Một
trong những âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch,
phản động là xuyên tạc chính sách của Nhà nước ta về ngân sách hoạt động quốc
phòng, phủ nhận thành tựu của nền công nghiệp quốc phòng, hạ thấp vị trí, vai
trò và khả năng bảo vệ tổ quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam, gây tâm lý hoang
mang trong nhân dân. Mới đây trang Rfavietnam.org, Đài RFA đã tán phát bài
“Việt Nam không đặt thêm đơn hàng lớn nào về vũ khí trong năm 2023”. Đây là
luận điệu sai trái, xuyên tạc hết sức nguy hiểm cần phải lên án và bác bỏ, bởi
vì:
Nâng
cao năng lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình thực sự là đòi hỏi
tất yếu khách quan của mỗi quốc gia, dân tộc. Xây dựng và phát triển công
nghiệp quốc phòng, an ninh vững mạnh về mọi mặt được Đảng ta xác định là “nhiệm
vụ cơ bản, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu
dài; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân”. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn là sự nghiệp sống còn của mỗi quốc gia.
Việt Nam đã trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh tự vệ nên thấu hiểu sự tàn phá
và hậu quả của chiến tranh. Vì vậy, Việt Nam luôn chủ trương chi ngân sách nhà
nước cho quốc phòng ở mức hợp lý, xây dựng quân đội, xây dựng tiềm lực quốc
phòng đủ mạnh để tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc độc lập,
chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc. Hiện nay, Quân đội
nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc
phòng toàn dân, xung kích ứng phó với nhiều thách thức an ninh phi truyền
thống, đặc biệt là công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, ứng phó với
đại dịch Covid-19; cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên
hợp quốc, bước đầu đạt nhiều thành tựu nổi bật, được cộng đồng quốc tế tôn
vinh, ghi nhận.
Tăng
cường khả năng quốc phòng, đương nhiên không thể thiếu hiện đại hóa vũ khí,
trang thiết bị quân sự. Tuy nhiên, Việt Nam luôn chủ trương chỉ tập trung hiện
đại hóa vũ khí, trang bị quân sự để phục vụ mục đích bảo vệ Tổ quốc. Nền quốc
phòng của Việt Nam là nền quốc phòng mang tính chất hòa bình và tự vệ. Tăng
cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, cho nên, Việt Nam chủ trương tăng
cường khả năng quốc phòng bằng nội lực trong điều kiện, khả năng của mình,
không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước
kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để
chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan
hệ quốc tế. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, thì trong hơn 10 năm gần
đây, sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có sự thay đổi căn bản, đã hình
thành khả năng triển khai quân sự để bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, công nghiệp quốc
phòng Việt Nam cơ bản bảo đảm tốt nhu cầu của lực lượng vũ trang, nhất là về vũ
khí thông thường và một số loại vũ khí công nghệ cao.
Trong
bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện như hiện nay,
đặc biệt hội nhập quốc tế về công nghiệp quốc phòng được xác định là một kênh
không tách rời của quá trình hội nhập quốc tế, thì xây dựng, phát triển công
nghiệp quốc phòng hiện đại là tất yếu khách quan, phù hợp với xu hướng phát
triển công nghiệp quốc phòng thế giới. Để sẵn sàng đối phó thắng lợi với vũ khí
công nghệ cao của địch nếu xảy ra chiến tranh trong tương lai, bên cạnh yếu tố
chính trị, tinh thần, con người và các yếu tố khác cấu thành sức mạnh tổng hợp
của quốc gia, việc làm chủ các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, tiên tiến,
hiện đại là yêu cầu cấp thiết, khách quan. Chính vì vậy, ngay trong các nghị quyết
chuyên đề của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng ở
các giai đoạn trước đây cũng đã xác định chủ trương và nhiệm vụ phát triển tiềm
lực khoa học – công nghệ của công nghiệp quốc phòng Việt Nam, phấn đấu thực
hiện một số nhiệm vụ trọng điểm mang tính đột phá, mũi nhọn để tiếp cận và làm
chủ được các ngành công nghệ mới liên quan tới chế tạo vũ khí. Tập trung đầu tư
sản xuất thành công các chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại và chiến
lược, trong đó có những chủng loại “Made in Việt Nam” đạt trình độ tiên
tiến, hiện đại tương đương so với thế giới và khu vực để đáp ứng yêu cầu hiện
đại hóa Quân đội. Chúng ta cần ưu tiên ứng dụng hiệu quả các công nghệ nền
tảng, các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, thực hiện “đi
tắt, đón đầu” trong một số lĩnh vực công nghệ quân sự đặc thù để tạo chuyển
biến bước ngoặt về năng lực thiết kế – chế tạo các sản phẩm có tính đột phá về
tính năng chiến thuật – kỹ thuật. Ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, lưỡng
dụng, tiến tới làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi trong nghiên cứu, thử
nghiệm, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật có hàm lượng công nghệ cao.
Phát
triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại. Công
nghiệp quốc phòng là một bộ phận của công nghiệp quốc gia, vừa sản xuất phục vụ
nhu cầu tiêu dùng quân sự, vừa tham gia sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng dân
dụng. Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới vào nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản
phẩm quốc phòng, đồng thời sản xuất các sản phẩm dân sinh cũng như đẩy mạnh
phát triển, chuyển giao một số công nghệ cho công nghiệp dân sinh. Phát triển
công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng sẽ khai thác tốt tiềm năng, phát
huy tốt nội lực trong xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng để đáp ứng
đồng thời các yêu cầu của quốc phòng – an ninh và yêu cầu của công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước. Qua đó, giảm bớt sự phụ thuộc, đa dạng hóa việc tiếp cận
công nghệ, nguồn lực trong quá trình thực hiện các mục tiêu chiến lược đã đề
ra. Tăng cường chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết, hợp tác cùng nghiên
cứu phát triển mẫu vũ khí mới, hợp tác về đào tạo nhân lực, phát triển thị
trường quốc tế và xây dựng thương hiệu, xuất khẩu sản phẩm quân sự, lưỡng dụng
và sản phẩm kinh tế. Tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu trong phân công chuyên
môn hóa sản xuất, trước hết là các sản phẩm kinh tế và lưỡng dụng. Như thế, vừa
đáp ứng yêu cầu tăng cường khả năng quốc phòng để làm tròn nghĩa vụ bảo vệ Tổ
quốc, vừa góp phần phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ đời sống nhân dân.
Như
vậy, chúng ta có thể thấy chính sách quốc phòng nói chung và định hướng chi
tiêu cho quốc phòng, hiện đại hóa trang bị của quân đội; thành tựu của nền công
nghiệp quốc phòng và khả năng bảo vệ Tổ quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam là
hết sức rõ ràng và hiệu quả. Sự hiệu quả ấy là minh chứng xác đáng phản bác mọi
luận điệu xuyên tạc, vu cáo, phủ nhận thành tựu của nền công nghiệp quốc phòng
và khả năng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của Quân đội nhân dân Việt Nam của
các thế lực thù địch./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét