Thực tiễn vận động của nền kinh tế
thế giới những năm gần đây cho thấy, mô hình phát triển nền kinh tế thị trường
có sự điều tiết vĩ mô từ trung tâm, trong
bối cảnh ngày nay, là mô hình hợp lý hơn cả. Mô hình này, về đại thể có
thể đáp ứng những thách thức của sự phát triển.
Ở nước ta, việc thực hiện mô hình kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong thực tế, chẳng những là nội
dụng của công cuộc đổi mới mà còn là công cụ, là phương thức để nước ta đi tới
mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
Nền kinh tế nước ta hiện nay đang
trong giai đoạn quá độ, chuyển tiếp từ nền kinh tế tập trung, hành chính, bao
cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý vĩ mô của Nhà nước theo định
hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, nghiên cứu, xem xét những đặc điểm của nó là
một vấn đề rất có ý nghĩa. Nhận thức được tính phức tạp của giai đoạn quá độ,
chúng ta sẽ tránh được những sai lầm chủ quan nóng vội, duy ý chí hoặc những
khuynh hướng cực đoan, máy móc, sao chép, chấp nhận nguyên bản kinh tế thị
trường từ bên ngoài vào.
Như chúng ta đã biết, trong nền kinh tế tập
trung, bao cấp, mọi chức năng kinh tế - xã hội của nền kinh tế đều được triển
khai trong quá trình kế hoạch hoá ở cấp độ quốc gia. Tính bao cấp của nhà nước
đối với các hoạt động của sản xuất, lưu thông, phân phối… khá nặng nề. Lợi ích
kinh tế, đặc biệt là lợi ích cá nhân người lao động, một động lực trực tiếp của
hoạt động sản xuất xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, sự vận động của
nền kinh tế nhìn chung là chậm chạp, kém năng động.
Kể từ đại hội Đảng lần thứ VI (12/1986) đến
nay, theo đường lối đổi mới, đất nước ta đã từng bước chuyển sang nền kinh tế
thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa. Qua gần 35 năm thực hiện, chúng ta đã
đạt được những thành tựu hết sức quan trọng cho phép chúng ta điều chỉnh và bổ
sung nhận thức, làm cho quan nịêm về chủ nghĩa xã hội ngày càng cụ thể; đường
lối chủ trương, chính sách ngày càng đồng bộ, có căn cứ khoa học và thực tiễn.
Những thành tựu đó, trong một chừng mực nhất định cũng gián tiếp tác động đến
việc năng động hoá nền kinh tế đất nước.
Nếu
như trước đây, nền kinh tế nước ta chỉ có một kiểu sở hữu tương đối
thuần nhất với hai thành phần quốc doanh và tập thể, thì nay, cùng với thành
phần sở hữu chủ đạo là sở hữu Nhà nước, còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu
khác. Những hình thức sở hữu đó, trong tổng thể nền kinh tế là những bộ phận khách
quan, có khả năng đáp ứng những đòi hỏi đa dạng và năng động của nền kinh tế
thị trường.
Trên con đường công nghiệp hoá,
hiện đại hoá, việc chúng ta bước đầu sử dụng thị trường như là một công cụ,
phương thức đã đem lại những kết quả tích cực cả về phương diện thực tiễn và
phương diện nhận thức.
Tuy nhiên, nhận ra sức mạnh của cơ
chế thị trường bao nhiêu, chúng ta lại càng hiểu rõ hơn bấy nhiêu mặt trái của
nó đối với sự vận động của đời sống xã hội. Sự tăng trưởng kinh tế đương nhiên
là một mục tiêu của phát triển xã hội, có khả năng tạo ra điều kiện để giải
quyết các vấn đề xã hội. Nhưng tăng trưởng kinh tế không phải lúc nào cũng đi
liền với tiến bộ xã hội. Do vậy, để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh” thì nền kinh tế thị trường nhất thiết phải có sự quản
lý của nhà nước theo định hướng Xã hội chủ nghĩa./.
ĐVP-H3
0 nhận xét:
Đăng nhận xét