CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2023

H3 - TÁC HẠI CỦA THAM NHŨNG


Tham nhũng đe dọa sự ổn định chính trị, tham nhũng và những tác động của nó được ví như dịch bệnh nguy hiểm có thể phá vỡ bất kỳ thể chế chính trị nào. Một đảng cầm quyền còn để xảy ra tham nhũng thì nguy cơ mất quyền là rất cao vì phải chịu nhiều áp lực cả về chính trị lẫn xã hội. Tham nhũng gây ra tác hại rất nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế. Tham nhũng làm chậm nhịp độ phát triển kinh tế, phá vỡ những chiến lược và kế hoạch phát triển, gây thiệt hại vật chất rất lớn cho nhà nước và người dân. Tham nhũng làm sai lệch sự lựa chọn chính sách; làm suy giảm các lực lượng cạnh tranh vốn có của thị trường, thị trường ít tính cạnh tranh hơn vì các doanh nghiệp mới và nhỏ bị cản trở bởi tham nhũng, đến mức họ sẽ không tham gia vào được thị trường. Mặt khác tham nhũng thường đi kèm với chi tiêu công cộng dành cho y tế và giáo dục thấp hơn và như vậy nó làm cho người nghèo ít có cơ hội tham gia vào thị trường.

Tham nhũng còn liên kết với các tội phạm khác, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm kinh tế, tội phạm tẩy rửa tiền làm thất thoát và sử dụng sai trái một phần quan trọng nguồn lực các quốc gia, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ổn định chính trị và phát triển bền vững của các nước đó. Tham nhũng xâm phạm, thậm chí làm thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội, tha hoá đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Tham nhũng không chỉ phát sinh ở trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai… mà còn có xu hướng lan sang các lĩnh vực từ trước tới nay ít có khả năng xảy ra tham nhũng như: văn hoá, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao… Hơn thế, tham nhũng còn xâm phạm những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, khi người thực hiện hành vi tham nhũng có khi là giáo viên, bác sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội - những người xây dựng đời sống, nền tảng tinh thần cho xã hội./.

0 nhận xét: