CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

VẠCH MẶT DƯƠNG QUỐC CHÍNH VỚI NHỮNG LUẬN ĐIỆU DÂN CHỦ CUỘI CỦA Y

 

Vừa qua, Dương Quốc Chính có bài viết: “Thế nào là tự do, dân chủ, và làm thế nào để có tự do ở chế độ toàn trị” trên Bloger của baotiengdan. Nội dung bài viết cho rằng ở Việt Nam hiện nay đang duy trì chế độ cộng sản toàn trị dẫn đến triệt tiêu quyền tự do và dân chủ của người dân. Đồng thời, kêu gọi thiết lập chế độ xã hội dân sự, quyền lập hội,… để bảo đảm quyền tự do, dân chủ cho nhân dân. Với nhận thức mơ hồ về dân chủ, Dương Quốc Chính hoàn toàn không hiểu nhưng lại cố tình xuyên tạc tự do, dân chủ ở Việt Nam.

Thứ nhất, về lý luận, tự do là một thuộc tính đặc biệt chỉ có ở con người có ý thức. Tự do là một giá trị cao quý, là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, tự do có tính tương đối, không bao giờ có tự do tuyệt đối. Tự do là mục đích tiếp theo, mục đích chính của độc lập. Độc lập là để có tự do. Độc lập, bản thân nó là sự tự do cho một dân tộc; đồng thời là để và phải đem lại tự do cho nhân dân, cho từng người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói, nếu nước độc lập mà dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì. Và chính Người đã đưa các thành tố “dân chủ” và “tự do” vào tên gọi của nước Việt Nam mới. Ở Việt Nam, từ khi thành lập cho đến nay, Nhà nước luôn luôn tôn trọng các quyền tự do cơ bản của công dân, coi đó là nguyên tắc xây dựng pháp luật của Nhà nước. Nhà nước ta đã ghi nhận các quyền tự do cơ bản của công dân trong Hiến pháp và pháp luật. Mỗi công dân được quyền tự mình lựa chọn và thực hiện các quyền tự do cơ bản của mình trong khuôn khổ của pháp luật. Các quyền con người, quyền tự do của công dân Việt Nam do pháp luật quy định gồm có: Quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền có nơi ở hợp pháp, quyền tự do cư trú, tự do kinh doanh, tự do đi lại, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận và báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình, tự do nghiên cứu, sáng tác, tự do lựa chọn nghề nghiệp mưu sinh, tự do hôn nhân… Trong Nhà nước pháp quyền, một mặt, pháp luật bảo đảm quyền tự do dân chủ cho công dân nhưng nghiêm cấm lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của nhân dân. Vì vậy, sự luận giải của Dương Quốc Chính về tự đo, dân chủ chẳng qua là sự lừa bịp, thói dân chủ giả hiệu, không có trong thực tiễn.

Thứ hai, dân chủ là một phạm trù lịch sử. Theo C. Mác và Ph.Ăng-ghen, dân chủ là phương tiện tất yếu để con người đạt tới tự do, giải phóng toàn diện những năng lực vốn có của mỗi cá nhân, tức quyền con người được bảo đảm và thực hiện đầy đủ. Đặc trưng cơ bản của dân chủ là tất cả các công dân đều có quyền tham dự đời sống chính trị, quyền lực cao nhất của đất nước thuộc về đại diện của nhân dân; mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật.

Dân chủ ở Việt Nam là dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đây là bản chất của chế độ chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Nội dung cơ bản của dân chủ xã hội chủ nghĩa là tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Từ ngày thành lập tới nay, Đảng ta luôn nhấn mạnh quyền làm chủ của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, dân chủ có nghĩa “dân là chủ” và “người dân làm chủ”. Dân chủ chính là biểu hiện quan điểm giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội, là nhân tố tạo ra sự ổn định, phát triển và thịnh vượng. Dân chủ ở Việt Nam được vận hành theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây chính là thực tế về tự do, dân chủ ở Việt Nam, được Đảng, Nhà nước và nhân dân thực hiện; là nguyện vọng, ý chí của dân tộc Việt Nam, không thể có thế lực nào xuyên tạc được.

Thứ ba, các thế lực thù địch, phản động luôn dối trá trong nhận thức, mù mờ đánh lận con đen trong cách luận giải về tự do, dân chủ, cố tình xuyên tạc tự do, dân chủ ở Việt Nam. Mục đích của chúng là xây dựng xã hội dân sự trở thành tổ chức chính trị đối lập với Đảng, Nhà nước, đòi Nhà nước chia sẻ quyền lực chính trị cho xã hội dân sự. Lợi dụng xã hội dân sự để gây sức ép về dân chủ, nhân quyền, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Tìm cách liên kết các tổ chức xã hội dân sự để thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hình thành tổ chức chính trị đối lập cùng với các thế lực bên ngoài tìm cách xâm nhập, tác động, chuyển hóa các tổ chức chính trị, xã hội ở Việt Nam hòng “phi chính trị hóa” các tổ chức này; tìm cách tiếp xúc, móc nối, mua chuộc cán bộ, đảng viên trong nội bộ để tuyên truyền, kích động tâm lý bất mãn với Ðảng và Nhà nước. Xuyên tạc tình hình, đòi xét lại lịch sử, kích động tư tưởng vô chính phủ… từ đó làm “đổi màu” các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan do dân bầu trong hệ thống chính trị. Lợi dụng các tổ chức xã hội dân sự để tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn tạo ra tâm lý phản kháng, kích động quần chúng chống lại chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước tiến tới xóa bỏ vai trò của Đảng Cộng sản và lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Vì vậy, mọi người dân và cộng đồng mạng cần phải hết sức cảnh giác và đấu tranh với những chiêu trò xuyên tạc, kích động nhằm chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động nói chung, luận điệu dân chủ cuội của Dương Quốc Chính nói riêng để bảo vệ những nguyên tắc và giá trị về tự do, dân chủ ở Việt Nam hiện nay./.

PQQ-H3

0 nhận xét: