CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

VAI TRÒ CỦA LÃNH TỤ NGUYỄN ÁI QUỐC VỚI SỰ KIỆN THÀNH LẬP CHI BỘ CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN

 


Năm 1858, Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Sau khi bình định xong Việt Nam, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện các chính sách thực dân hà khắc, biến nước ta từ một nước phong kiến độc lập trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp đã làm cho mâu thuẫn dân tộc diễn ra hết sức gay gắt, hàng loạt phong trào yêu nước theo các khuynh hướng khác nhau liên tiếp nổ ra, song cuối cùng đều bị thất bại, vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc.

Trong bối cảnh đó, ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Năm 1920 Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác- Lê nin; đây không chỉ là bước ngoặt đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, mà còn là bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Tháng 6/1925, Người thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (hay còn gọi là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên), từng bước truyền bá có hệ thống chủ nghĩa Mác-Lê nin vào trong nước, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ trình độ tự phát lên tự giác; đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập trường Cộng sản.

Cuối tháng 3/1929, nhận thấy sự bức thiết phải thành lập một tổ chức Cộng sản trong khi Tổng bộ ở nước ngoài còn chưa đặt vấn đề đó, nhóm những người tích cực trong Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội gồm các đồng chí: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Dương Hạc Đính, Kim Tôn, Đỗ Ngọc Du đã họp tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội để thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên. Đồng chí Trần Văn Cung (bí danh Quốc Anh) được bầu làm Bí thư. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc mặc dù vắng mặt do bận công tác đột xuất nhưng vẫn được công nhận là thành viên chính thức.

Tại cuộc họp, Chi bộ chủ trương phải tích cực vận động thành lập một Đảng Cộng sản thay tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên để lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong tình hình mới và đưa vấn đề này ra kiến nghị trước Đại hội của Tổng bộ sắp được triệu tập. Tại Đại hội Kỳ bộ Bắc Kỳ họp ở Sơn Tây từ 28 đến 29/3/1929, việc thành lập tổ chức Cộng sản được nhiệt liệt tán thành và giao cho 4 đảng viên thay mặt Kỳ bộ đi dự Đại hội toàn quốc, cử đảng viên đi các địa phương vận động. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cùng một số đồng chí khác xúc tiến việc soạn thảo những văn kiện cho việc thành lập Đảng Cộng sản.

Tháng 5/1929, tại Đại hội Thanh niên Toàn quốc họp tại Hương Cảng (Trung Quốc), đề nghị thành lập Đảng Cộng sản của Đoàn Bắc kỳ do đồng chí Ngô Gia Tự dẫn đầu đã bị Tổng bộ Thanh niên bác bỏ.

Ngay sau đó, đoàn Bắc Kỳ bỏ Đại hội ra về, tiến hành triệu tập cuộc họp tại ngõ chùa Hương Tuyết (Bạch Mai, Hà Nội) để bàn việc xúc tiến thành lập Đảng. Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, đại biểu các tổ chức cơ sở Đảng ở miền Bắc họp, quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ Đảng của Đông Dương Cộng sản Đảng được thông qua và lấy cờ đỏ búa liềm làm cờ Đảng; xuất bản tờ báo “Búa Liềm” làm cơ quan ngôn luận; các cơ quan Trung ương và các tổ chức quần chúng của Dương Cộng sản Đảng lần lượt ra đời tại Hà Nội.

Ngôi nhà số 5D phố Hàm Long – nơi chứng kiến sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam hiện nay được khôi phục làm nhà trưng bày của Bảo tàng Hà Nội. Kiến trúc ngôi nhà gồm một tầng, mái lợp ngói ta, một bên giáp nhà 5C, một bên là ngõ nhỏ sử dụng làm ăn sáng thông sang phố Lê Văn Hưu. Diện tích căn nhà rộng 24m2, phía sau là sân, bếp và khu phụ.

Hiện nay, trong căn nhà vẫn trưng bày bộ tràng kỷ, một chiếc hòm hai đáy dùng để cất giấu tài liệu, bộ ấm chén, chiếc đèn dầu các đồng chí trong chi bộ đã sử dụng trong quá trình xúc tiến thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên. Ngoài ra, còn có chiếc cặp đựng tài liệu của đồng chí Nguyễn Phong Sắc; chiếc ấm, giỏ đựng cơm của đồng chí Ngô Gia Tự.

Ngày 13/01/1964, Di tích nhà 5D, phố Hàm Long được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia (theo Quyết định số 29-VH/QĐ).

Sự kiện thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam có ý nghĩa thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển hướng của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội thành một chính đảng Cộng sản phù hợp với yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam. Đây là thắng lợi quan trọng của tư tưởng vô sản trong cuộc đấu tranh với tư tưởng phi vô sản, mở ra quá trình trực tiếp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930.

NXT-H1

0 nhận xét: