CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2024

KLL - QUAN ĐIỂM BẢO VỆ ĐẢNG CHÍNH TRỊ CỦA LÊNIN

 

Kể từ lúc ra đời cho đến nay, học thuyết Mác - Lênin luôn vấp phải sự “ghen ghét, đố kỵ” của các thế lực thù địch và những kẻ chủ nghĩa cơ hội. Chúng điên cuồng phá hoại chủ nghĩa Mác - Lênin; ra sức tác động, làm suy yếu của tổ chức đảng cộng sản từ bên trong. Vì thế, Ph.Ăngghen đã chỉ ra: “chủ nghĩa cơ hội biến chủ nghĩa Mác thành một thứ “chủ nghĩa Mác” bị xuyên tạc méo mó”. Thực chất của các luận điệu này là thù địch của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng sẵn sàng hy sinh lợi ích cơ bản, để đạt lợi ích trước mắt; chủ trương hành động vô nguyên tắc: phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng.

          Vào đêm trước của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, trên báo Người vô sản, số 10, ngày 6 tháng 9 năm 1917, V.I.Lênin đã viết bài “Một vụ săng-ta chính trị” nhằm đấu tranh chống lại bọn săng-ta chính trị, mục đích của bọn phản động này là: bịa đặt, dọa dẫm, vu khống Đảng và các lãnh tụ của Đảng, đặc biệt là phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, nền tảng tư tưởng của Đảng. 

          Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, bảo vệ Đảng trong những thời khắc vô cùng khó khăn khi mà các lực lượng đối lập, thù địch bôi nhọ Đảng, chia rẽ Đảng với quần chúng nhân dân, giai cấp công nhân với nông dân và trí thức, V.I.Lênin đã viết: “Chúng ta tin tưởng ở đảng, chúng ta thấy ở đó trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta”. 

          Trước “phút giao thừa” của cuộc cách mạng, quyết tâm “bảo vệ năng lực công tác của đảng ta, bảo vệ các lãnh tụ của đảng”. V.I.Lênin đã kêu gọi toàn thể đảng viên nâng cao nhận thức, cảnh giác trước các âm mưu chia rẽ nội bộ và hãy đoàn kết, siết chặt đội ngũ, tin tưởng vào tư cách của một đảng chân chính cách mạng và bảo vệ nền tảng chủ nghĩa Mác, bảo vệ các lãnh tụ của Đảng.

          Theo V.I.Lênin, Đảng là một khối đoàn kết thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. V.I.Lênin đặc biệt quan tâm tới sự đoàn kết, thống nhất trong điều kiện Đảng cầm quyền, cho rằng bất cứ sự bất đồng nào, ngay cả sự bất đồng không đáng kể, cũng có thể trở thành nguy hiểm về mặt chính trị. Đây là nguồn gốc của sự chia rẽ trong nội bộ, tự nó phá hoại sức mạnh của Đảng. 

          Người xác định, muốn bảo vệ Đảng, trước hết phải đoàn kết, thống nhất về tư tưởng, chính trị và tổ chức trong Đảng. Sự đoàn kết, thống nhất ở đây không phải là xuôi chiều, cả nể mà phải trên cơ sở thường xuyên và nghiêm túc tự phê bình và phê bình để khắc phục sai lầm và khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Người cho rằng, chuyên chính vô sản không thể thực hiện được nếu không có sự đoàn kết nhất trí của những người lao động và “công khai thừa nhận sai lầm” của một đảng là tiêu chí quan trọng để đánh giá xem đảng đó có thật sự là đảng mácxít hay không hoặc “cần phải để cho tất cả các đảng viên được hết sức tự do phê bình các cơ quan trung ương và công kích các cơ quan trung ương”. Sự đoàn kết, thống nhất trong đảng phải dựa trên cương lĩnh, điều lệ, đường lối, chính sách của Đảng, là sự đoàn kết có nguyên tắc trên cơ sở lợi ích chung của đất nước, dân tộc và giai cấp.

          V.I.Lênin cho rằng, muốn tự bảo vệ mình, Đảng phải gắn bó chặt chẽ với quần chúng, kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa và khắc phục bệnh quan liêu, xa rời quần chúng; phải được sự ủng hộ của chính giai cấp. Đây là vấn đề luôn được V.I.Lênin lưu ý đối với chính đảng cách mạng trong quá trình lãnh đạo, cầm quyền, muốn trở thành một đảng dân chủ - xã hội.

          Cách tiếp cận khoa học và cách mạng của V.I.Lênin về bảo vệ Đảng phù hợp với sự vận động, biến đổi của thực tiễn lịch sử. Cách tiếp cận và tư tưởng của V.I.Lênin về bảo vệ Đảng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là một đóng góp to lớn cả về lý luận và thực tiễn. Đây là cơ sở lý luận khoa học, thực tiễn quan trọng cho việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

P.T.H.H2

0 nhận xét: