Tư tưởng Hồ
Chí Minh về thi đua yêu nước là hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về
thi đua yêu nước, được hình thành trên cơ sở tiếp thu và vận dụng sáng tạo những
quan điểm cơ bản chủ nghĩa Mác-Lênin về thi đua, về thi đua xã hội chủ nghĩa, về
vai trò của quần chúng và truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc,
cùng đường lối và thực tiễn đấu tranh cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng
và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ nội dung của
“Lời kêu gọi thi đua ái quốc” và những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, rút ra một số điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước
như sau:
- Quan điểm về
thi đua: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính
trị và phương pháp cách mạng. Theo Người thi đua là một trong những biện pháp của
quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn, thi đua không chỉ
khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản
thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, làm cho già, trẻ,
gái, trai và tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa
vị xã hội đều hướng tới mục đích chung. Thi đua để mọi người đều làm việc tốt
hơn, nhiều hơn và “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những
người thi đua là những người yêu nước nhất”.
- Mục đích
thi đua yêu nước: Là để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của mỗi thời kỳ cách mạng
trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực
dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích thi đua yêu nước là
“Diệt giặc
đói,
Diệt giặc dốt,
Diệt giặc ngoại
xâm”, để đem lại kết quả đầu tiên là:
“Toàn dân đủ
ăn, đủ mặc,
Toàn dân biết
đọc, biết viết,
Toàn bộ đội đầy
đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm
Toàn quốc sẽ
thống nhất độc lập hoàn toàn”.
- Nội dung
thi đua yêu nước: Phải toàn diện, phải xuất phát và phục vụ nhiệm vụ chính trị
của từng giai đoạn cách mạng, phải thiết thực, ở tất cả các lĩnh vực hoạt động
của đất nước, gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng cấp, hướng vào cải tạo
và xây dựng con người mới, hướng vào giải quyết những vấn đề cơ bản thiết thực
của nhân dân; thi đua phải gắn với công việc hằng ngày của mỗi người. Trong thời
kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Mỗi
người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều
cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính
trị, Văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu:
Toàn dân
kháng chiến,
Toàn diện
kháng chiến”
- Cách tổ chức
phong trào thi đua yêu nước: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải dựa vào lực lượng
của dân, tinh thần của dân, để gây: hạnh phúc cho dân”; các phong trào thi đua
yêu nước cần phải đa dạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự giác, sáng tạo
và sức lực của các tầng lớp nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng.
- Phương châm
thi đua yêu nước: Người chỉ rõ: “thi đua chứ không phải ganh đua” nên cần phải
đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao. “giúp đỡ những người
và những nhóm còn kém theo kịp mức cao hiện nay”; thi đua phải gắn liền với
công tác khen thưởng; khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua; khen thưởng
đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào
thi đua phát triển liên tục.
Cùng với đường
lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi
đua, khen thưởng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước có ý nghĩa to lớn
trong việc chỉ đạo, định hướng các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen
thưởng; lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, nỗ lực
phấn đấu, không quản hy sinh gian khổ, sẵn sàng đem hết trí tuệ, sức lực phục vụ
sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ
Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
CĐT-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét