Thực
trạng, số lượng, cơ cấu, tiêu chí đánh giá, các yếu tố tác động đến giai cấp
công nhân rất đa dạng, phong phú, đan xen nhiều chiều. Căn cứ vào đó có thể đưa
ra một số nhận thức mới về giai cấp công nhân hiện nay.
Thực
trạng của giai cấp công nhân hiện nay
Số
lượng giai cấp công nhân (GCCN) hiện nay có nhiều số lượng tương đối khác
biệt do tiêu chí, quy mô và cách đánh giá của mỗi chủ thể nghiên cứu. Năm 2012,
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, thế giới đã có 1.000 triệu công nhân. Một
nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2014 khẳng định, trên thế giới
hiện có 1.540 triệu “công nhân làm công ăn lương” (salaried workers) trong tổng
số gần 3.300 triệu người lao động của thế giới hiện nay. Cũng theo ILO, dự báo
về số lượng nhóm này, năm 2018 sẽ là 1.702 triệu người(1).
Cũng
có một phân tích khác đưa ra số liệu tương đương: “Khi C. Mác viết Tuyên
ngôn của Đảng Cộng sản, năm 1848, trên thế giới chỉ có khoảng 10 - 20 triệu
công nhân, tương đương chiếm 2% - 3% số dân toàn cầu và chỉ trong vài lĩnh vực
có máy móc. Đến đầu thế kỷ XX, toàn thế giới có 80 triệu công nhân. Năm 2013, lần
đầu tiên trong lịch sử có đa số cư dân tham gia vào lực lượng lao động và là
người lao động ăn lương. Hiện nay có khoảng 1,6 tỷ người lao động ăn lương,
tăng thêm 600 triệu kể từ giữa những năm 1990, hơn 1 tỷ trong số đó là công
nhân”(2). Số liệu về số lượng công nhân có thể khác nhau đôi chút, nhưng nhận
thức chung là sự tăng lên mạnh mẽ của lao động công nghiệp trên thế giới trong
vài thập niên gần đây. Tỷ lệ lao động bằng phương thức công nghiệp hiện nay chiếm
trên 60% số lao động toàn cầu. Quá trình công nghiệp hóa, nhu cầu phát triển
văn minh (toàn cầu hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa cuộc sống...) là những nguyên
nhân của hiện tượng này. Công nhân dây chuyền lắp ráp tại nhà máy của hãng Ford
Motor Company ở Michigan (Mỹ), năm 1928_Ảnh: Getty Images
Cơ
cấu của GCCN hiện nay khá đa dạng, đang chuyển biến mạnh theo hướng hiện đại
hóa và được tiếp cận theo những tiêu chí đánh giá sau:
Một
là, cơ cấu nghề nghiệp của công nhân hiện nay vô cùng đa dạng và chưa ngừng
lại ở những nghề hiện có. Năm 1893, Ph. Ăng-ghen quan niệm: “Khi tôi nói “công
nhân”, tôi có ý nói người lao động của tất cả mọi giai cấp. Người tiểu thương bị
các hãng buôn lớn lấn gạt, viên chức văn phòng, thợ thủ công, công nhân thành
thị và công nhân nông nghiệp bắt đầu cảm thấy ách áp bức của chế độ tư bản chủ
nghĩa hiện nay ở nước chúng tôi”(3). Như vậy, quan niệm “giai cấp công nhân” đã
được lý luận mở rộng rất nhiều, không chỉ có những người trực tiếp hoặc gián tiếp
vận hành công cụ lao động có tính chất công nghiệp nữa, mà còn là tất cả những
người lao động trong chế độ tư bản.
Theo
một nghiên cứu, hiện nay trên thế giới có khoảng 23.000 nghề nghiệp liên quan đến
máy móc và phương thức lao động công nghiệp; và dự đoán rằng, đến giữa thế kỷ
XXI sẽ có thêm khoảng 10.000 nghề nghiệp mới, chủ yếu là ở lĩnh vực dịch vụ(4).
Một nghiên cứu gần đây của Ê-ríc Ô-lin Rai (Erik Olin Wright) một nhà xã hội học
mác-xít (1947 - 2019) đã lập một mô hình cơ cấu giai cấp theo nghề nghiệp, gồm
9 nhóm khác nhau, dựa vào trình độ, kỹ năng và thẩm quyền (5).
Hai
là, cơ cấu công nhân theo lĩnh vực hoạt động. Giai cấp công nhân hiện nay lao động
trên 3 lĩnh vực cơ bản là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Mặc dù đang có sự
dịch chuyển lao động giữa các lĩnh vực nhưng xu hướng chung là nhóm lao động ở
lĩnh vực dịch vụ tăng mạnh, số lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và
nông nghiệp giảm nhẹ. Số liệu của ILO về so sánh tỷ trọng lao động trong các
ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trong những năm cuối thế kỷ
XX, đầu thế kỷ XXI cho thấy rõ điều đó (Xem bảng 2).
Cơ
cấu công nhân lao động trong các ngành nghề tại các nước công nghiệp phát triển
(G7) trong những năm đầu thế kỷ XXI biến động chủ yếu cũng theo chiều hướng
tăng lao động ở nhóm dịch vụ, giảm lao động ở nhóm công nghiệp và nông nghiệp (Xem
bảng 3)(6).
Ở
các nước phát triển, chẳng hạn ở Bắc Âu, xu hướng này có nhỉnh hơn: Trong cơ cấu
kinh tế, tỷ trọng lao động dịch vụ chiếm khoảng 70%; công nghiệp khoảng 25% và
nông nghiệp từ 3% đến 5% lao động. Cơ cấu lao động của Đan Mạch: 4% số dân làm
việc trong khu vực nông - lâm nghiệp, 24% trong công nghiệp và xây dựng, 72% số
dân làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, trong đó 31% là dịch vụ công và 41% là dịch
vụ tư nhân.
Ba
là, cơ cấu của GCCN xét theo trình độ công nghệ hiện nay được nhìn nhận
là đa dạng và không đồng đều. Các nghiên cứu về trình độ công nghệ của công
nhân thường xét theo khả năng tiếp cận các cuộc cách mạng công nghiệp, cách
tính toán thường là công nghiệp 2.0; 3.0 hoặc tiệm cận 4.0. Cũng có những đánh
giá trình độ công nghệ của công nhân theo đặc tính của kỹ thuật của từng ngành
công nghiệp mà họ đang hoạt động, ví dụ: “công nghệ in offset” và “công nghệ in
kỹ thuật số”. Nhìn chung, công nghệ mà công nhân trên thế giới hiện đang sử dụng
là một “dải khá rộng” được mô tả bằng “cây phả hệ công nghệ đa tầng”, hàm ý là ở
nhiều trình độ, phát triển vốn theo quy luật không đều và sự phát triển của
GCCN hiện nay cũng vẫn tuân theo quy luật đó.
Bốn
là, cơ cấu GCCN dựa theo trình độ phát triển kinh tế thường được giới
nghiên cứu phân tích theo 2 nhóm nước là nước phát triển và nước đang phát triển.
Hiện có 408 triệu công nhân trong các nước phát triển và số còn lại (khoảng hơn
1.100 triệu) là ở các nước đang phát triển. Trình độ phát triển kinh tế, trình
độ công nghệ thường tỷ lệ thuận với năng suất lao động đạt được. Công nhân của
các nước phát triển có năng suất lao động cao hơn so với các nước đang phát triển.
Năm 2017, ILO xếp hạng năng suất lao động thông qua so sánh việc tạo ra giá trị
mới của 1 lao động/năm ở một số nước phát triển: Công nhân Mỹ tạo ra
63.885USD/người/năm; công nhân Ai-len là 55.986USD/người/năm; công nhân Bỉ là
55.235 USD/người/năm; công nhân Pháp là 54.609USD/người/năm...
Năm
là. cơ cấu GCCN theo chế độ xã hội là cách tiếp cận theo chế độ chính
trị. Theo quan niệm của chủ nghĩa Mác, có mối quan hệ biện chứng giữa công
nhân, công nghiệp và chủ nghĩa xã hội (CNXH) (chế độ chính trị). Chế độ chính
trị cũng có thể tác động đến sự phát triển của công nhân và công nghiệp. Lịch sử
cận đại, hiện đại xác định điều đó. Thống kê về GCCN các nước xã hội chủ nghĩa
(XHCN) năm 2019 cho thấy: Việt Nam có khoảng 15 triệu; Lào có khoảng gần 0,8
triệu; Cu-ba có gần 3 triệu, Trung Quốc có khoảng 300 triệu công nhân và 270
triệu “nông dân - công” (nhóm xã hội tham gia 2 phương thức và 2 lĩnh vực lao động,
có 2 nơi cư trú; là trung giới của quá trình chuyển biến từ nông dân sang công
nhân, nhưng chưa hoàn toàn sống bằng thu nhập từ lao động công nghiệp). Một
nghiên cứu cho biết: “Đến năm 2002, Trung Quốc có số lượng nhân viên công nghiệp
gấp đôi tổng số lượng nhân viên công nghiệp các nước G7 cộng lại”(7).
Đặc
thù của cơ cấu công nhân ở các nước XHCN là có một bộ phận công nhân thuộc
thành phần kinh tế nhà nước. Tính đến năm 2019, bộ phận công nhân ở thành phần
kinh tế nhà nước ở tất cả các nước XHCN đều có tỷ lệ nhỏ hơn so với số lượng
công nhân ở những thành phần kinh tế khác; Trung Quốc hiện có 120 triệu, Việt
Nam có hơn 2 triệu công nhân thuộc nhóm này. “Công nhân nhà nước” gắn liền với
thực tiễn của chế độ công hữu XHCN và trong thời gian gần đây, họ tương tác với
nền kinh tế thị trường, công nhân ở thành phần kinh tế khác. Theo J.M. Kên-nơ
(Keynes) - tác giả của lý thuyết về vai trò của nhà nước - “bàn tay hữu hình”,
họ (tức là công nhân nhà nước) góp phần tạo ra cơ sở vật chất cho sự tăng cường
can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế để khắc phục những “thất bại của kinh tế
thị trường” và cải thiện sự công bằng(8). Thực tiễn cải cách, đổi mới còn phát
hiện thêm trách nhiệm mới của “công nhân nhà nước” là bộ phận tiền phong trong
xây dựng CNXH, công cụ điều tiết, can thiệp và định hướng của nhà nước XHCN với
cả nền kinh tế.
Sáu
là, trình độ của GCCN còn được tính theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin
là trình độ giác ngộ chính trị, ý thức về sứ mệnh lịch sử của mình. Cách tiếp cận
này khá phổ biến trong nhiều nghiên cứu của các nước phát triển theo định hướng
XHCN hiện nay. Nhận thức chung là, giác ngộ chính trị của công nhân không đồng
đều, có biểu hiện bất cập so với yêu cầu của sứ mệnh lịch sử mà họ phải đảm
trách. Điều đáng quan tâm là hiện tượng suy giảm tính tích cực chính trị của một
bộ phận công nhân trong cơ chế kinh tế thị trường hiện đại đang diễn ra ở nhiều
quốc gia.
Những
nhận thức mới về giai cấp công nhân hiện nay
Thứ
nhất, quá trình công nghiệp hóa cùng với cải cách, đổi mới đang tạo ra nhiều đặc
điểm mới cho GCCN.
Tác
nhân hàng đầu làm biến đổi GCCN hiển nhiên là các cuộc cách mạng công nghiệp với
chu kỳ ngày càng ngắn hơn, yêu cầu đa diện hơn. Trong hơn 100 năm gần đây nhất
người ta đã thấy 3 cuộc cách mạng công nghiệp: lần thứ hai, lần thứ ba và lần
thứ tư. Trong thế kỷ XX, nhân loại cũng đã tiến hành 2 kiểu công nghiệp hóa là
công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa (TBCN) và công nghiệp hóa XHCN. Các cuộc cách
mạng công nghiệp với chu kỳ ngày càng ngắn dần: Từ “đại công nghiệp” tức là từ
“công nghiệp 1.0” đến “công nghiệp 2.0” mất gần hai thế kỷ; nhưng từ “công nghiệp
2.0” đến “công nghiệp 3.0” chỉ khoảng một thế kỷ; còn từ “công nghiệp 3.0” đến
“công nghiệp 4.0” chỉ mất 30 năm!
Công
nghiệp hóa theo kiểu mới với các đặc trưng: Rút ngắn (diễn ra không
tuần tự từ A đến Z mà phải tận dụng lợi thế so sánh của mỗi quốc gia); gắn
với hiện đại hóa (sử dụng thành tựu khoa học và công nghệ mới, đáp ứng những
yêu cầu mới về phát triển bền vững về xã hội và môi trường, sinh
thái...); nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa được chuẩn bị sớm và kỹ
hơn; các yêu cầu ngoài công nghiệp như tính nhân văn, bảo vệ môi
trường, sinh thái, tài nguyên cao hơn; và hội nhập thị trường quốc tế
cấp thiết hơn...
Theo
đó, lý luận “GCCN là sản phẩm và chủ thể của đại công nghiệp” đã được bổ
sung thêm nhiều nhận thức lý luận mới. Sự phát triển của công nhân gắn liền
với hội nhập kinh tế thế giới, chẳng hạn, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu
từ lợi thế và chấp nhận hợp tác, hội nhập quốc tế. Quá trình sản xuất hàng hóa
công nghiệp của công nhân buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế,
đáp ứng những nhu cầu “khó tính” của thị trường... Và kết quả là một sản phẩm
công nghiệp được công nhân tạo ra không chỉ là kết quả của công nghệ - kỹ thuật
mà còn là sự tích hợp những giá trị kinh tế, xã hội, môi trường. Nhiều nước
phát triển đã ứng dụng cơ chế quản lý linh hoạt (FMS) trong công nghiệp để khuyến
khích tính linh hoạt, sáng tạo, tối ưu hóa quá trình sản xuất bằng nhiều nguyên
tắc, như thường xuyên đổi mới công nghệ, tiết kiệm tối đa năng lượng và vật tư,
hạn chế thời gian lưu kho bãi, linh hoạt thời gian và địa điểm làm việc (chế độ
làm việc tại nhà). Công nhân hiện đại không còn là “chiếc đinh ốc trong dây
chuyền sản xuất TBCN” mà có tính chủ động hơn, tư duy năng động và đa diện
hơn.
Sự
phát triển của GCCN ở “các nước đang chuyển đổi” hiện nay còn là kết quả của sự
kết hợp các cơ chế, quy luật của kinh tế thị trường với vai trò của nhà nước và
thành phần kinh tế nhà nước; với chính sách đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ
nhân lực, dần chuyển dịch mô hình kinh tế từ phát triển “bề rộng” là chủ yếu
sang phát triển theo “chiều sâu”. Công nhân không chỉ là sản phẩm của công nghiệp
hóa mà còn là kết quả tổng thành của chế độ chính trị và cơ chế kinh tế thị trường.
Trình độ làm chủ và sáng tạo công nghệ, tư duy kinh tế thị trường, năng lực tổ
chức quản lý của GCCN ở các nước cải cách, đổi mới đều đã có bước tiến lớn.
Quan tâm đến lợi ích chính đáng của người lao động, kết hợp hài hòa lợi ích của
người lao động với lợi ích của tập thể và lợi ích của xã hội..., vừa là tư duy
kinh tế phù hợp, vừa là sự thể hiện tính chất XHCN trong phát triển.
Tư
duy mới về chính trị có thể thúc đẩy sự phát triển của GCCN. Chế độ XHCN đã tạo
ra một chất lượng mới, quy mô và tốc độ mới cho công nghiệp hóa. Ngay trong kiểu
công nghiệp hóa này cũng có 2 trình độ là công nghiệp hóa theo mô hình công
nghiệp hóa cũ và theo mô hình công nghiệp hóa mới. Hiện nay, cùng với lý luận
công nghiệp hóa mới của thế giới và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, các
nước XHCN có thể thông qua hợp tác - phân công lao động quốc tế để thực hiện
công nghiệp hóa. Chính CNTB cũng cần đến CNXH và tìm đến để hợp tác trong sản
xuất toàn cầu. Đổi mới tư duy chính trị, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc
tế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế... là xu thế chung của nhiều quốc gia. Giai cấp
công nhân đã xuất hiện với số lượng, chất lượng và diện mạo mới không chỉ từ
công nghiệp hóa mà còn từ cải cách, đổi mới. Nhưng quan trọng hơn, là khả năng
phát triển, cơ động xã hội của GCCN và các giai cấp khác. Trước đây, như nhận định
của một tác giả Trung Quốc: “Nhà nước trao cho GCCN địa vị giai cấp lãnh đạo và
thực hiện chính sách phúc lợi toàn xã hội khiến cho GCCN có được địa vị xã hội
và kinh tế “trời phú” rất cao, ở vào vị trí trung tâm trong toàn bộ kết cấu xã
hội, được hưởng một loạt quyền lợi đặc thù, có sự khác biệt với giai cấp nông
dân trên nhiều phương diện và cao hơn nhiều so với nông dân”(9). Nhưng hiện
nay, “thân phận “trời phú” của GCCN Trung Quốc đương đại bị phá vỡ, chuyển biến
từ tượng trưng thân phận sang khái niệm nghề nghiệp”. “Phương thức hợp đồng hóa
nghề nghiệp” thay cho chế độ công nhân, viên chức vĩnh viễn; quan hệ lợi ích
kinh tế thay cho quan hệ hành chính, “từ trạng thái do quá khứ lưu truyền đến
trạng thái do khế ước quy định”(10). Rõ ràng, công nhân hiện nay không chỉ là sản
phẩm của công nghiệp hóa mà còn là sản phẩm của đổi mới chính trị. Trong một số
trường hợp, chính trị, chính sách đã tác động mạnh mẽ, trực tiếp và tạo biến đổi
sâu sắc đối với GCCN.
Thứ
hai, kinh tế thị trường làm cho cơ cấu GCCN ngày càng đa dạng hơn.
Nhận
thức mới về vai trò của kinh tế thị trường là tạo ra một không gian rộng mở hơn
cho sự phát triển về nhiều mặt của GCCN với nhiều thành phần kinh tế cùng tham
gia quá trình công nghiệp hóa. Từ thực tế này, lý luận về GCCN hiện đại được bổ
sung, phát triển thêm. Chẳng hạn, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, năng suất
lao động, lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động, trách nhiệm xã hội
của doanh nghiệp, chuỗi giá trị toàn cầu, chủ động hội nhập, tổ chức chính trị -
xã hội của công nhân trong bối cảnh mới,... đều là những vấn đề lý luận mới mẻ
và rộng lớn, phức tạp hơn.
Có
thể, khái niệm “GCCN trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở giai đoạn cải cách, đổi mới”
sẽ là một vấn đề mà lý luận về GCCN đang tích hợp thêm các nội hàm từ thực tiễn
hiện nay. Có một số dấu hiệu khá rõ là, trên thế giới đang có những khái niệm
“lưỡng tính” để phản ánh trình độ như “công nhân tri thức”, “công nhân - trí thức”,
“trí thức - công nhân” hoặc ở Trung Quốc có khái niệm “nông dân - công” để chỉ
tính chất đang chuyển biến giai tầng; lại cũng có những khái niệm mang tính chi
tiết hơn về vị trí mà họ tham gia: công nhân trong thành phần kinh tế nhà nước,
công nhân trong thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó là các khái niệm mang tính phân lớp nghề nghiệp, như công nhân cổ cồn
trắng, cổ cồn xanh, cổ cồn vàng, cổ cồn nâu(11). Trình độ mới của sản xuất và dịch
vụ cùng với cách tổ chức xã hội hiện đại cũng làm cho cơ cấu của giai cấp công
nhân hiện đại đa dạng tới mức nội hàm của nó liên tục phải điều chỉnh theo hướng
mở rộng: theo lĩnh vực (công nhân làm việc trong lĩnh vực công nghiệp - nông
nghiệp - dịch vụ); theo trình độ công nghệ (công nhân áo xanh - công nhân của
công nghiệp truyền thống; công nhân áo trắng - công nhân có trình độ đại học,
cao đẳng, chủ yếu làm công việc điều hành, quản lý sản xuất; công nhân áo vàng
- công nhân của các ngành công nghệ mới, công nhân áo tím - công nhân dịch vụ -
lao động đơn giản như gác cầu thang, vệ sinh đô thị...). Lại có cả những phân
loại công nhân theo sở hữu (có cổ phần, có tư liệu sản xuất và trực tiếp lao động
tại nhà để sống và công nhân không có cổ phần, chỉ sống bằng sức lao động của
mình). Phân loại công nhân theo chế độ chính trị (công nhân ở các nước phát triển
theo định hướng XHCN; ở các nước G7; ở các nước đang phát triển...).
Công
nhân hiện đại không còn là “chiếc đinh ốc trong dây chuyền sản xuất tư bản chủ
nghĩa” mà có tính chủ động hơn, tư duy năng động và đa diện hơn.
Cũng
vì vậy, đã có hàng chục khái niệm để chỉ GCCN và có nhiều điểm khác biệt về nội
hàm khi so sánh các khái niệm ấy với nhau. Sự mở rộng nội hàm ấy đã khiến cho
nhiều khi so sánh công nhân hiện nay với công nhân ở thế kỷ XIX chỉ còn đặc điểm
là “lao động làm thuê” và “bị bóc lột sức lao động” được C. Mác sử dụng, là có
thể thấy rõ. Còn các tiêu chí - phẩm chất khác của công nhân, như gắn liền với
máy móc công nghiệp, lao động mang tính xã hội hóa, có tính tổ chức, kỷ luật và
triệt để cách mạng, có tinh thần quốc tế và bản sắc dân tộc... đều có sự thay đổi,
mở rộng và trong nhiều trường hợp cụ thể, là tương đối khó nhận diện.
Thứ
ba, một bộ phận lớn công nhân hiện nay xuất thân từ đô thị.
Giai
cấp công nhân thời C. Mác là giai cấp lao động làm thuê, bị bóc lột và xuất
thân chủ yếu từ nông dân và nông thôn. Nhưng từ những năm 80 của thế kỷ XX trở
lại đây, xu thế đô thị hóa và đông đảo cư dân đô thị đã bổ sung một lượng
lớn vào nguồn nhân lực của giai cấp công nhân. Trước đây, các vùng tụ cư trong
lịch sử nhân loại thường ở lưu vực các con sông lớn, nơi thuận tiện cho canh
tác nông nghiệp và có nguồn nước cho sinh hoạt. Ngày nay, đặc biệt là từ giữa
thế kỷ XX, bắt đầu xuất hiện những thành phố lớn trên sa mạc, như Lát Ve-gát
(LasVegas) cùng nhiều đô thị ở Trung Đông..., chúng hầu như được xây dựng và
phát triển dựa trên nguyên lý mới là khắc phục giới hạn của tự nhiên, nhân tạo
hóa các điều kiện sống bằng khoa học và công nghệ hiện đại. Đây là một quá
trình gắn liền với phát triển văn minh và công nghệ. Đó là những thành phố được
dịch vụ bởi công nghệ hiện đại. Nó cần đến công nghệ mới, công nghiệp và công
nhân.
Năm
2005, khu vực có mức đô thị hóa cao nhất là ở Bắc Mỹ với 82% số dân sống ở đô
thị, tiếp đó là Mỹ La-tinh và vùng Ca-ri-bê chiếm 80% và châu Âu là 73%. Báo
cáo “Nhìn lại triển vọng đô thị hóa thế giới” của Liên hợp quốc năm
2005, mô tả “thế kỷ XX đã chứng kiến quá trình đô thị hóa nhanh chóng của cư
dân thế giới” với tỷ lệ cư dân đô thị tăng từ 13% (220 triệu người) năm 1900
lên 29% (732 triệu người) năm 1950 và 49% (3,2 tỷ người) năm 2005. Báo cáo này
cũng ước tính rằng vào năm 2030 con số đó sẽ là 60% (4,9 tỷ người).
Đô
thị hóa làm xuất hiện ngày một đông đảo hơn đội ngũ lao động làm thuê, vốn có mặt
từ thời “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, gồm “bác sĩ, luật gia, tu sĩ, thi
sĩ, bác học đều bị giai cấp tư sản biến thành những người làm thuê...”(12).
Song, hiện nay họ đông đúc hơn, đa dạng hơn với hàng nghìn ngành, nghề khác
nhau. Xét về cơ cấu nghề nghiệp, các nhà nghiên cứu đều thấy sự tăng lên của những
nhóm lao động dịch vụ mới. Họ là những người kết hợp cả lao động chân tay với
lao động trí óc. Trong các quốc gia phát triển đã xuất hiện một cơ cấu xã hội mới
với vai trò mới của trí thức, công nhân trí thức. Cũng bởi vậy, ở nhiều nước
phát triển hiện nay (các nước G7 lao động nông nghiệp hoặc nông dân chỉ chiếm từ
2% - 3% lực lượng lao động) liên minh giữa GCCN với giai cấp nông dân đã không
còn cơ sở xã hội như thế kỷ XIX và thay vào đó là liên minh giữa những người
lao động, mà chủ yếu là hai nhóm lao động đông đảo ở đô thị là sản xuất công
nghiệp và dịch vụ bằng phương thức công nghiệp.
Đô
thị là nơi mà đấu tranh giai cấp hiện đại bộc lộ tính điển hình của nó. Ph.
Ăng-ghen viết: “Các thành phố lớn là nơi bắt nguồn của phong trào công nhân:
nơi đây công nhân lần đầu tiên đã bắt đầu suy nghĩ về tình cảnh của mình và đấu
tranh để thay đổi nó, nơi đây sự đối lập về lợi ích giữa giai cấp vô sản và
giai cấp tư sản lần đầu đã biểu lộ ra, nơi đây những liên đoàn lao động, phong
trào Hiến chương và chủ nghĩa xã hội đã ra đời...”(13). Và quan trọng hơn:
“Cách mạng công nghiệp tập trung tư sản và vô sản vào các thành thị lớn, ở đó sự
phát triển công nghiệp là có lợi hơn cả, và sự tập trung đông đảo quần chúng
vào một chỗ như vậy làm cho vô sản nhận thức được sức mạnh của mình”(14).
Thực tiễn chính trị hiện nay cũng đang xác nhận rằng, GCCN ở các đô thị sẽ là lực
lượng quyết định diện mạo của chính trị thế kỷ XXI./.
*
Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu tổng
kết lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về giai cấp công nhân, sứ mệnh lịch sử của
giai cấp công nhân trong lịch sử và thời đại ngày nay; đề xuất bổ sung, phát
triển vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh mới”, thuộc Chương trình
KX.02/16-20, do PGS, TS. Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc
gia Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét