Vấn đề tôn
giáo ở Việt Nam luôn là đề tài mà các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc,
chống phá từ trước tới nay. Mới đây, ngày
29-4, tại Washington DC, Ủy Hội quốc tế Hoa Kỳ về tôn giáo (USCIRF) đã công bố
Phúc trình thường niên về tự do tôn giáo thế giới, trong đó đã đưa ra những
nhận định thiếu khách quan về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Đặc
biệt, USCIRF cho rằng: “Vấn đề tự do tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam vẫn bị
xuống cấp nghiêm trọng; chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp mọi tôn giáo, thường
bắt giữ những người biểu tình ôn hòa để đòi hỏi tự do tín ngưỡng và tự do thờ
phượng, trong đó có những nhà hoạt động cho tôn giáo và nhân quyền; nhiều tổ
chức tôn giáo không được chính phủ công nhận và không được cấp giấy phép sinh
hoạt, điển hình như Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và vị lãnh đạo tinh
thần là hòa thượng Thích Quảng Độ…”. Luận điệu trên hoàn toàn xuyên tạc, không
đúng sự thật về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Vậy, khi các thế lực thù địch xuyên
tạc về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam chúng ta cần dựa vào những luận cứ sau để đấu
tranh.
Việt Nam là quốc gia
đa tín ngưỡng, đa tôn giáo
Việt Nam là một quốc gia đa tín
ngưỡng, đa tôn giáo, trong đó có 6 tôn giáo lớn, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin
lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo. Hằng năm, ở Việt Nam có khoảng 8.500 lễ hội
tôn giáo hoặc tín ngưỡng từ cấp quốc gia đến địa phương được diễn ra, các tín
đồ tôn giáo tự do thực hiện các nghi lễ tôn giáo, bày tỏ và thực hành đức tin
tôn giáo của mình. Năm 2017, Nhà nước đã công nhận hoặc cấp giấy chứng nhận
đăng ký hoạt động tôn giáo cho 41 tổ chức thuộc 15 tôn giáo với khoảng 25,3
triệu tín đồ, chiếm 27% dân số, 60.799 chức sắc, 133.662 chức việc, 27.916 cơ
sở thờ tự…
Đến ngày 1-11-2018, ở Việt Nam có 42
tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Hầu
hết, các tổ chức tôn giáo đã được công nhận đều có sự phát triển về số lượng
tín đồ, chức sắc nhà tu hành, đều tổ chức xây dựng mới hoặc tu bổ các cơ sở thờ
tự, các hoạt động tôn giáo đều tuân thủ theo giáo lý, giáo luật và trong khuôn
khổ quy định của Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn ban hành và thực hiện
tốt các chính sách bảo đảm tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, các tôn giáo đều
được đối xử công bằng trước pháp luật
Trong quá trình đổi mới, xây dựng
đất nước đến Đại hội XII, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định nhất quán quan
điểm: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan
tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều
lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp
luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời
chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín
ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt
động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật”.
Điều 24, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ:
“Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn
giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo
hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng,
tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Bên cạnh đó,
các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân còn được cụ thể hóa trong Bộ
luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Đất đai, Luật Giáo dục… Luật Tín
ngưỡng tôn giáo có hiệu lực ngày 1 tháng 1 năm 2018 và Nghị định 162/2017/NĐ-CP
đã khẳng định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật… cấm phân biệt
đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng tôn giáo.
Hành vi bị nghiêm cấm: cấm phân biệt
đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc hoặc cản trở người khác
theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo của
người khác; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi; các hoạt động
tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự,
an toàn công cộng, môi trường, xâm hại đạo đức xã hội, sức khỏe, tính mạng,
nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và
nghĩa vụ công dân…”.
Đồng hành với chủ trương, chính sách
phát triển kinh tế, xã hội nâng cao đời sống nhân dân, Nhà nước Việt Nam luôn
hoàn thiện các chính sách về tôn giáo, căn cứ quan trọng để các cơ quan Nhà
nước có thẩm quyền thực hiện đúng trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ và tạo mọi
điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu tinh thần trong hoạt động tín ngưỡng, tôn
giáo của nhân dân cũng như người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
Như vậy, Đảng, Nhà nước Việt Nam
luôn ban hành cơ sở pháp lý đảm bảo tôn trọng nhu cầu tinh thần tín ngưỡng, tôn
giáo của nhân dân, đảm bảo các tôn giáo đều được đối xử công bằng, bình đẳng
trước pháp luật.
Ông
Thích Quảng Độ tên thật là Đặng Phúc Tuệ, sinh năm 1927 tại huyện Tiền Hải,
tỉnh Thái Bình, đăng ký nhân khẩu thường trú tại chùa Thanh Minh Thiền Viện, số
90 Trần Huy Liệu, pường 15, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.
Trong
thời gian từ tháng 4-1977 đến tháng 12-1978, ông Thích Quảng Độ đã có thái độ
bất mãn, chống đối chính quyền nhân dân, dọa tự thiêu và lợi dụng việc tổ chức
“Đại giới đàn” để thuyết giảng, vu cáo chính quyền đàn áp Phật giáo, như: Ra
lời kêu gọi và kích động tăng, ni sinh sẵn sàng “tử vì đạo” nếu cần; đồng thời
nhân vụ sư cô Như Hiền uống thuốc tự vẫn, ông Thích Quảng Độ cùng một số đối
tượng khác tung tin sư cô Như Hiền chết để phản đối chính quyền. Do có những
hành vi tổ chức các hoạt động chống đối Nhà nước, ông Thích Quảng Độ đã bị bắt
giữ, truy tố trước pháp luật.
Tuy
nhiên, với chính sách nhân đạo, TAND TP Hồ Chí Minh đã khoan hồng, trả ông Độ
về Thanh Minh Thiền Viện. Nhưng cũng kể từ đó, ông Thích Quảng Độ công khai
chống lại chủ trương thống nhất Phật giáo toàn quốc và đã cùng một số đối tượng
chống đối trong cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” tiến hành
nhiều hoạt động nhằm cản trở việc chuẩn bị cho đại hội thống nhất Phật giáo
toàn quốc, duy trì các hoạt động mang danh nghĩa “Giáo hội Phật giáo Việt Nam
thống nhất”.
Do
đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định cấm ông Độ cư trú trên địa bàn; UBND
tỉnh Thái Bình cũng đồng thời ra quyết định buộc ông Độ cư trú tại chùa Đông
Xoài, tỉnh Thái Bình.
Tuy
nhiên, từ năm 1992, ông Thích Quảng Độ tự ý vào cư trú tại TP Hồ Chí Minh và
liên tục tiến hành các hoạt động chống đối, viết và phát tán nhiều tài liệu
xuyên tạc tình hình trong nước.
Nhân
danh cái gọi là “Viện trưởng Viện Hóa đạo – Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống
nhất”, ông Thích Quảng Độ đã ký, phát tán rộng rãi trong và ngoài nước hàng
chục loại tài liệu có nội dung đả kích, chống đối chế độ, yêu sách với Nhà nước
đòi phục hồi “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”...
Tháng
10-1994, ông Thích Quảng Độ cùng Đức Nhuận chỉ đạo Thích Không Tánh, Nhật Ban,
Hồng Ngọc, Nguyên Lý... thành lập cái gọi là “Tăng đoàn bảo vệ chánh pháp” và “Ban
Công tác Từ thiện xã hội – Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” để tiến hành
các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo, kích động tăng ni, Phật tử chống lại đường
lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Năm
1994, lợi dụng tình hình lũ lụt ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ,... ông Thích Quảng
Độ đã chỉ đạo một số đối tượng trong nhóm “Tăng đoàn bảo vệ chánh pháp” và “Ban
Công tác Từ thiện xã hội – Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” tổ chức cho
khoảng 150 tăng ni, phật tử trương cờ, băng rôn, khẩu hiệu mang danh “Giáo hội
Phật giáo Việt Nam thống nhất”..., lợi dụng việc cứu trợ để phô trương lực
lượng và tuyên truyền nhằm công khai hóa các hoạt động của “Giáo hội Phật giáo
Việt Nam thống nhất”.
Do
Thích Quảng Độ liên tiếp có những hành vi chống đối, ngang nhiên lợi dụng quyền
tự do tín ngưỡng để vi phạm pháp luật, nên tháng 1-1995, ông Độ đã bị bắt tạm
giam và tháng 8-1995, TAND TP Hồ Chí Minh đã xét xử, tuyên phạt Thích Quảng Độ
cùng nhóm của ông ta (Không Tánh, Đồng Ngọc, Nhật Thường, Trí Lực) 5 năm tù
giam và thời hạn quản chế 5 năm về tội phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng
quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước.
Tuy
nhiên, thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta, nhân dịp Quốc khánh
2-9-1998, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá, tha tù trước thời hạn cho ông
Thích Quảng Độ, trả về nơi cư trú cũ tại Thanh Minh Thiền Viện.
Song,
“ngựa quen đường cũ”, ngay sau khi về TP Hồ Chí Minh, ông Độ lại cùng Huyền
Quang, Đức Nhuận được sự hậu thuẫn của số chống đối cực đoan trong Phật giáo
người Việt lưu vong hải ngoại như Võ Văn Ái (ở Pháp), Hộ Giác và Viên Lý (ở
Mỹ)... lộ rõ bản chất chính trị phản động, đã công khai thách thức chống chính
quyền và pháp luật, kêu gọi phục hồi “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”.
Ông
Thích Quảng Độ cầm đầu, chỉ đạo số tay chân liên tục tiến hành các hoạt động
chống phá Nhà nước; trực tiếp liên lạc, trao đổi, cung cấp tài liệu thông tin
ra ngoài vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo; tổ chức, sắp xếp
nhân sự cho cái gọi là “Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất nhiệm kỳ
9” tại Tu viện Nguyên Thiều (tỉnh Bình Định) và giữ chức vụ “Viện trưởng Viện
Hóa đạo”.
Liên
quan đến việc Thích Quảng Độ nhân danh “Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPDVNTN” ký
quyết định bổ nhiệm Ban Đại diện Phật giáo một số tỉnh, TP phía Nam, trước đây,
khi trả lời báo chí, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định, việc làm của ông Thích
Quảng Độ là mạo xưng, không có giá trị pháp lý, trái với Hiến chương của Giáo
hội Phật giáo Việt Nam và trái với pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
“Giáo
hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” ra đời tháng 1-1964 tại Sài Gòn với sự hợp
nhất của 11 hệ phái, tổ chức Phật giáo ở miền Nam lúc bấy giờ. Tháng 11-1981,
các bậc tôn túc đứng đầu “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” đã cùng các
vị đứng đầu Phật giáo của 8 tổ chức Phật giáo khác tự nguyện gia nhập Giáo hội
Phật giáo Việt Nam.
Trong
lời nói đầu của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ghi rõ: Giáo hội Phật
giáo Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt
quan hệ ở trong nước và ngoài nước. Vì vậy, về mặt lịch sử cũng như pháp lý,
“Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” không còn tồn tại theo nguyên nghĩa là
một tôn giáo độc lập.
Như
vậy, việc USCIRF tiếp tục đưa ra những thông tin bị bóp méo, xuyên tạc, phản
ánh sai lệch tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là sự bịa đặt
trắng trợn.
Bản
chất của sự việc còn đi cùng sự hà hơi, hậu thuẫn, tiếp sức cho những công dân
Việt Nam vi phạm pháp luật núp dưới vỏ bọc “đấu tranh cho tự do tôn giáo”, “dân
chủ, nhân quyền”để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, chia rẽ
khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những nội dung USCIRF đưa ra về vấn đề tự do
tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, chỉ là những
luận điệu phiến diện cần bị phê phán.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét