, là nét ứng xử văn hóa tốt đẹp trong truyền thống
dân tộc.
Tiếc rằng, hiện
nay, nhiều người vì danh, lợi mà sẵn sàng “phủi sạch” trách nhiệm, dù sai sót,
hậu quả đã rành rành. Khi thiếu liêm sỉ, danh dự, người ta dễ “thờ ơ, vô cảm”
trước chính những lỗi lầm của bản thân. Một số cán bộ, đảng viên không những có
thói quen giấu giếm, chối bỏ, phủ nhận sai phạm, khuyết điểm, mà khi bị “lộ”, lại
còn thiếu thành khẩn, thậm chí sẵn sàng đổ lỗi cho người khác. Chưa hết, nhiều
người còn cậy thế, thách thức tổ chức, dư luận, gây mất đoàn kết, bất ổn trong
nội bộ, cơ quan, đơn vị.
Ấy vậy là, nét văn
hóa “nhận sai” tốt đẹp đó dường như nay vẫn là “của hiếm”!
Nguyên nhân là từ
đâu? Trong một số cơ quan, đơn vị, cấp dưới thường có thái độ e dè, ngại va chạm
với cấp trên, nhiều khi thấy lãnh đạo làm sai cũng không dám can ngăn, sợ bị hiểu
lầm là “chống đối”, nên “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, sợ ảnh
hưởng tới lợi ích bản thân. Một số người khi ở cương vị lãnh đạo, quản lý, mỗi
khi ra quyết định thường có xu hướng cho rằng, ý kiến của mình là nhất, từ đó,
áp đặt mọi người phải làm theo ý mình, không chịu lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp
lý của người khác. Kể cả khi biết sai, họ cũng không dám nhận sai, vì lo sợ
trách nhiệm hay sợ bị đánh giá yếu kém.
“Nhân vô thập
toàn”, con người ta không ai hoàn hảo, không có khiếm khuyết, sai lầm. Điều
quan trọng là thái độ ứng xử của bản thân trước những những khuyết điểm, sai lầm
ấy, biết thực tâm nhận lỗi, sửa sai đúng hoàn cảnh, đúng thời điểm.
Để có được đội ngũ
cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, có lẽ trong mỗi người cán bộ, đảng viên không thể
thiếu được một phẩm chất, đó là “dám nhận sai”. Nhận sai để mạnh mẽ đứng lên
làm cho đúng! Khi đó dân mới tin và tổ chức đảng, chính quyền mới thêm mạnh,
thêm vững./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét