Tham lam là sự ham muốn quá độ, luôn thích vơ vét mọi thứ về mình. Theo tiếng Hy Lạp, lòng tham nghĩa là “tình yêu dành cho vàng”. Học thuyết Công giáo coi lòng tham là một trong bảy tội lỗi chết người. Trong kinh Phật, tham còn gọi là dục. Nhu cầu của con người thường có năm loại dục, đó là sắc, thanh, hương, vị, xúc (mắt tham thấy đẹp, tai tham nghe tiếng hay, mũi tham ngửi mùi thơm, lưỡi tham thích vị ngon, thân tham xúc chạm vật mềm mại). Phật dạy có được những thứ cần dùng không phải là tham, không cần mà vẫn muốn có thêm, đó là tham. Lòng tham làm cho người ta ham muốn mọi thứ, đặc biệt là về giàu có và quyền lực.
Tuy
đều đề cập đến mong muốn đạt được một cái gì đó song tham lam khác với tham vọng.
Tham lam là sự khao khát quá mức, là ham muốn không có giới hạn, ham muốn đến mức
không còn biết phân biệt là nên hay không nên, đáng hay không đáng, nó gần như
mang tính bản năng, lúc nào cũng muốn lấy hết, muốn vơ vét hết về mình, nó giống
như một cái hố không đáy, “có một lại muốn có hai; có ba, có bốn lại nài có
năm”, muốn “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”. Vì lòng tham họ có thể đánh đổi
bằng mọi giá, bất chấp hậu quả. Nó có thể được liên kết với các loại tội lỗi
khác, chẳng hạn như trộm cắp, nói dối, không trung thành, phản quốc... Vì thế,
lòng tham là một trong những tật xấu cần tránh, nó chẳng những làm cho mình bất
an mà còn gây tai họa cho xã hội. Còn tham vọng là những khát khao, mong muốn của
con người về một điều gì đó trong tương lai và để đạt được phải bằng ý chí, nghị
lực và quyết tâm. Tham vọng thường gắn liền với ý nghĩa tích cực, mang tính xây
dựng, trong khi lòng tham luôn bị coi là tiêu cực, xấu xa, độc hại.
Biểu
hiện phổ thông nhất của bệnh tham lam là tham ăn tục uống. Miếng ăn không chỉ để
nuôi sống con người mà còn là văn hóa. Kẻ tham ăn thường tìm mọi cách vơ vét hết
khẩu phần ăn về mình. Khác hẳn với người lịch sự thường ngậm miệng lại để nhai,
người tham ăn thường phồng mang trợn má, nước húp soàn soạt, bỏ qua cái sơ đẳng
nhất là “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Xấu hơn cả người tham ăn là những kẻ
hám lợi. “Hám” mang ý nghĩa chỉ sự yêu thích vượt ngưỡng giới hạn, không phân
biệt được đúng - sai, phải - trái mà chỉ quan tâm đạt được thứ mình muốn; “lợi”
là lợi ích, quyền lợi cá nhân, trước hết là tham lam tiền của, ham muốn vật chất.
Mong muốn giàu có sung túc thì không xấu, nhưng nó xấu ở chỗ là ham muốn thái
quá, tham lam cái không phải của mình, ham muốn bằng mọi giá; nhẹ thì vì lòng
tham mà sinh trộm cắp, cờ bạc, nặng thì là cướp giật, bóc lột, nặng nữa đó là lợi
dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, biến tài sản của cơ quan, tổ chức,
hoặc công dân thành tài sản riêng của mình (tham ô), sử dụng quyền hạn để hưởng
lợi ích vật chất trái với quy định của pháp luật (tham nhũng), nhận tiền, quà tặng
hoặc các lợi ích khác để làm điều gì đó không trung thực (nhận hối lộ). Kẻ đã mắc
bệnh tham sẽ không chỉ hám lợi mà còn hám danh, nguy hiểm nhất là tham vọng quyền
lực, ham muốn địa vị. Tham vọng quyền lực là sự ham muốn về chức tước, địa vị,
muốn được ăn trên ngồi trốc, muốn được làm quan để hưởng lợi, đó thường là những
ham muốn quá lớn, vượt quá khả năng thực chất của họ, nhất là về tư cách, phẩm
chất, năng lực trình độ. Với bản tính “máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”, lòng
tham sinh ra mù quáng về vật chất, sùng bái tiền của, khao khát tham vọng chức
tước, tham quyền cố vị. Vì ham muốn quyền lực, kẻ tham vọng sẽ bất chấp mọi thủ
đoạn để đạt được mục đích. Đó có thể là dùng tiền, tận dụng các mối quan hệ, sống
giả để lấy lòng quần chúng, kê khai tài sản không trung thực, tập hợp những người
cùng ê-kip, bè phái, dùng mỹ nhân kế, dìm người giỏi để giữ địa vị của mình, thậm
chí là gây án, triệt hạ đối thủ... Từ tham vọng quyền lực, hám lợi đẻ ra hàng
loạt những loại bệnh khác như: chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp,
chạy phiếu bầu, chạy tội. Điều đáng buồn là họ luôn ngộ nhận, họ nghĩ rằng kẻ
tham lam đang ở đâu đấy chứ không phải là chính họ, rằng họ vẫn đang rất có “uy
tín”, đang nói mà có rất nhiều người nghe; họ không biết rằng thứ “uy tín” họ
có được chủ yếu là do chức quyền họ đang nắm giữ, nó có được do chạy trọt hoặc
được ban phát chứ không phải do tài cán, đức độ. Tâm lý học gọi đó là uy tín giả,
thứ uy tín thường làm cho người ta “sợ” chứ không nể phục. Nó chỉ tồn tại khi
còn chức còn quyền và nhanh chóng mất đi khi hết quyền, hết chức. Cùng với tham
vọng quyền lực, hám danh còn là thích tiếng tăm, thích được đề cao, ca ngợi, được
khen thưởng, từ đó lại sản sinh ra các loại bệnh khác như bệnh thành tích, che
dấu khuyết điểm, “đánh bóng” tên tuổi, báo cáo không thực chất, bệnh “chạy
thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”...
Quân
đội là một lĩnh vực thu nhỏ của xã hội. Xã hội có những thói hư tật xấu nào về
bệnh tham lam, trong quân đội rồi cũng sẽ khó tránh khỏi, vấn đề chỉ là ít hay
nhiều mà thôi. Ngoài những vấn đề về tham tiền, tham chức, tham quyền, tham
thành tích... như đã nêu, trong các đơn vị quân đội vẫn cần phải lưu ý thêm về
những biểu hiện của bệnh tham lam như ham mê cờ bạc, ham rượu chè, ham chơi
game điện tử (nhất là ở vị cơ sở), báo cáo không trung thực, ham sống hưởng lợi,
an nhàn, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí
công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng
nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn…
Bệnh
tham lam thường để lại những tác hại rất lớn. Với mỗi cá nhân, tham lam làm cho
họ tha hóa về đạo đức, méo mó về nhân cách, luôn bị người đời miệt thị và phần
nhiều phải sống trong sự ghẻ lạnh. Với đơn vị, tập thể, sự tham lam, nhất là
tham lam của người chủ trì, người đứng đầu chắc chắn sẽ tạo ra sự bất ổn bởi những
kẻ hám danh, hám lợi thường về tài thì hạn chế, về đức thì lèm nhèm, nhưng lòng
tham thì vô độ, nó sẽ sinh ra sự hiềm khích, nghi kỵ, bè cánh, thiên vị, mất
đoàn kết, mất dân chủ, triệt tiêu sự phấn đấu, kìm hãm sự phát triển. Với đất
nước, chế độ, sự lãnh đạo của đảng cầm quyền, trực tiếp là đội ngũ cán bộ có
vai trò hết sức quan trọng. Xét về bản chất, quyền lực không phải của cá nhân,
mà là của nhân dân, của tổ chức trao cho cá nhân sử dụng vào mục đích chung. Nếu
quyền lực bị thao túng, trao nhầm cho những kẻ “háo danh”, “lạm quyền” thì lợi
ích quốc gia sẽ chỉ còn là tấm bình phong. Người xưa từng nói: “Lòng tham giống
như lửa, nếu không được kiềm chế sẽ thiêu trụi cả thảo nguyên”. Trong thực tiễn
hiện nay kẻ chạy chức, chạy quyền thường quan niệm đã “đầu tư” để chạy thì khi
chạy được vào một vị trí nào đó rồi, tất phải tận dụng triệt để để vụ lợi, tận
thu, tạo nên một vòng xoáy tiêu cực rất nguy hại. Tham vọng quyền lực để trục lợi,
tham nhũng đã rất nguy hại song còn có một kiểu tham vọng quyền lực khác nguy
hiểm hơn đó chính là tham vọng quyền lực để chuyển hóa chế độ, thay đổi thể chế
chính trị.
Sinh
thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ghét bệnh tham lam. Bác thường xuyên phê phán và
khuyên can mọi người, nhất là với cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối tránh xa căn
bệnh này. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác chỉ rõ 15 căn bệnh nguy hiểm
bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, trong đó có bệnh tham lam. Theo Chủ tịch Hồ Chí
Minh, “…những người mắc phải bệnh này, đều đặt lợi ích của mình lên trên lợi
ích của Đảng, của dân tộc. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người
vì mình”, chà đạp lên lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Do đó, họ “tự tư, tự
lợi”, dùng của công làm việc tư, dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích
riêng của mình, tham ô, hủ hóa, sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi”.
Sa
vào chủ nghĩa cá nhân, quấn vào vòng xoáy của lòng tham quyền lực và tiền bạc
đó là đi ngược lại đường lối của Đảng và hiện đang bị Đảng ta quyết tâm loại bỏ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Tiền bạc lắm làm gì, danh dự mới là
điều thiêng liêng, cao quý nhất, phải trọng liêm sỉ, đừng có bị chủ nghĩa cá
nhân kéo xuống để thân bại danh liệt.
NTT
K6
0 nhận xét:
Đăng nhận xét