Thực hiện
công nghiệp hóa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội là nội
dung rất quan trọng trong chính sách kinh tế mới của V. I. Lênin.
Là một người
theo quan điểm duy vật lịch sử, V. I. Lênin nhiều lần cho rằng: xét đến cùng,
năng suất lao động là yếu tố quyết định sự thắng lợi của một chế độ xã hội, chủ
nghĩa xã hội sẽ đánh bại chủ nghĩa tư bản,thay thế chủ nghĩa tư bản khi tạo ra
năng suất lao động còn hơn chủ nghĩa tư bản; rằng “công nghiệp đại cơ khí là cơ
sở duy nhất có thể có của chủ nghĩa xã hội. Người nào quên điểm này thì không
phải là đảng viên cộng sản”, “chủ nghĩa cộng sản là chính quyền xô-viết cộng với
điện khí hóa toàn quốc”. Nhưng, đối với nước Nga, một nước chủ nghĩa tư bản
phát triển thấp, còn phổ biến sản xuất nhỏ, lại bị chiến tranh tàn phá, cái thiếu
nhất để quá độ lên chủ nghĩa xã hội là nền đại công nghiệp cơ khí, nền tảng vật
chất của chủ nghĩa xã hội. Do đó, ngay khi nội chiến kết thúc, V. I. Lênin đề
ra nhiệm vụ công nghiệp hóa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã
hội, xem đó là nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền xô-viết. Tuy nhiên, chính sách
kinh tế mới của V. I. Lênin lại bắt đầu từ khôi phục và phát triển nông nghiệp;
giải thích về điều này, V. I. Lênin cho rằng tập trung vào khôi phục và phát
triển công nghiệp rồi thông qua đó để khôi phục lại tòan bộ nền kinh tế là điều
đáng mong đợi, nhưng để khôi phục công nghiệp cần phải có lương thực thực phẩm
cho công nhân, cần nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, máy móc, thiết bị...
cho công nghiệp, nhưng lúc đó chưa thể có được,trong khi nạn đói đang bao trùm
đất nước, xã hội rối loạn, nên việc bắt đầu từ nông nghiệp, nông dân là đúng đắn.
V. I. Lênin viết “Tình hình chính trị hồi đầu mùa Xuân năm 1921 đã đưa đến chỗ
bắt buộc phải dùng những biện pháp cấp tốc, cương quyết nhất, cấp thiết nhất để
cải thiện đời sống nông dân và nâng cao lực lượng sản xuất của họ. Tại sao lại
chính là của nông dân chứ không phải của công nhân? Vì muốn cải thiện đời sống
công nhân thì phải có bánh mỳ và nhiên liệu. Đứng về phương diện toàn bộ nền
kinh tế quốc dân của chúng ta mà nói thì “trở ngại” lớn nhất là ở đó”. Người
còn nói rõ hơn: phải bắt đầu từ nông dân. Người nào không hiểu điều đó, người
nào còn cho rằng đưa vấn đề nông dân lên hàng đầu như thế là từ bỏ công nghiệp
hóa thì chẳng qua người đó không chịu suy nghĩ kỹ về tình hình và bị lời nói trống
rỗng chi phối. Khôi phục và phát triển nông nghiệp là để tạo cơ sở, tiền đề cho
công nghiệp hóa. Việc thực hiện chính sách “tô nhượng” để thu hút sự tham gia của
tư bản nước ngoài và cho phục hồi, phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa và hướng
vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước cũng là để thực hiện công nghiệp hóa,
xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho bước quá độ lên CNXH, như Lênin nói là sử
dụng các nhà tư bản để xây dựng CNXH. Điều đặc biệt là ngay từ năm 1920, khi nội
chiến còn chưa kết thúc, nhưng trước thắng lợi của hồng quân và khả năng kết
thúc nội chiến đã thể hiện rõ, V. I. Lênin đã thành lập Ủy ban điện khí hóa nước
Nga (tháng 2- 1920) và chỉ đạo xây dựng kế hoạch điện khí hóa nước Nga (GOELRO)
để đưa ra Đại hội VIII Xô viết toàn Nga (tháng 12-2020) thảo luận,thông qua.
Đây là một chương trình lớn được xây dựng một cách khoa học để khôi phục và xây
dựng nền kinh tế nước Nga Xô-viết trên cơ sở điện khí hóa, theo tư tưởng chỉ đạo
của V. I. Lênin “phục hồi công nghiệp trên cơ sở cũ đòi hỏi nhiều công sức và
thời gian. Chúng tôi phải làm cho công nghiệp được hiện đại hóa, tiến chuyển
sang điện khí hóa. Điều đó đòi hỏi ít thời gian hơn”. Điện khí hóa là công nghệ
hiện đại nhất những năm đầu thế kỷ XX, tư tưởng về công nghiệp hóa trên nền tảng
điện khí hóa của V. I. Lênin đã gắn kết chặt chẽ công nghiệp hóa với hiện đại
hóa. Trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn cả về vốn, máy móc, thiết bị, nguyên liệu,
năng lượng, lương thực thực phẩm, việc khôi phục sản xuất công nghiệp gặp rất
nhiều khó khăn, V. I. Lênin chủ trương “đóng cửa tới mức tối đa những cơ sở
không có khả năng hoạt động nhằm tập trung sản xuất vào một số lượng không lớn
những xí nghiệp được tổ chức tốtnhất”. Trong khôi phục sản xuất công nghiệp, V.
I. Lênin ưu tiên tập trung phục hồi các xí nghiệp sản xuất nhiên liệu, năng lượng,
vùng mỏ Donbas (nơi cung cấp 60% than cho đất nước), các giếng dầu, các xí nghiệp
cơ khí sản xuất máy cày cho nông dân, máy móc cho công nhân mỏ, đầu máy xe lửa
cho ngành vận tải. Đặc biệt, theo sự chỉ đạo của Lênin, Nhà nước Xô-viết đã cho
xây dựng nhiều nhà máy điện mới, những đứa con đầu lòng của ngành năng lượng
xô-viết (như nhà máy điện Saturn, Lexia, Vôn khốp, Ivanovo, Vô dơ nhét...). Cùng
với sắp xếp lại và định hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, V. I.
Lênin chuyển các xí nghiệp công nghiệp nhà nước sang cơ chế hạch toán kinh tế,
theo cơ chế thị trường, mà khi đó Lênin gọi là theo những nguyên tắc buôn bán.
Lênin viết “những xí nghiệp của nhà nước chuyển sang cái gọi là hạch toán kinh
tế, nghĩa là trên thực chất các xí nghiệp đó trên một mức độ lớn phải theo những
nguyên tắc buôn bán, những nguyên tắc tư bản chủ nghĩa”. Những xí nghiệp công
nghiệp có quy mô tương đối lớn, được trang bị kỹ thuật khá, được bảo đảm vật
tư, nguyên liệu, ở những vị trí địa lý thuận tiện, theo quyết định của nhà nước
xô-viết, được liên kết với nhau thành Tờ rớt. Các Tờ rớt được tự chủ cao trong
sản xuất kinh doanh, được giao quyền kế hoạch, phân phối vốn, bố trí cán bộ,
trao đổi với các Tờ rớt khác cũng như với thị trường. Cho đến cuối những năm 20
của thế kỷ XX, Tờ rớt là các đơn vị sản xuất chủ yếu của nhà nước xô-viết.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét