Ngày 8 tháng 9 năm 2017 trên trang
danlambaovn.blogspot.com có bài viết “Há miệng mắc quai” của tác giả Phạm
Trần. Bài viết thể hiện cái nhìn phiến diện, thiếu khách quan, toàn diện cố
tình xuyên tạc sự thật về mối quan hệ Việt Nam- Trung Quốc, xuyên tạc đường lối
đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của Việt
Nam trên trường quốc tế.
Thực tế cho thấy, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đã có
những bước phát triển mới, là mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Việt
Nam và Trung Quốc có quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống lâu đời, mặc dù
trong lịch sử có những lúc thăng trầm, nhưng hợp tác và hữu nghị vẫn là dòng chảy
chính trong quan hệ hai nước. Hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc đều trong thời kỳ
rất quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, sự phát triển của mỗi
bên đều là cơ hội cho bên kia; giữa hai Đảng, hai nước có rất nhiều lợi ích
chung. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực hiện nay diễn biến sâu sắc,
phức tạp, Việt Nam và Trung Quốc đều phải tăng cường hơn nữa, duy trì và phát
triển tình hữu nghị truyền thống do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông,
các lãnh đạo tiền bối hai nước và nhân dân hai nước qua nhiều thời kỳ đã dày
công vun đắp.
Trong những năm qua, quan hệ hai Đảng, hai nước phát
triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Về hợp tác chính trị, giao lưu, trao
đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai nước diễn ra thường xuyên; từ Đại hội XVIII của Đảng
Cộng sản Trung Quốc đến nay, hằng năm đều có một lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc
thăm Việt Nam, nhiều lãnh đạo của Việt Nam đã thăm Trung Quốc. Những chuyến
thăm này có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng quan hệ hai Đảng, hai nước. Hai
bên cũng thiết lập và bổ sung nhiều cơ chế quan trọng về hợp tác song phương,
như cơ chế gặp gỡ hằng năm giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, Ủy ban chỉ đạo hợp
tác song phương và gần 50 cơ chế hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa các bộ,
ngành, địa phương. Hợp tác kinh tế - thương mại hai nước cũng phát triển hết sức
mạnh mẽ và thực chất, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Trong
13 năm liền, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam; trong
khi đó, Việt Nam ngày càng trở thành đối tác kinh tế - thương mại quan trọng của
Trung Quốc, năm 2016 đã vượt Ma-lai-xi-a, trở thành đối tác thương mại hàng đầu
của Trung Quốc trong các nước ASEAN.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại
Việt – Trung tăng hơn 1.800 lần, từ 32 triệu USD (1991) lên gần 60 tỷ USD
(2014), từ năm 2004, Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Kim ngạch thương mại song phương năm 2014 đạt 58,78 tỷ USD Bên cạnh đó, giao
lưu nhân dân rất mật thiết và phong phú với nhiều hình thức khác nhau như giao
lưu hữu nghị giữa thanh niên hai nước; gặp gỡ hữu nghị giữa các địa phương hai
nước…
Hai bên cũng hợp tác giải quyết tốt những vấn đề biên
giới lãnh thổ, tăng cường hợp tác quản lý đường biên giới trên bộ, quản lý các
cửa khẩu, thực hiện các hiệp định, văn kiện liên quan biên giới trên bộ cũng
như vịnh Bắc Bộ. Với nỗ lực của hai bên, đường biên giới Việt Nam và Trung Quốc
thật sự trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác. Đối với
vấn đề trên biển, hai bên duy trì trao đổi thường xuyên về những vấn đề còn
khác biệt. Quan trọng nhất là lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí hai bên cần
dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng,
hai nước; thông qua đàm phán hữu nghị, tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài
mà hai bên chấp nhận được trong vấn đề Biển Đông. Trong quá trình tìm kiếm giải
pháp cuối cùng, hai bên cần kiềm chế, không có bất kỳ hành động nào làm phức tạp
thêm tình hình, mở rộng tranh chấp; cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định trên biển.
Đồng thời, Việt Nam và Trung Quốc phải cùng ASEAN thực hiện toàn diện, đầy đủ
Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm tiến tới xây dựng Bộ Quy
tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông góp phần
duy trì môi trường quốc tế, khu vực hòa bình, ổn định với sự phát triển của mỗi
nước, góp phần vào duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, lợi dụng một số vấn đề còn bất đồng, tranh
chấp về chủ quyền biển đảo giữa ta và Trung Quốc trên biển Đông, Phạm Trần đã cố
tình xuyên tạc cho rằng chúng ta quá lệ thuộc vào Trung Quốc. Sự thật mà Phạm
Trần cố tình lờ đi, đó là giữa ta và Trung Quốc hai bên đã ký kết “Thỏa thuận về
những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”
(2011), làm cơ sở cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Theo đó, hai bên nhất
trí kiên trì giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế,
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần DOC. Trên cơ sở thỏa thuận
này, hai bên đã thành lập cơ chế đàm phán cấp chuyên viên về khu vực ngoài cửa
Vịnh Bắc Bộ và cơ chế đàm phán cấp chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít
nhạy cảm trên biển. Đến nay, sau các vòng đàm phán, hai bên đã đạt một số kết
quả gồm, nhất trí thành lập Tổ chuyên gia kỹ thuật khảo sát chung phục vụ công
tác phân định và hợp tác cùng phát triển tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ; nhất
trí chọn ra 03 dự án trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển để nghiên cứu và triển
khai thí điểm, gồm: Dự án về hợp tác trao đổi, nghiên cứu về quản lý môi trường
biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Dự án về nghiên cứu
so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông
Trường Giang và Dự án về phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và
Trung Quốc. Trong quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều
có thể chấp nhận được, hai bên đã thành lập và đưa vào hoạt động Nhóm công tác
bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ Đoàn đàm phán cấp
Chính phủ về Biên giới lãnh thổ Việt Nam – Trung Quốc (2013) nhằm nghiên cứu và
bàn bạc về các giải pháp mang tính quá độ, không ảnh hưởng lập trường và chủ
trương của mỗi bên, bao gồm vấn đề hợp tác cùng phát triển”. Tuy nhiên, giải
quyết việc tranh chấp trên biển là vấn đề lịch sử, phức tạp, lâu dài khi xem
xét cần phải kiên trì, bản lĩnh, tỉnh táo, tránh nóng vội chủ quan. Hai bên đã
nhất trí giải quyết trên tinh thần nhìn từ tầm cao chiến lược, vì lợi ích của
nhân dân hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế và quan hệ hữu nghị, truyền thống,
không để ảnh hưởng đến sự phát triển, ổn định của mối quan hệ hai nước.
Tóm lại, những vấn đề mà Phạm Trần nêu ra trong bài viết
của mình bộc lộ sự nhận thức phiến diện, thiếu khách quan, không có cơ sở, cố
tình xuyên tạc mối quan hệ Việt – Trung và đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ
cũng như quan điểm về giải quyết mâu thuẫn, bất đồng trên biển Đông của Đảng và
Nhà Nước ta hiện nay. Do vậy, chúng ta cần hết sức cảnh giác trước những luận
điệu xuyên tạc của Phạm Trần./.
Doan.V.Nghĩa-Ksp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét