CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ TÌNH YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI TRONG TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN HỒ CHÍ MINH

 


Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là tư tưởng nhân văn cách mạng, thể hiện lòng yêu thương, kính trọng con người, tin tưởng con người, giải phóng con người, hướng con người đến những gì tốt đẹp nhất. Nghiên cứu tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất to lớn và sâu sắc, nhất là trong giai đoạn hiện nay – giai đoạn xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

    Yêu thương, kính trọng con ngườitin tưởng con người, giải phóng con người, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp nhất là nội dung cốt lõi trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh. Tình yêu thương con người trong tư tưởng của Bác luôn gắn với hành động cách mạng, phải bằng hành động cách mạng của chính con người để giải phóng con người. Theo Hồ Chí Minh, sự nghiệp giải phóng con người do chính con người đảm nhiệm, chứ không thể trông chờ ở thần thánh, vĩ nhân. Chỉ có hành động cách mạng của con người mới đem lại tự do, hạnh phúc cho chính họ. Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, ngay trong số đầu của báo Le Paria (Người cùng khổ), Hồ Chí Minh đã đề cập giải phóng con người. Nhất quán quan điểm đó, trong Di chúc, Người nhấn mạnh: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Người không những “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng” và “gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh niên nhi đồng quốc tế”, mà còn căn dặn Đảng về những công việc cần làm sau khi đã đánh thắng giặc Mỹ xâm lư­­ợc, trong đó “đầu tiên là công việc đối với con người”. Hồ Chí Minh luôn ứng xử dựa trên cơ sở của tình người, yêu thương con người; đó là lòng nhân đạo, tính nhân văn, là sự khoan dung, độ lượng trong hành xử ở cuộc sống. Với Người, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp đều phải đi đến giải phóng con người thì mới có ý nghĩa thiết thực. 

Tình thương yêu, quý trọng con ng­ười của Bác được thể hiện tr­ước hết là dành cho những ng­ười bị áp bức, bóc lột, những ngư­ời cùng khổ, những người dễ bị tổn thương trong xã hội, các cụ già, em nhỏ và có phong cách ứng xử văn hóa đặc biệt đối với phụ nữ. Người đã để lại vô vàn những câu chuyện cảm động về tình cảm đối với nhân dân, với lớp người bị thiệt thòi do hậu quả quan niệm không đúng của xã hội thực dân, phong kiến, đặc biệt là tư tưởng trọng nam khinh nữ. Trong các bài báo, cuốn sách do Người viết, hiện lên số phận ng­ười lao động bị đế quốc đày đọa, từ ng­ười phụ nữ châu Phi, những thủy thủ, phu khuân vác Đắc-ca, Bra-xin, Xi-ry, Li-băng,… cho đến những công nhân, nông dân ở Ghi-nê, Đa-hô-mây, v.v. Đến thăm bất cứ nước nào, khi ở địa vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Người đều dành thời gian tiếp xúc với nhân dân lao động, đặc biệt là đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Điều đó cắt nghĩa tại sao Hồ Chí Minh được nhân dân Việt Nam và rất nhiều tầng lớp nhân dân trên thế giới gọi là Bác Hồ. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh trở thành một biểu t­ượng về tình hữu ái của con ngư­ời trên trái đất. Tình nhân ái trong Hồ Chí Minh không dừng ở lời nói mà còn được thể hiện rõ trong hành động. Người tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, đấu tranh bảo vệ người bị áp bức, phấn đấu vì sự nghiệp tiến bộ, phấn đấu vì lý tưởng giải phóng triệt để cho con người, đem lại cho con người tới cái tất yếu chính là tự do, ấm lo, hạnh phúc.

    Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người, về đấu tranh giải phóng con người đã góp phần thức tỉnh nhân dân ta đứng lên để đấu tranh tự giải phóng mình, và là cơ sở để đấu tranh với những nhận thức méo mó, lệch lạch, thiếu tính toàn diện về con người. Quan niệm của Hồ Chí Minh về con người đến nay vẫn còn nguyên giá trị, hoàn toàn phù hợp với những quan niệm tiến bộ hiện nay trên thế giới, khi cho rằng: phát triển con người là sự phát triển bao gồm tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của mọi cá nhân, từ tình trạng sức khoẻ, tới đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa của con người... Mục tiêu cơ bản của phát triển là tạo ra một môi trường khuyến khích con người được hưởng cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh, hạnh phúc, tự do và sáng tạo.

HAT-H1

 

0 nhận xét: