Xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử chính
là một thủ đoạn phá hoại về tư tưởng của các thế lực thù địch nhằm mục đích làm
mất lòng tin của các thế hệ đối với truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Thời gian qua, các thế lực thù địch
thông qua một số trang mạng xã hội với hình thức đăng tải video clip, tổ chức
bình luận theo chuyên đề, kể chuyện lịch sử để xuyên tạc các sự kiện lịch sử
dân tộc, qua đó, trực tiếp chống phá, tung ra những luận điệu trắng trợn, mục
đích nhằm “nhuộm đen” truyền thống của dân tộc. Chúng lật lại những thông tin,
sự kiện cũ, những suy diễn, xuyên tạc bằng “cái nhìn mới” để kích thích người
nghe, người xem; trong đó, chúng vẫn luôn tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận
giá trị, ý nghĩa sự kiện Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945
thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo,
mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, đất nước Việt
Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mãi
mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt
Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà
nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt
Nam; kết thúc hơn hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít.
Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm
chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở
thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một
Đảng cầm quyền.
Cách mạng Tháng Tám được tiến
hành trong bối cảnh quốc tế có những thuận lợi nhất định. Chủ nghĩa phát xít Đức,
Ý, Nhật đã bị đánh bại, phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức
và của các lực lượng tiến bộ trên thế giới phát triển mạnh. Các thế lực
thù địch cho rằng Việt Minh đã nhanh tay cướp lấy thành quả của đồng minh chống
phát xít, khi quân đồng minh chưa kịp vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật. Giáo
sư - Tiến sĩ Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát
triển cho rằng: Dù yếu tố quốc tế, yếu tố khách quan có quan trọng đến đâu
thì người ta cũng không được phép cường điệu nó. Bằng chứng có thể thấy là thời
cơ lịch sử thuận lợi ấy được mở ra như nhau cho các dân tộc ở Đông Nam Á, thế
mà ở Đông Dương chỉ có nhân dân Việt Nam đem sức ta giải phóng cho ta, giành được
chính quyền, tuyên bố được độc lập. Thế thì phải khẳng định yếu tố chủ quan là
quan trọng nhất. Thứ hai, mổ xẻ cho sâu hơn, lúc đó không chỉ có lực lượng yêu
nước cách mạng tập hợp dưới ngọn cờ đại nghĩa của Mặt trận Việt minh do Đảng Cộng
sản Đông Dương lãnh đạo, còn có giáo phái Cao Đài, có Việt Nam phục quốc đồng
minh hội, Việt Nam quốc dân Đảng và nhiều lực lượng khác thế nhưng họ đã không
thể tập hợp được lực lượng và họ đã không giành được chính quyền. Như vậy, yếu
tố chủ quan quan trọng nhất ở đây chính là sự quy tụ đại nghĩa dân tộc dưới ngọn
cờ duy nhất đó là ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh. Cái gì đã dẫn đến cái đó,
chính là đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Việc họ xuyên tạc lịch sử Cách mạng
Tháng Tám là muốn phủ nhận ý nghĩa, tính chất chính đáng của việc Việt Nam
tuyên bố độc lập và giành chính quyền để hướng tới âm mưu lật đổ chế độ, thực
chất đây là mưu đồ chính trị của những người bất mãn với chế độ chính trị của
Việt Nam. Mục tiêu của các thế lực thù địch là hình thành một thế hệ có
suy nghĩ đòi xét lại lịch sử, trong đó có nhiều thành phần “lật sử”, “trở cờ”
ngay trong các chính thể đó. Vì vậy, chúng ta cần biết tiếp nhận thông tin,
không vội cả tin mà phải suy xét, đối chứng các cứ liệu lịch sử, Có như vậy mới
đánh bại ý đồ “nhuộm đen” tinh thần, “nhuộm đen” tư tưởng của các tầng lớp
cán bộ, đảng viên và Nhân dân của các thế lực thù địch.
Xuyên tạc, phủ nhận lịch sử, thực
chất là trò hề lặp lại của những kẻ cơ hội chính trị, với hy vọng hão huyền rằng:
nói nhiều sẽ quen tai, rồi chuyển sai thành đúng. Nhưng, lịch sử chỉ có một, sự
thật cũng chỉ có một, các sự kiện lịch sử trọng đại không thể vì những lời lẽ
xuyên tạc, phủ nhận của một số cá nhân mà mất đi giá trị đích thực của nó.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét