CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

THANH NIÊN PHẢI TU DƯỠNG ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

 


Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là đạo đức mang bản chất giai cấp công nhân gồm 4 phẩm chất cần thiết đó là: Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; yêu thương con người và tinh thần quốc tế trong sáng. Đạo đức cách mạng được Hồ Chí Minh coi là gốc, là nền tảng của người cách mạng “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[1].

Thanh niên là lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, luôn được Hồ Chí Minh quan tâm bồi dưỡng, giáo dục và rèn luyện. Tại Đại hội lần thứ III Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam 24/3/1961, trong bài phát biểu của mình Bác đã khẳng định  “Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đạo đức cách mạng là đạo đức tập thể, nó phải đánh thắng và tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân”[2]. Tại thời điểm đó, miền Bắc nước ta đang ra sức củng có quan hệ sản xuất và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Để nhận thức đúng tình hình, tiếp thu tư tưởng tiên tiến, học tập kinh nghiệm tốt trong đấu tranh thực hiện thắng lợi cách mạng. Theo người, muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy, thanh niên ta cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức cách mạng của người cách mạng, thì kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công. Để giải quyết nhiệm vụ đó phải có đội ngũ cán bộ tốt: Bởi vì, "muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Đội ngũ cán bộ phải thực sự là lực lượng tiên phong về trí tuệ, về phẩm chất đạo đức, phải là những hạt giống tốt để nhân giống rộng trong xã hội và các đoàn thể. Muốn vậy phải thường xuyên giáo dục bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về mọi mặt, mà trước hết là về đạo đức cách mạng.

Người cho rằng, đạo đức cách mạng là "cái gốc'' cái căn bản của người cách mạng. Có đạo đức cách mạng mới trở thành người cán bộ tốt. Mới làm tròn vai trò người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành, tận tuỵ của nhân dân. Đạo đức cách mạng là cơ sở, nền tảng để mỗi cán bộ phấn đấu hoàn thiện mình. Bởi lẽ, làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới, là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Đạo đức cách mạng không phải vì danh vọng cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của cả loài ng­ười, biết đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết, là suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, “hết lòng phụng vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Đó là cốt lỏi, là bản chất của đạo đức cách mạng, là nguyên tắc cao nhất.

Đối với thanh niên quân đội ta, yêu cầu cơ bản phải thường xuyên xây dựng, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho họ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng kiên quyết làm đúng đường lối, chính sách và nghị quyết của Đảng, suốt đời phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, giàu lòng nhân ái. Đồng thời thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức và lối sống. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, lối sống suy thoái về đạo đức. Thiết thực góp phần hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất và làm nhiệm vụ quốc tế.

                                                                            NXT- H1

 



[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 5, tr.292

[2] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 13, tr.90

 

0 nhận xét: