CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN, GÓP PHẦN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

 

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng. Đây là điều đã được khẳng định và minh chứng trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Song, nền tảng đó muốn lâu bền, vững chắc thì không chỉ thể hiện trên văn bản, giấy tờ, nghị quyết,… của từng tổ chức, mà điều quan trọng nhất là sự tồn tại, thấm sâu trong chính nhận thức, suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm và hành động thực tiễn – những biểu hiện cụ thể từ đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên. Điều đó được biểu hiện sinh động ở quan hệ biện chứng tác động lẫn nhau giữa hai nhân tố này trong quá trình vận động, phát triển của cách mạng. Theo đó, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở phương pháp luận, thế giới quan, nội dung, tiêu chí để xây đắp, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Ngược lại, đạo đức cách mạng là cơ sở tiếp thu, “nuôi dưỡng” và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng. Do vậy, đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng, trực tiếp góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức là gốc, nền tảng của người cách mạng, Người cho rằng “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Đặc biệt, làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới “gánh được nặng và đi được xa”; trước những khó khăn, gian khổ, phức tạp không dao động, luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng đã lựa chọn. Vì vậy, tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ là phẩm chất đạo đức, “đạo đức là gốc”, người cán bộ phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức mới có thể trở thành người cán bộ chân chính, “mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”.

Đạo đức cách mạng, theo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gồm nhiều yếu tố, tựu trung là: trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. Trong đó, điều mấu chốt nhất là: quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Thấm nhuần điều đó, từ khi thành lập Đảng cho tới nay, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên luôn thể hiện rõ phẩm chất đạo đức cách mạng; tích cực, chủ động học tập, thấm nhuần và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nêu cao bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển phồn vinh của đất nước.

Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực đa chiều, nhất là mặt trái của kinh tế thị trường và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch,... một số cán bộ, đảng viên đã không giữ được phẩm chất đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực, địa bàn, cơ quan, đơn vị của một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, với nhiều biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Đặc biệt, một bộ phận cán bộ, đảng viên do thiếu tu dưỡng rèn luyện dẫn tới phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính tri, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước buộc phải xử lý, v.v. Đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến một số cán bộ, đảng viên hư hỏng, biến chất đòi phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Triệt để lợi dụng thực trạng này, các thế lực thù địch đẩy mạnh xuyên tạc, kích động chống phá, gieo rắc hoài nghi,... làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, v.v.

Đại hội XII của Đảng đã đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức ngang với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng cũng đã chỉ rõ sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên “là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh vấn đề xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức được đặt ở một vị trí cao hơn.

Như vậy, đạo đức cách mạng là phẩm chất quan trọng hàng đầu của mỗi cán bộ, đảng viên và có ý nghĩa quyết định tới sự tồn vong của Đảng, của chế độ nói chung và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng; đòi hỏi, cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần tự tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức cách mạng là giải pháp quan trọng để góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng.

LNK-H4

0 nhận xét: