Lễ hội truyền thống là bộ phận cấu thành của văn hóa quốc gia, chứa đựng trong đó những giá trị cốt lõi của bản sắc dân tộc. Nó là một lĩnh vực của kiến trúc thượng tầng, được quyết định bởi hạ tầng cơ sở, trực tiếp là đời sống kinh tế-xã hội của đất nước. Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, tất yếu đời sống văn hóa nói chung, văn hóa lễ hội nói riêng sẽ bị ảnh hưởng, chi phối. Quy luật giao thoa, tiếp biến của văn hóa, bên cạnh việc hấp thu những tinh hoa của văn hóa thế giới, tất yếu sẽ nảy sinh những nhân tố, yếu tố tiêu cực, phản văn hóa. Những hạn chế, yếu kém, bất cập trong đời sống văn hóa nói chung, văn hóa lễ hội nói riêng đã được Đảng ta đúc kết, chỉ rõ. Dưới góc nhìn biện chứng, khách quan, những bất cập, hạn chế, yếu kém trong hoạt động lễ hội là một thách thức tất yếu. Bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ, dân tộc nào trong môi trường hội nhập quốc tế cũng phải chấp nhận và đương đầu với những thách thức đó. Bản lĩnh, sứ mệnh, trách nhiệm của Đảng cầm quyền là đề ra chủ trương, quyết sách đúng đắn để lãnh đạo đất nước, lãnh đạo toàn dân tộc xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đại hội lần thứ XIII và Hội nghị văn
hóa toàn quốc năm 2021 của Đảng đã chỉ rõ: Sự tác động của quá trình toàn cầu
hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa-tư tưởng sẽ
diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công
nghệ số, xã hội số, văn hóa số... vừa đem lại những cơ hội, vừa tạo ra thách thức
mới trong việc xây dựng và phát triển văn hóa. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta
xác định, cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá
trị văn hóa dân tộc, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng,
miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời
đại. Hệ thống các lễ hội truyền thống của dân tộc là di sản văn hóa quý báu do
tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại. Chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn,
trân trọng và phát huy.
Chấn hưng văn hóa lễ hội là gột rửa,
loại bỏ những thứ đi ngược, làm trái với thuần phong mỹ tục; củng cố, tô đậm
hơn những nét đẹp của sắc thái văn hóa vùng, miền, bản sắc văn hóa dân tộc. Tẩy
chay, loại bỏ những tư tưởng thù địch; đấu tranh phản bác các quan điểm sai
trái, xuyên tạc về văn hóa lễ hội; lật tẩy những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng
những hạn chế, yếu kém trong quản lý văn hóa để xuyên tạc chính trị, phủ nhận
đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa... cũng chính là giải pháp quan trọng
để chấn hưng văn hóa, trong đó có văn hóa lễ hội.
Văn hóa là hệ thống những tri thức
rộng lớn, vốn sống phong phú. Không ai có thể tự tin cho rằng mình hiểu hết các
lĩnh vực của văn hóa lễ hội. Lắng nghe những ý kiến phản biện, vì thế, là một
thái độ văn hóa của những người làm văn hóa. Tuy nhiên, làm văn hóa cũng không
thể “đẽo cày giữa đường”. Phản biện văn hóa, trước hết phải bắt đầu bằng một
thái độ văn hóa. Lấy cớ phản biện để bỉ bai, xuyên tạc, hạ thấp giá trị truyền
thống của văn hóa dân tộc, hạ bệ uy tín của Đảng, Nhà nước... là thái độ thù
địch của văn hóa, cần phải đấu tranh thẳng thắn, quyết liệt.
Từ môi trường lễ hội truyền thống,
cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ làm văn hóa, quản lý văn hóa ở các cấp,
các địa phương cần nhất quán quan điểm “lấy xây để chống” trong tổ chức, quản
lý, điều hành, quảng bá, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh
vực văn hóa. Đừng bàng quan, thờ ơ, né tránh, để cho những tư tưởng cực đoan,
phản động có cơ hội sinh sôi, phát triển trong môi trường văn hóa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét