Trong sinh hoạt và hoạt động thực
tiễn, mỗi con người và mỗi tổ chức đều có những ưu điểm và khuyết điểm, có mặt
thuận lợi và khó khăn, có nhân tố tích cực và tiêu cực, có cái tiến bộ và cái
lạc hậu. Các mặt đó luôn mâu thuẫn với nhau, tác động chi phối lẫn nhau. Quá
trình phát triển của mỗi con người, mỗi tổ chức như thế nào và theo chiều hướng
nào phụ thuộc chính vào cách thức giải quyết mâu thuẫn giữa các mặt tốt - xấu,
thuận lợi - khó khăn, tích cực - tiêu cực đó. Đối với Đảng, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã khẳng định: tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Để
quy luật ấy phát huy tác dụng, tạo ra động lực cho sự phát triển của con người,
của mỗi cán bộ đảng viên và mỗi tổ chức Đảng, việc nhận thức sâu sắc tư tưởng
Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, tiến hành tự phê bình và phê bình
nghiêm túc trong toàn Đảng, là nhiệm vụ quan trọng và bức thiết trong.
Vấn đề tự phê bình và phê bình đã
được Hồ Chí Minh đề cập rất sâu sắc trong tác phẩm "sửa đổi lối làm
việc" và nhiều bài viết cho chuyên mục Sửa đổi lối làm việc của báo Sự
thật, trong các bài viết đề cập đến vấn đề đạo đức cách mạng, và trong hầu hết
các bài nói, bài viết về xây dựng Đảng. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tự phê bình
và phê bình không những là vũ khí, là "luật" trong xây dựng tổ chức
mà còn được nâng lên tầm nghệ thuật trong công tác xây dựng Đảng.
Phê bình là gì và tự phê bình là gì?
Đôi khi, Hồ Chí Minh dùng cách gọi "tự kiểm điểm và kiểm điểm" hoặc
"tự sửa chữa" và "giúp đồng chí mình sửa chữa"[1], "tự xét và
xét đồng chí mình" để nhấn mạnh ý nghĩa của tự phê bình và phê bình trong
việc khắc phục khuyết điểm. Nhưng quan niệm về tự phê bình và phê bình có ý
nghĩa bao quát rộng hơn. Theo Hồ Chí Minh, "Phê bình là nêu ưu điểm và
vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết
điểm của bản thân mình. Tự phê bình và phê bình
phải đi đôi với nhau"[2]. Điều đó có
nghĩa là tự phê bình và phê bình không phải chỉ vạch ra khuyết điểm mà phải nêu
cả ưu điểm; nêu ưu điểm trước, vạch khuyết điểm sau; nêu ưu điểm và vạch khuyết
điểm phải đi đôi với nhau, không coi nhẹ ý nghĩa của một mặt nào. Điều đó biểu
hiện rõ tính nhân văn và tính khoa học - nét đặc sắc trong quan niệm về tự phê
bình và phê bình của Hồ Chí Minh.
Tính nhân văn trong tự phê bình và
phê bình chính là việc nêu ưu điểm, vạch khuyết điểm của mình trước và nêu ưu
điểm, vạch khuyết điểm của đồng chí mình sau; dù là "xét", "kiểm
điểm" hay "phê bình" người khác thì người có khuyết điểm đó cũng
là đồng chí mình chứ không phải kẻ thù hay đối địch. Cho nên, một mặt là để sửa
chữa cho nhau, một mặt là để khuyến khích nhau, "bắt chước" nhau,
cùng tiến bộ mãi. Người có ưu điểm thì phải cố gắng phát huy, vươn lên không
ngừng; người có khuyết điểm, bị phê bình thì phải vui lòng nhận rõ để sửa chữa.
Tự phê bình và phê bình sẽ không gây nản chí hoặc oán ghét.
Những biểu hiện tiêu cực như: chỉ
thiên về vạch khuyết điểm của người khác theo kiểu "bới lông, tìm
vết" để tìm cách hạ bệ nhau, làm giảm uy tín của nau, chỉ thiên về phê
bình người khác mà không nghiêm khắc tự phê bình, chỉ nhấn mạnh ưu điểm khi
"phê bình cấp trên" theo kiểu tâng bốc, nịnh hót... thực chất là biểu
hiện cơ hội trong tự phê bình và phê bình, hoàn toàn trái với tư tưởng Hồ Chí
Minh về tự phê bình và phê bình.
Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Mục
đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa chữa
cách làm cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ"[3]. Mục đích là cho
mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau sửa chữa những khuyết điểm,
cũng như người lội bùn lâu mà nhiễm hơi bùn thì phải tắm rửa và "phải tắm
rửa lâu mới sạch".
Hồ Chí Minh yêu cầu phê bình mình
cũng như phê bình người, phải triệt để, thật thà không nể nang, không thêm bớt.
Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai,
chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phê bình người. Những người bị
phê bình thì phải vui lòng nhận để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản
chí, hoặc oán ghét. Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh
hẹp hòi, v.v..mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn
đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong
đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những
kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó. Nhưng "phải suy tính cho kỹ
lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy"[4]. "Để chữa
khỏi những bệnh kia, ta phải tự phê bình ráo riết, và phải lấy lòng thân ái,
lấy lòng thành thật mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó phải đi đôi
với nhau"[5]. Trong lúc phê
bình, khuyết điểm phải vạch ra rõ ràng, mà ưu điểm cũng phải nhắc đến. Phải
biết khuyến khích nhau, bắt chước nhau, giúp nhau tiến bộ.
Hồ Chí Minh yêu cầu tự phê bình và
phê bình phải thường xuyên, liên tục, kiên trì. "Mỗi cán bộ, mỗi đảng
viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải
rửa mặt. Được như thế thì trong đảng sẽ không có bệnh mà đảng sẽ mạnh khỏe vô
cùng"[6]. Nếu không làm
thường xuyên thì khuyết điểm sẽ ngày càng tích tụ nhiều lên, lấn át ưu điểm.
Những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, tham ô, tham nhũng, vi phạm tư
cách đảng viên, nguyên nhân suy cho cùng là do không thường xuyên tự phê bình
và tiếp thu phê bình. Hồ Chí Minh đã cảnh tỉnh nếu không kiên quyết sửa chữa
khuyết điểm của chúng ta thì cũng như giấu diếm bệnh tật trong mình, không dám
uống thuốc để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy hiểm đến tính mệnh. Phát hiện càng
sớm, điều trị bệnh càng chóng khỏi; để bệnh nặng rất khó chữa, thậm chí có khi
không chữa nổi.
Vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ
vừa phải dân chủ lắng nghe ý kiến phê bình của cấp dưới, của quần chúng, vừa
phải "biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi
người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa"[7]. Trong khi chỉ
ra những yêu cầu về thái độ, phương pháp tự phê bình và phê bình, Hồ Chí Minh
cũng đã thẳng thắn phê bình những biểu hiện tiêu cực về thái độ phê bình của
một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong Đảng có một bộ phận "sao cũng mặc kệ,
sao xong chuyện thì thôi", không phê bình, không tự phê bình. Hồ Chí Minh
coi đó là thái độ của những cán bộ, đảng viên ươn hèn yếu ớt. Hoặc có biểu hiện
lợi dụng sai lầm khuyết điểm của người khác để đạt mục đích tự tư tự lợi, đó là
thái độ "của kẻ đầu cơ". Hoặc
một số khác thì "đối với những người có khuyết điểm và sai lầm đó, như đối
với hổ mang, thuồng luồng. Họ đòi hỏi phải đuổi bọn kia ra khỏi Đảng ngay. Nếu
không làm như thế thì họ cho rằng: thôi hỏng hết rồi! Do đó họ đâm ra chán nản,
thất vọng. Hoặc họ không làm gì nữa hết. Thậm chí họ bỏ Đảng. Đó là thái độ của
những người máy móc quá. Đó cũng là bệnh chủ quan"[8].
Hồ Chí Minh vạch rõ biểu hiện của
chủ nghĩa cá nhân - một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất
nguy hiểm - trong tự phê bình và phê bình. Đối với những người mắc bệnh
"cá nhân" thì việc gì không phê bình trước mặt để nói sau lưng. Khi sinh
hoạt không nói gì, ra ngoài mới nói. Không bao giờ đề nghị gì với Đảng. Ai có
ưu điểm cũng không chịu học theo, ai có khuyết điểm cũng không dám phê bình.
Còn khi họ phê bình ai thì không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không
phải vì công việc, mà vì "công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu
khí".
Tư tưởng Hồ Chí Minh: tự phê bình
và phê bình là quy luật phát triển của Đảng có giá trị lịch sử và ý nghĩa lý
luận, thực tiễn to lớn đối với Đảng, nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên ta.
Những tư tưởng đó đã kịp thời định hướng, nâng cao nhận thức và cổ vũ hoạt động
tự phê bình và phê bình, khắc phục kịp thời những khuyết điểm yếu kém của cán
bộ, đảng viên và các tổ chức Đảng trong suốt quá trình xây dựng và hoạt động
lãnh đạo cách mạng. Tư tưởng đó không chỉ có giá trị to lớn trong thời kỳ chiến
tranh cách mạng, mà còn có ý nghĩa rất sâu sắc, thiết thực đối với công tác xây
dựng Đảng ta hiện nay.
Quán triệt và thực hiện tư tưởng Hồ
Chí Minh về tự phê bình và phê bình, trong quá trình xây dựng và hoạt động,
Đảng ta luôn coi trọng tự phê bình và phê bình. Đảng ta khẳng định tự phê bình
và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là thước đo trình độ sinh hoạt dân
chủ trong Đảng và là ý thức trách nhiệm của đảng với nhân dân. Tự phê bình và
phê bình là biện pháp quan trọng để giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Đảng, để
giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Đảng là một tổ
chức chính trị, tất yếu trong quá trình vận động, phát triển, nội bộ Đảng sẽ
nảy sinh mâu thuẫn. Nhưng đó không phải là mâu thuẫn đối kháng, mà là mâu thuẫn
giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ với cái lạc hậu.
Đảng lấy tự phê bình và phê bình là
biện pháp cơ bản để giải quyết những mâu thuẫn đó, tạo động lực cho sự vận
động, phát triển của Đảng. Khi trở thành Đảng cầm quyền, vấn đề tự phê bình và
phê bình càng trở nên cần thiết hơn. Bởi vì, Đảng phải giải quyết nhiều nhiệm
vụ nặng nề, nhiều vấn đề mới, phức tạp và luôn luôn vận động, nảy sinh. Sự nắm
bắt và nhận thức của cán bộ, đảng viên không thể ngay lập tức đạt được sự sâu
sắc mọi vấn đề; đồng thời càng khó tránh khỏi những khuyết điểm, sai lầm. Thông
qua tự phê bình và phê bình mà trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ, đảng viên
sẽ dần được nâng cao, phẩm chất đạo đức được bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách.
Chính nhờ có sự trung thành, quán
triệt và vận dụng đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình
trong xây dựng và hoạt động, có nhiều chỉ thị nghị quyết, mở nhiều đợt sinh
hoạt chính trị sâu rộng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong toàn đảng mà
Đảng ta mới có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến
thắng lợi khác; mới có đủ bản lĩnh vượt qua những thử thách cam go, vững vàng
chèo lái con thuyền cách mạng ở những thời điểm hiểm nghèo, thời điểm vận mệnh
"ngàn cân treo sợi tóc".
Thực tiễn xây dựng Đảng cho thấy:
Lúc nào, nơi nào việc tự phê bình và phê bình không được thực hiện nghiêm túc
thì lúc đó, nơi đó xuất hiện những điều kiện làm suy yếu tổ chức đảng, làm nảy
sinh các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Hiện nay, vẫn còn những biểu hiện
xem nhẹ, chưa thực sự nghiêm túc tự phê bình và phê bình. Ở nơi này, nơi khác,
lúc này lúc khác, sinh hoạt tự phê bình và phê bình chỉ còn là hình thức. Người
ta vẫn tổ chức sinh hoạt đều đặn, nhưng thực chất lại tước mất linh hồn của các
buổi sinh hoạt, đó là nguyên tắc dân chủ, cho nên tự phê bình và phê bình bị
biến thành vũ khí cầu lợi cá nhân.
Ngày nay, bối cảnh quốc tế có nhiều
diễn biến phức tạp, chứa đựng những yếu tố khó lường. Đảng lãnh đạo nhân dân ta
thực hiện sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,
nhiệm vụ của Đảng rất nặng nề. Phạm vi, quy mô lãnh đạo ngày càng mở rộng, đối
tượng lãnh đạo đa dạng phức tạp; vai trò lãnh đạo của Đảng tăng lên, đòi hỏi
Đảng phải luôn luôn và thực sự trong sạch vững mạnh.
Trong khi đó, cuộc sống sinh hoạt
của cán bộ, đảng viên chịu nhiều chi phối, tác động của nhiều yếu tố, cả tích
cực và tiêu cực. Do những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế kinh tế thị
trường, sự du nhập lối sống ngoại lai và các tệ nạn xã hội… đã tác động, làm
nhiều người thay đổi về quan niệm thang giá trị đạo đức xã hội, làm xói mòn
nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp. Đó là những nguy cơ đe dọa sự trong sạch
của đảng và của cả hệ thống chính trị. Một bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái
về đạo đức lối sống, sa lầy vào chủ nghĩa cá nhân, thực dụng. Sinh ra nhiều căn
bệnh nguy hiểm: cục bộ, ích kỷ, vụ lợi, ham quyền lực, ham của cải làm giàu bất
chính; lối sống thì xa hoa, hưởng lạc. Đối với đồng chí đồng đội, họ kèn cựa,
địa vị , gây mất đoàn kết; đối với nhân dân thì quan liêu, sách nhiễu, xa rời
hoặc dân chủ giả tạo, ngoài mặt. Không ít cán bộ, đảng viên vì lợi ích cá nhân,
mải lo lợi ích cá nhân, gia đình mà quên hết lợi ích của Đảng, của dân.
Để khắc phục tình trạng trên, tự
phê bình và phê bình phải được coi là biện pháp cơ bản, có ý nghĩa quyết định.
Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình cho phép giải quyết thấu đáo các vấn đề
nảy sinh về tư tưởng, đạo đức, lối sống một cách kiên quyết, ráo riết nhưng
thiết thực, có lý có tình, không rơi vào tình trạng đối kháng, đao to búa lớn,
do đó mà đạt hiệu quả cao. Điều đó hoàn toàn phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh
về mục đích và tính chất của tự phê bình và phê bình trong Đảng.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả
của tự phê bình và phê bình, điều quan trọng là phải đứng trên lập trường chủ
nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững đường lối của Đảng thể
hiện trong cương lĩnh, nghị quyết đại hội, các nghị quyết của Ban Chấp hành
Trung ương. Đó chính là căn cứ để mỗi cán bộ, đảng viên kiểm tra lại công việc
của mình, tư cách và năng lực của mình. Phải kết hợp chặt chẽ giữa phê bình với
tự phê bình; kết hợp chặt chẽ giữa phê bình từ trên xuống và phê bình từ dưới
lên. Bên cạnh đó, tự phê bình của Đảng phải gắn chặt với phát huy sự giám sát
phê bình của nhân dân. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với giữ kỷ luật
nghiêm minh, kiên quyết xử lý, loại trừ ra khỏi hàng ngũ của Đảng những phần tử
không còn tư cách người đảng viên.
Thường xuyên làm tốt công tác kiểm
tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức đảng, đảng viên không thực
hiện tốt nghị quyết, chỉ thị của Đảng về tự phê bình và phê bình, nhất là những
người có thái độ thành kiến, trù dập người phê bình; phải có biện pháp bảo vệ
người phê bình đã dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; mặt khác phải
có biện pháp buộc người có khuyết điểm, bị phê bình phải sửa chữa khuyết điểm.
Trong điều kiện xã hội bùng nổ
thông tin như hiện nay, các luồng thông tin, các nguồn thông tin, các hình thức
truyền tin rất đa dạng phong phú. Một mặt nó mở ra điều kiện thuận lợi mới để
thực hiện dân chủ công khai và công bằng trong xã hội. Chính nhờ các điều kiện
đó mà các hình thức linh hoạt của tự phê bình và phê bình được thực hiện, nhiều
trường hợp vi phạm khuyết điểm, nhiều biểu hiện vi phạm đã được thông qua
phương tiện thông tin mà rút kinh nghiệm chung trong toàn Đảng một cách nhanh
chóng nhất. Đây là một vấn đề cần được nghiên cứu chu đáo để phát huy tác dụng
tốt hơn trong công tác xây dựng Đảng. Mặt khác, cần phải có biện pháp quản lý
được tất cả các luồng, các nguồn tin, các phương tiện thông tin, có thể áp dụng
các tiến bộ kỹ thuật nhằm thẩm định, điều tra, kiểm tra nhanh và chính xác các
tin tức; quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin tự phê bình và phê bình cả ở diện
rộng và diện hẹp; chính nó cung cấp những cứ liệu thực tiễn thiết thực cho công
tác xây dựng Đảng trong điều kiện mới; và chỉ như vậy mới đảm bảo cho tự phê
bình và phê bình thực sự vì sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong toàn xã
hội.
NXT- H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét