Có thể nói, C.Mác là người đầu tiên
trong lịch sử triết học “phát hiện ra quy luật cơ bản chi phối sự vận động và
phát triển của lịch sử loài người”. V.I.Lênin khẳng định: “Chủ nghĩa duy vật
lịch sử của Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Một lý luận
khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã thay cho sự lộn xộn và sự tùy tiện,
vẫn ngự trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị”. Khi
nói về giá trị, tính khoa học và bản chất cách mạng của học thuyết Mác,
V.I.Lênin đã khẳng định rằng, toàn bộ giá trị của học thuyết Mác là ở chỗ, lý
luận đó về bản chất là một lý luận có tính chất phê phán và cách mạng. Bất cứ
sự quan tâm nào về xã hội, lịch sử đều có thể tìm thấy trong học thuyết Mác
những cơ sở khoa học cho lời giải đáp.
Trong
các tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, “Sự khốn cùng của triết học”, “Tuyên ngôn của
Đảng Cộng sản”, đặc biệt là bộ “Tư bản”, C.Mác xuất phát từ phương thức sản
xuất để nghiên cứu sự vận động, biến đổi, phát triển và quy luật của lịch sử. Ở
đó, phương thức sản xuất được hiểu là sự vận động của lực lượng sản xuất và
quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất vật chất. Đó còn là sự
liên kết các lĩnh vực vào một thể thống nhất, tạo nên tính toàn vẹn và tính cụ
thể đặc trưng của một xã hội.
Nội
dung này được thể hiện tập trung trong học thuyết hình thái kinh tế-xã hội.
Bằng phạm trù hình thái kinh tế-xã hội, C.Mác đã thực hiện sự phân kỳ lịch sử
qua những giai đoạn phát triển khác nhau với những đặc trưng cơ bản, thể hiện
tính gián đoạn trong sự bao hàm, sự thay thế nhau một cách tất yếu, hợp quy
luật các giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội loài người.
Học
thuyết hình thái kinh tế-xã hội lần đầu tiên cung cấp những tiêu chuẩn thực sự
duy vật, khoa học cho việc phân kỳ lịch sử, giúp con người hiểu được logic
khách quan của quá trình tiến hóa xã hội. Nó vạch ra sự thống nhất của lịch sử
trong cái muôn vẻ của các sự kiện ở những quốc gia, dân tộc khác nhau trong các
thời kỳ khác nhau. Bằng việc phát hiện ra những quy luật khách quan của sự phát
triển xã hội, lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng nhân loại, C.Mác đã chỉ ra
cho giai cấp vô sản và nhân loại tiến bộ toàn thế giới những con đường và biện
pháp hiện thực để tự giải phóng khỏi ách áp bức về mặt xã hội và tạo
ra những điều kiện, tiền đề cho một cuộc sống thật sự mang tính người trong xã
hội cộng sản.
Mục
đích của quan niệm duy vật về lịch sử là chứng minh tính tất yếu ra đời của chủ
nghĩa cộng sản. Với nhãn quan của một nhà triết học, chính trị với tinh thần
nhân đạo, yêu thương con người và yêu tự do vô hạn, ngay trong những tác phẩm
đầu tiên khi xây dựng Chủ nghĩa Mác, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra tư tưởng về
xây dựng một thế giới cho sự phát triển của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia, dân tộc
và toàn thế giới. Thông qua sự phân tích tất yếu kinh tế, C.Mác và Ph.Ăngghen
đã làm rõ cơ sở thực sự của các chế độ xã hội, thể chế chính trị và tính chất
bất công về mặt xã hội nảy sinh từ tất yếu kinh tế và những phương thức để giải
quyết các mâu thuẫn xã hội thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của lịch sử.
P.T.H.H2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét