CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

CHIẾN THẮNG CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC Ở BIÊN GIỚI TÂY NAM: BÀI HỌC CHO CÔNG CUỘC BẢO VỆ CHỦ QUYỀN ĐẤT NƯỚC

Kết quả hình ảnh cho CHIẾN THẮNG CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC Ở BIÊN GIỚI TÂY NAM: BÀI HỌC CHO CÔNG CUỘC BẢO VỆ CHỦ QUYỀN ĐẤT NƯỚC
(Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng)
Kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng (07/01/1979 - 07/01/2019), Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng, có bài viết nhan đề: "CHIẾN THẮNG CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC Ở BIÊN GIỚI TÂY NAM: BÀI HỌC CHO CÔNG CUỘC BẢO VỆ CHỦ QUYỀN ĐẤT NƯỚC”.
Trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tướng Ngô Xuân Lịch.
Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, rút ra những bài học kinh nghiệm quý để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN); đồng thời tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã cống hiến, hy sinh xương máu làm nên chiến thắng vẻ vang này.
Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia có chung khát vọng được sống trong hòa bình, độc lập, tự do để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Thế nhưng ngay sau khi lên cầm quyền ở Campuchia vào tháng 4/1975, tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary đã phản bội lại nhân dân Campuchia, phản bội lợi ích dân tộc, thâu tóm quyền lực, tước đoạt mọi thành quả cách mạng, thi hành hàng loạt chính sách đối nội, đối ngoại cực kỳ phản động, hiếu chiến và tàn bạo.
Ở trong nước, chúng tước đoạt quyền tự do, dân chủ của nhân dân, biến họ thành những người nô lệ; thi hành chính sách diệt chủng đối với trí thức, tôn giáo, người dân tộc thiểu số, Việt kiều và đảng viên, công chức, binh lính không đi theo đường lối phản động của chúng... Trong thời gian Pol Pot cầm quyền, chúng đã giết hại hàng triệu người vô tội, đặt dân tộc Campuchia bên bờ diệt vong và đe dọa nghiêm trọng an ninh của các nước trên bán đảo Đông Dương. Đất nước Campuchia xinh đẹp trở thành đống đổ nát, hoang tàn, biệt lập, chết chóc và đau thương.
Không chỉ thi hành chính sách diệt chủng dã man, tàn bạo đối với đồng bào mình, được các thế lực phản động quốc tế giật dây, giúp sức, tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary đã thay đổi thái độ với Việt Nam, ra sức xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, kích động hằn thù dân tộc, đòi hoạch định lại biên giới, coi Việt Nam là “kẻ thù số một”, “kẻ thù truyền kiếp”.
Từ năm 1975 đến 1978, chúng trắng trợn mở nhiều cuộc tiến công xâm lấn, đánh chiếm các đảo, biên giới nước ta với quy mô, tần suất ngày một gia tăng, gây nên hàng loạt cuộc thảm sát đẫm máu đối với nhân dân ta dọc biên giới Việt Nam-Campuchia. Hành động của tập đoàn Pol Pot đã xâm phạm thô bạo độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, gây tổn hại cho mối quan hệ giữa hai nước.
Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, Đảng, Nhà nước ta một mặt chỉ đạo các quân khu, địa phương, đơn vị tăng cường chuẩn bị lực lượng và thế trận, kiên quyết đập tan các cuộc tiến công xâm lược của địch; mặt khác, kiên trì chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, tìm cách cứu vãn hòa bình, nhiều lần đề nghị đàm phán với Chính phủ Campuchia Dân chủ nhằm giải quyết những bất đồng.
Song, tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary không những cự tuyệt, khước từ mọi thiện chí của ta mà còn đẩy mạnh hoạt động chống phá, xâm lược Việt Nam. Được nước ngoài hỗ trợ về vũ khí, trang bị và cố vấn quân sự, tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Cuối năm 1978, chúng huy động 10 sư đoàn cùng vũ khí, trang bị, kỹ thuật về biên giới Tây Nam Việt Nam, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công xâm lược nước ta.
Trước tình hình đó, đầu tháng 12/1978, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm mở cuộc tổng phản công-tiến công chiến lược trên tuyến biên giới Tây Nam; đồng thời sẵn sàng phương án hỗ trợ các lực lượng vũ trang (LLVT) yêu nước Campuchia đánh đổ tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary, giành chính quyền về tay nhân dân.
Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, từ ngày 23/12/1978, bằng các đòn phản công, tiến công quyết liệt, quân và dân ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh đuổi quân Pol Pot ra khỏi lãnh thổ của Tổ quốc. Tiếp đó, đáp lại đề nghị của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và trên tinh thần quốc tế trong sáng, “giúp bạn là mình tự giúp mình”, Quân tình nguyện Việt Nam đã bất chấp mọi hy sinh, gian khổ, phối hợp với LLVT Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng tiến công giải phóng thủ đô Phnôm Pênh (7/1/1979) và toàn bộ đất nước Campuchia (17/1/1979).
Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã đập tan âm mưu, thủ đoạn thâm độc của tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary và các thế lực phản động quốc tế, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xóa bỏ chính quyền phản động Pol Pot-Ieng Sary, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi bờ vực của thảm họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự; chặn đứng mưu đồ chia rẽ truyền thống đoàn kết lâu đời của ba nước Đông Dương.
Chiến thắng ngày 7/1/1979 là thắng lợi chung của nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia; thắng lợi của tinh thần quốc tế cao cả, sự giúp đỡ vô tư, chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia. Quan hệ Việt Nam-Campuchia chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ phát triển hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước dựa trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, vì sự phát triển và phồn vinh của mỗi nước.
Đồng thời góp phần giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; vạch trần bản chất phản động của tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary, cảnh báo cho nhân loại nguy cơ xuất hiện chủ nghĩa diệt chủng, chủ nghĩa phát xít mới.
Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã để lại nhiều bài học kinh nghiêm quý trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.
Một là, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xâm lược của kẻ thù.
Nằm ở vị trí có ý nghĩa chiến lược trọng yếu cả về chính trị, quân sự, Việt Nam luôn là đối tượng nhòm ngó, xâm lược của các thế lực ngoại bang. Từ thực tế đó, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, đề cao cảnh giác đã trở thành ý thức thường trực của dân tộc ta. Để đất nước không bị bất ngờ, chúng ta luôn đề cao cảnh giác, đánh giá đúng tình hình, kịp thời phát hiện âm mưu, thủ đoạn của địch và đề ra phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xuất phát từ những nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, chúng ta chưa kịp thời đánh giá đúng bản chất, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; tư tưởng “xả hơi” sau hòa bình đã xuất hiện trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân...
Vì thế, thời gian đầu, quân và dân ta bị động, bất ngờ trong việc xác định đối tượng tác chiến, gặp khó khăn trước các đợt tiến công xâm lấn của đối phương. Sau khi nắm chắc tình hình, xác định đúng nguồn gốc, nguyên nhân, mục tiêu gây chiến tranh của kẻ thù, Đảng ta đã đề ra chủ trương, đường lối, mục tiêu chính trị của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia rất đúng đắn, sáng tạo.
Điều đó cho thấy, để đất nước không bị động, bất ngờ, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”.
Đặc biệt, trong tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp như hiện nay, càng phải mài sắc tinh thần cảnh giác cách mạng, sớm phát hiện, nhận rõ kẻ thù; xác định, đánh giá đúng đối tượng và đối tác trong từng thời điểm; chủ động chuẩn bị về tư tưởng, lực lượng, thế trận, sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược của địch, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Các đơn vị quân đội, nhất là cơ quan tham mưu chiến lược, phải quán triệt, nắm vững nghị quyết của Quân ủy Trung ương “Về nâng cao chất lượng tham mưu và dự báo chiến lược quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; chủ động phối hợp với các lực lượng, nhất là công an, ngoại giao để nắm chắc những biến động, dự báo chính xác tình hình trong nước, khu vực và trên thế giới, nhất là diễn biến trên Biển Đông, khu vực biên giới và trong nội địa. Trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước chủ trương, chính sách phù hợp nhằm kịp thời ngăn chặn, triệt tiêu nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ về chiến lược.
Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tích cực quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự Việt Nam, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất.
Xây dựng và nâng cao sức mạnh bảo vệ, tự bảo vệ của các cấp, các ngành, địa phương về mọi mặt, trước hết là về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Toàn quân, nhất là các đơn vị đóng quân ở vùng biên giới, biển, đảo phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu. Cơ quan quân sự địa phương các cấp phải phối hợp với lực lượng công an, biên phòng tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác quân sự, quốc phòng và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Hai là, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh, nhất là ở những địa bàn chiến lược, trọng điểm, biên giới, hải đảo.
Mục tiêu xuyên suốt của Đảng ta về xây dựng nền QPTD vững mạnh là tạo sức mạnh tổng hợp của đất nước, giữ vững hòa bình, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức và tạo thế chủ động cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính sách quốc phòng của ta là “hòa bình, tự vệ”.
Sau ngày đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng, Nhà nước ta đã chỉ đạo quân và dân cả nước tập trung xây dựng thế trận quốc phòng và an ninh (QPAN); triển khai lực lượng, thế trận phòng thủ, bảo vệ biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.
Tuy nhiên, thời gian đầu, do “việc bảo vệ biên giới chưa được tiến hành một cách chủ động và có hiệu quả theo một kế hoạch thống nhất, chặt chẽ, sức mạnh tổng hợp của các LLVT và của nhân dân địa phương chưa được phát huy mạnh mẽ”; một số đơn vị, địa phương chưa chủ động xây dựng khu vực phòng thủ và phương án tác chiến bảo vệ địa bàn, cơ sở cách mạng vùng căn cứ dọc biên giới Tây Nam không được củng cố... nên khi bị địch tiến công đã rơi vào thế bị động, lúng túng.
Từ năm 1977, nhất là sau khi có Nghị quyết của Hội nghị lần thứ tư (tháng 7-1978) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 4, nhờ phát huy được sức mạnh của LLVT ba thứ quân, xây dựng thế trận QPTD vững chắc, xây dựng được kế hoạch đánh địch tại chỗ và kế hoạch phối hợp tác chiến giữa các lực lượng, biết tập trung lực lượng hợp lý trên các khu vực trọng điểm, quân và dân ta đã đánh bại nhiều cuộc tiến công của địch, bảo vệ được chủ quyền đất nước.
Bài học này là cơ sở khẳng định, để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, ngay trong thời bình, quân và dân ta phải thường xuyên chú trọng xây dựng, củng cố thế trận QPTD vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng thế trận lòng dân và lực lượng tại chỗ, Bộ đội Biên phòng-lực lượng đầu tiên đối đầu với sự tiến công xâm lược của kẻ thù, trực tiếp bảo vệ biên giới, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; không ngừng bồi dưỡng và phát huy nhân tố chính trị-tinh thần, ưu thế hơn hẳn của sức mạnh quân sự, quốc phòng Việt Nam.
Đồng thời phải có kế hoạch phối hợp tác chiến cụ thể với lực lượng của cấp trên trong nhiều tình huống giả định khác nhau, ở từng khu vực.
Trong tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp như hiện nay, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần chủ động, tích cực tham gia xây dựng, củng cố thế trận QPTD trên địa bàn, nhất là ở địa bàn chiến lược, trọng điểm, biên giới, biển, đảo.
Cơ quan quân sự các cấp phải đề cao trách nhiệm, phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, tổ chức triển khai xây dựng thế trận QPTD vững mạnh. Trong quá trình thực hiện, phải thấu triệt quan điểm của Đảng về mục tiêu, yêu cầu xây dựng nền QPTD vững mạnh toàn diện cả về tiềm lực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, QPAN.
Các cấp, các ngành, các địa phương và LLVT cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, Luật Quốc phòng và nghị định của Chính phủ về công tác quân sự, quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ; chú trọng phát triển kinh tế-xã hội gắn với QPAN, xây dựng thế trận QPTD vững chắc gắn với thế trận an ninh nhân dân, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm theo hướng: Bảo đảm vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc QPAN, cần phải đặc biệt coi trọng xây dựng thế trận lòng dân vững chắc ngay từ cơ sở bằng các chủ trương, chính sách hợp lòng dân, qua đó tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN ở nước ta.
Ba là, chăm lo xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu ngày càng cao.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, nhờ phát huy cao độ nhân tố chính trị-tinh thần, ý chí, quyết tâm chiến đấu, sáng tạo trong tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận và cách đánh, LLVT ta, nòng cốt là Quân đội nhân dân đã đánh bại các cuộc tiến công xâm lược quy mô lớn của kẻ thù, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả.
QĐND Việt Nam đã làm tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, hòa mình, gắn bó với nhân dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân, không chỉ tô thắm thêm truyền thống Bộ đội Cụ Hồ mà còn được nhân dân Campuchia ca ngợi, tôn vinh, gọi là “Bộ đội nhà Phật”. Tuy nhiên, thời gian đầu, do bố trí lực lượng còn phân tán, chỉ huy nhiều nơi còn lỏng lẻo, cách đánh chưa phù hợp... nên LLVT ta gặp không ít khó khăn.
Hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, sự nghiệp xây dựng quân đội đang đặt ra những yêu cầu cao hơn. Sức mạnh của Quân đội ta là tổng hòa của nhiều nhân tố hợp thành, trong đó nội dung cơ bản được Đảng ta đặt lên hàng đầu là xây dựng nhân tố chính trị-tinh thần, xem đó là nền tảng để xây dựng, nâng cao sức mạnh tổng hợp và sức chiến đấu của quân đội.
Do đó, trước hết và quan trọng nhất là phải tập trung xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, không ngừng củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, vai trò chủ đạo của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong quân đội. Chăm lo xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ gắn gó máu thịt giữa quân đội với nhân dân; xây dựng, phát triển quan hệ đoàn kết, thống nhất, bình đẳng, yêu thương, giúp đỡ nhau như ruột thịt giữa cán bộ và chiến sĩ, cấp trên và cấp dưới; giữ vững nguyên tắc tập trung, dân chủ, đề cao kỷ luật tự giác nghiêm minh; xây dựng tinh thần quốc tế cao cả, “giúp bạn là mình tự giúp mình”...
Chăm lo xây dựng quân đội theo hướng: Tinh, gọn, mạnh, có sức cơ động cao; bảo đảm cân đối giữa các quân chủng, binh chủng, giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, giữa lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên.
Điều chỉnh thế bố trí lực lượng phù hợp trên các vùng, miền, nhất là các khu vực trọng điểm về QPAN, vùng biên giới, biển, đảo. Quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, chỉ lệnh về công tác huấn luyện, nhất là nghị quyết của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”; chú trọng diễn tập hiệp đồng quân-binh chủng, diễn tập cơ động và diễn tập khu vực phòng thủ, đáp ứng yêu cầu tác chiến mới, nhất là tác chiến trên biển, đảo.
Tập trung nâng cao năng lực tư duy phân tích, tổng hợp, đánh giá tình hình của đội ngũ cán bộ chiến dịch, chiến lược và năng lực tổ chức, chỉ huy, điều hành của đội ngũ cán bộ các cấp, tạo bước chuyển biến mới, vững chắc trong công tác huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu.
Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi chúng ta phải đẩy nhanh hơn nữa tiến trình hiện đại hóa, nhất là đối với các lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại: Hải quân, Phòng không-Không quân, Tác chiến điện tử, Thông tin liên lạc, Trinh sát kỹ thuật, Cảnh sát biển, cơ yếu và tác chiến không gian mạng; đẩy nhanh lộ trình thực hiện “từng bước hiện đại” ở các lực lượng khác; đồng thời đặc biệt quan tâm chất lượng, hiệu quả hoạt động tình báo chiến lược của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các lực lượng khác.
Tích cực xây dựng, triển khai Đề án “Bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng lục quân đến năm 2020 và những năm tiếp theo” theo hướng hiện đại. Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt nghị quyết của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.
Bốn là, nhạy bén nắm bắt tình hình thế giới, khu vực, tăng cường hợp tác, đối ngoại quốc phòng với các nước, nhất là các nước láng giềng.
Cùng với chủ trương phát huy cao độ sức mạnh nội lực, tinh thần độc lập, tự chủ, Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và không ngừng tăng cường, củng cố đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ từ bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh quốc tế, nội lực với ngoại lực tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù, giữ vững nền độc lập dân tộc.
Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan, chủ quan, sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta đã đánh giá không đúng mức về tương quan lực lượng trên thế giới cũng như trong khu vực; chưa thấy hết xu hướng đặt lợi ích quốc gia lên trên sự liên kết về ý thức hệ. Do đó, chúng ta bị bất ngờ, rơi vào thế bị động trước những diễn biến mới của thời cuộc.
Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hòi chúng ta phải luôn bám sát tình hình, vận dụng phương pháp khoa học để đánh giá đúng cục diện thế giới, đề ra đường lối, chính sách phù hợp phục vụ cho chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, phải nắm bắt, dự báo được các xu hướng trong quan hệ quốc tế, khu vực cũng như mục tiêu, lợi ích, ý đồ chiến lược của từng nước, nhất là các nước lớn; dành ưu tiên cho việc củng cố quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước láng giềng trên ba tầng nấc: Các nước có chung biên giới, các nước trong khu vực Đông Nam Á, các nước châu Á và Thái Bình Dương; đồng thời phải nhận thức sâu sắc quan điểm “Đông Dương là một chiến trường”, không ngừng tăng cường, giữ vững quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương.
Để góp phần khẳng định và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, ngăn chặn nguy cơ xung đột vũ trang, chiến tranh, cần có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi; quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.
Trong quan hệ đối ngoại, phải hết sức tỉnh táo, giữ vững nguyên tắc chiến lược, mềm dẻo, linh hoạt về sách lược; tích cực chuyển hóa đối tượng thành đối tác, gắn chặt lợi ích đối tác với lợi ích QPAN, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Thời gian tới, công tác đối ngoại quốc phòng cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác cả trên bình diện song phương và đa phương, toàn diện trên các lĩnh vực, tập trung vào những lĩnh vực thiết thực, đưa quan hệ, hợp tác quốc phòng đi vào chiều sâu, gia tăng mức độ đan xen lợi ích chiến lược với tất cả các nước, nhất là với các đối tác chiến lược, các nước láng giềng, các nước khu vực ASEAN; tránh xung đột, đối đầu hoặc để bị cô lập, phụ thuộc.
Hiện nay, tình hình biên giới vẫn còn một số tồn đọng phải giải quyết; tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thách thức.
Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực quản lý và bảo vệ tốt đường biên, mốc giới; tăng cường hợp tác với các nước láng giềng để hoàn thành việc phân định, cắm mốc biên giới trên bộ, trên biển, xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững; tích cực, chủ động tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên các vùng biển và tiếp tục triển khai các diễn đàn đàm phán để giải quyết các vấn đề trên biển với các nước có liên quan; đấu tranh với những vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền phù hợp với pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước LHQ Luật Biển năm 1982.
Đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, vận động, tổ chức kiều bào Việt Nam cùng tham gia bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, dựa vào luật pháp quốc tế và cơ chế, quy tắc khu vực; sẵn sàng thực hiện quyền tự vệ chính đáng khi chủ quyền, lợi ích quốc gia-dân tộc bị xâm phạm.
Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng, vẻ vang của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh đất nước.
Tự hào, biết ơn công lao và sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh, chúng ta phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc mọi diễn biến của tình hình, xác định rõ đối tượng, đối tác của cách mạng, tăng cường xây dựng, củng cố lực lượng và thế trận QPTD, gắn với thế trận an ninh nhân dân, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xâm phạm độc lập, chủ quyền của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đồng thời tiếp tục xây dựng, củng cố và tăng cường mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia vì hòa bình, độc lập dân tộc và sự ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

0 nhận xét: