CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

CẢNH GIÁC VỚI CÁC “CHIÊU” LỪA ĐẢO CỦA TỘI PHẠM CÔNG NGHỆ CAO

 

Thời gian qua, không ít người dân đã bị lừa đảo bởi bọn tội phạm công nghệ cao thông qua nhiều thủ đoạn tinh vi. Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng chức năng đã và đang đẩy mạnh công tác đấu tranh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng, tránh bị “sập bẫy” của kẻ xấu.

Khoa học công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh những thành tựu, còn những mặt trái mà chúng ta không mong muốn là khoa học công nghệ bị lợi dụng sử dụng vào nhiều hoạt động phạm tội và được thế giới gọi chung là tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đây là loại tội phạm mới, đang có xu hướng phát triển, diễn biến hết sức phức tạp, đa dạng và khó lường trên quy mô toàn cầu, là mối đe dọa to lớn đối với sự ổn định, phát triển của các quốc gia và được xác định là một trong những nguy cơ, thách thức lớn nhất của cộng đồng quốc tế. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn ra trên phạm vi cả nước, với nhiều hình thức ngày càng tinh vi hơn, số lượng vụ bị lừa đảo ngày càng tăng cao, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản và khiến người dân bức xúc, lo lắng. Lừa đảo công nghệ cao là thủ đoạn lợi dụng công nghệ kỹ thuật cao để thực hiện hành vi lừa đảo. Tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện bằng hình thức cố ý sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ thông tin ở trình độ cao tác động trái pháp luật đến thông tin số được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống máy tính, xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Với phương thức lừa đảo trên, bọn tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo nhanh chóng và khi bị phát hiện thì ít để lại dấu vết. Điểm chung của hầu hết các vụ việc lừa đảo bằng công nghệ cao là các đối tượng thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân như tên tuổi, ngày sinh, số căn cước, thông tin tài khoản ngân hàng...Các thông tin này do nạn nhân sơ ý để lộ hoặc các đối tượng tự thu thập được. Sau khi lấy được thông tin cá nhân, các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh cơ quan, tổ chức liên hệ với chủ thể của thông tin đó đề nghị chuyển tiền. Mặt khác, các đối tượng có thể sử dụng thông tin cá nhân của người khác để thực hiện các khoản vay với số tiền lớn và người phải trả là người đã bị lộ thông tin cá nhân đó. Một thủ đoạn nữa là tạo ra các đường link có chứa mã độc và gửi nó cho người khác. Khi người nhận được đường link này ấn truy cập thì sẽ bị các đối tượng đọc được mã OTP trong giao dịch qua tài khoản ngân hàng và qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Ngoài ra, các đối tượng còn làm giả trang web của cơ quan, tổ chức, làm giả các sàn giao dịch điện tử cũng với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; các cơ quan thực hiện chức năng quản lý hành chính về an ninh, trật tự thông qua hoạt động của mình có trách nhiệm nắm tình hình, chủ động phát hiện kịp thời nguyên nhân, điều kiện, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao và có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả; tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao thông qua quản lý hành chính về an ninh, trật tự; tăng cường trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng phục vụ công tác thu thập, ghi nhận, lưu trữ dữ liệu; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phục vụ yêu cầu đấu tranh với tội phạm liên quan mạng internet, mạng viễn thông.

Trên thực tế hiện nay, việc điều tra, xử lý các vụ lừa đảo qua mạng hiện gặp rất nhiều khó khăn do đối tượng hoạt động tinh vi, lợi dụng khoa học kỹ thuật để thực hiện hành vi phạm tội, phần lớn máy chủ thực hiện lừa đảo đều đặt ở nước ngoài. Trong khi đó, bị hại thường trình báo công an rất trễ. Ngoài ra, ở nhiều địa phương, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật của cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ. Do đó, chúng ta cũng cần có sự đầu tư về nhân lực cũng như trang thiết bị hiện đại để chủ động triệt phá những vụ vi phạm ngay từ khi chúng mới manh nha.

Thiết nghĩ, với công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, ý thức cảnh giác của người dân ngày càng được nâng cao và với hệ thống pháp luật đủ sức răn đe, chúng ta sẽ đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian tới./.

0 nhận xét: