Một trong những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” thâm độc của
các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta là tạo ra sự “tự diễn biến” “tự
chuyển hóa” từ trong nội nộ. Về bản chất, đây là một quá trình suy thoái từ bên
trong của lực lượng cách mạng, làm cho quá trình này ngày một trầm trọng, gây
ra sự rối loạn xã hội, từng bước chuyển hóa chế độ xã hội ở nước ta theo quỹ đạo
tư bản chủ nghĩa, thực hiện “không đánh mà thắng”.
"Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" do nhiều nguyên
nhân, một mặt, do tác động khách quan như: mặt trái của nền kinh tế thị trường,
hội nhập quốc tế; âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực
thù địch; mặt khác, là nguyên nhân chủ quan do một bộ phận cán bộ, đảng viên
thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Trong hai
nguyên nhân trên thì nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Đúng như V.I.Lênin đã căn
dặn: không ai có thể đánh đổ được chúng ta, trừ chính những sai lầm của chúng
ta. Như vậy, cần thống nhất nhận thức: phòng, chống "tự diễn biến",
"tự chuyển hóa", thực chất là phòng, ngừa, triệt tiêu nguyên nhân chủ
quan dẫn đến suy thoái, biến chất là vấn đề có ý nghĩa quyết định.
Hiện nay, tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ,
đảng viên có chức, có quyền, kể cả cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, rơi vào chủ nghĩa cơ hội, thực dụng
cá nhân, ích kỷ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc…; như Nghị quyết
Trung ương 4, khoá XII chỉ ra là những biểu hiện cụ thể của một bộ phận chủ thể
bị thoái hóa cũng là những biểu hiện cụ thể của nguy cơ "tự diễn biến",
"tự chuyển hoá" từ bên trong của lực lượng cách mạng. Do đó, "tự
diễn biến", "tự chuyển hóa" có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó chặt
chẽ với nhau; trong đó, phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển
hóa" trong nội bộ giữ vai trò quyết định thắng lợi của các cuộc đấu tranh
chống "diễn biến hòa bình".
Để phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"
cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên tất cả các lĩnh vực: chính trị,
kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh
và đối ngoại.
Trên lĩnh vực chính trị: việc đấu tranh bảo vệ, giữ vững nền tảng tư
tưởng của Đảng, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh là điều kiện tiên quyết. Toàn Đảng cần kiên trì tiến hành cuộc đấu tranh
phê phán hệ tư tưởng tư sản, tư tưởng xã hội - dân chủ, chủ nghĩa thực dụng. Cần
kiên quyết bảo vệ Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, đặc biệt là mục
tiêu, lý tưởng, con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn; phát triển
đường lối đổi mới theo định hướng XHCN. Đấu tranh bảo vệ nguyên tắc tổ chức và
hoạt động, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với các thành tố trong hệ thống
chính trị và nhân dân. Phê phán, bác bỏ các quan điểm tư tưởng và ý đồ thực hiện
chủ nghĩa đa nguyên chính trị, chế độ đa đảng đối lập cơ chế "tam quyền
phân lập" của nhà nước tư sản ở Việt Nam. Phát hiện kịp thời "ngọn cờ"
đối lập do các thế lực thù địch tạo dựng, những phần tử cơ hội, phản bội trong
bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang; xử lý kịp thời và nghiêm
minh theo pháp luật đối với các hoạt động phá hoại không để các thế lực thù địch
tạo dựng ngọn cờ tập hợp được lực lượng. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng,
hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp; xử lý đúng đắn các
mâu thuẫn nội bộ trong các tầng lớp nhân dân, không để tích tụ, tạo tâm lý bất
bình trong xã hội đối với các cơ quan công quyền. Triển khai có hiệu quả việc
thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII về xây dựng Đảng, kiên quyết đấu
tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng,
chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, cá nhân ích kỷ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô
nguyên tắc trong một bộ phận cán bộ, đảng viên... để chặn đứng nguy cơ thoái
hoá về chính trị, tư tưởng trong Đảng.
Trên lĩnh vực kinh tế, tập trung hoàn thiện thể chế kinh thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ,
có cơ cấu hợp lý, có sức mạnh nội sinh, bền vững; có khả năng cạnh tranh cao để
chủ động hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế; có khả năng đứng vững,
vượt qua được những biến động bất thường của nền kinh tế thế giới. Giải quyết
hài hoà mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ văn hoá, thực hiện
công bằng xã hội và tăng cường quốc phòng - an ninh, cần tiếp tục đấu tranh bảo
vệ những quan điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, đường lối đổi mới kinh tế của Đảng, đặc biệt là bảo vệ đường lối phát triển
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kịp thời phát hiện và đấu tranh
có hiệu quả với những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng các quan hệ kinh tế, các công cụ
và thiết chế tài chính tiền tệ quốc tế…
để chi phối, kiểm soát, khống chế, chuyển hoá nền kinh tế Việt Nam thành nền
kinh tế tư bản chủ nghĩa. Trong lĩnh vực này, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa
phát triển kinh tế và giữ vững phẩm chất đạo đức, tư cách của người cán bộ, đảng
viên, đặc biệt là cán bộ chủ trì lãnh đạo, quản lý kinh tế, không để chủ nghĩa
thực dụng, "chủ nghĩa đồng tiền" chi phối.
Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội, cần quyết tâm bảo vệ đường lối xây dựng
và phát triển văn hoá - xã hội của Đảng, chủ trương và chính sách văn hoá - xã
hội của Nhà nước; bảo vệ, xây dựng và phát triển hệ thống giá trị, những chuẩn mực
văn hoá, đạo đức xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tinh hoa truyền thống, bản sắc văn
hoá dân tộc. Chống lợi dụng mở cửa, giao lưu văn hoá để quảng bá, tuyên truyền,
phổ biến hệ thống giá trị, những chuẩn mực đạo đức, lối sống của phương Tây. Bảo
vệ đường lối, quan điểm, chủ trương và chính sách đổi mới giáo dục - đào tạo của
Đảng và Nhà nước; chống lợi dụng giao lưu về giáo dục - đào tạo để chuyển hoá
tư tưởng ý thức của giới trí thức, sinh viên, học sinh, thế hệ trẻ... Chống lợi
dụng mở cửa, đổi mới về kinh tế, văn hoá, xã hội ở Việt Nam để thúc đẩy biến đổi
cơ cấu xã hội - giai cấp theo mô hình xã hội phương Tây. Giải quyết đúng đắn, kịp
thời những mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân
tộc và sự đồng thuận giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội, các vùng, miền. Đẩy mạnh
cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu. Thực hiện tốt chính sách dân tộc,
tôn giáo; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các vùng chiến
lược, các địa bàn trọng yếu. Mở rộng dân chủ trong xã hội để tạo sự đồng thuận,
đoàn kết dân tộc, tôn giáo; chống chia rẽ, ly khai. Khi xuất hiện những
"điểm nóng" mâu thuẫn, xung đột xã hội, cần giải quyết, xử lý đúng đắn,
kịp thời, vừa "đạt lý" (trên cơ sở pháp luật), vừa "thấu
tình" (hài hoà với truyền thống, đạo lý dân tộc).
Trên lĩnh vực quốc phồng - an ninh và đối ngoại, tập trung bảo vệ đường
lối, quan điểm, chủ trương và chính sách quốc phòng - an ninh của Đảng và Nhà
nước; xây dựng lực lượng, tiềm lực, thế trận quốc phòng - an ninh vững mạnh. Giữ
vững bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang, đặc biệt là bản chất giai cấp
công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của Quân đội nhân dân và Công an nhân
dân. Xây dựng lực lượng vũ trang, đặc biệt là Quân đội và Công an vừa là lực lượng
chính trị, vừa là lực lượng quân sự, an ninh tuyệt đối trung thành với Đảng,
Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ mối quan hệ máu thịt giữa
Đảng, Nhà nước, nhân dân với Quân đội và Công an. Chống "phi chính trị
hóa" Quân đội và Công an; chống chia rẽ trong nội bộ lực lượng vũ trang.
Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chống địch cài cắm. Bảo vệ đường lối,
chủ trương chiến lược, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; phát triển
quan hệ song phương và đa phương phù hợp với lợi ích của đất nước; giữ vững độc
lập, tự chủ trong quan hệ đối ngoại; củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt
Nam với các nước láng giềng và khu vực, với các tổ chức quốc tế; tăng cường ảnh
hưởng, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế: giải quyết đúng đắn mối quan hệ
đối ngoại và đối nội, không để nước ngoài tạo cớ can thiệp. Giữ vững độc lập
dân tộc, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Giải quyết đúng đắn,
xử lý mềm dẻo những bất đồng tranh chấp với các nước láng giềng, trong khu vực
và quốc tế, kịp thời "tháo ngòi nổ" không để nước ngoài tạo cớ can
thiệp; đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Quản lý có hiệu quả hoạt động của các cơ
quan ngoại giao nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ (NGOs), các tổ chức quốc
tế tại Việt Nam.
T.H.H-H2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét